Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Mùa Xuân Trở Nên Ấm Áp….

(Ba Lê Văn Sang & Má: Võ Thị Thoại) 

Ba thương yêu của con ơi!

Nhiều lần con tự hỏi, vì sao “ Mùa Xuân trở nên ấm áp?” Rồi con chợt mỉm cười thích thú và khẳng định là…Vì Ba Là Mùa Xuân… nên cuộc đời con trở nên ấm áp phải không ba của con!

Những gì ba má để lại, con cất giữ tất cả, những lúc nhớ và phiền muộn con đã giở từng món ra xem, để tự an ủi mình và làm niềm vui trong cuộc sống. Con rất ước ao làm một bản sao của ba má. Nhưng không biết là có đủ bản lãnh hay không. Nhưng người đời thường nói” con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” con mong con chỉ giống “một chút chéo cánh” của ba thôi, được không ba hihihi…

Ba biết không đêm nay con mở những kỷ vật của ba. Những tập vở ba má học Anh Văn, khi bước chân đến nước Úc này. Những bài tập viết bằng tiếng Anh và những bài dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Con đọc và rất tự hào về kiến thức của ba. Cùng niềm tự hào đó con nói thầm trong bụng “ Ba ơi, sao ba tài quá vậy ba”.

Con xin viết lại bài dịch của ba để anh chị em, con cháu có thể đọc được và nghĩ gì về ba, có như con đã nghĩ chăng! Nét chữ của ba rất mạnh mẽ và đẹp y như cá tính của ba. Mặc dù má thường hay nói: “ Mình ơi, anh viết chữ khó đọc quá!”. Ba ơi, chữ ba viết má khó đọc nhưng lòng ba thì má đọc được hết phải không ba. Đó thấy chưa ba trễ cặp mắt kính xuồng và nhìn con cười nháy mắt đồng tình rồi há ba hihihi…

(Quyển tập của ba Lê Văn Sang)

Đây là đoản văn dịch của ba - 1987, sau 3 năm ba má định cư trên nước Úc này.

“(1) Mỗi ngày, mặt trời mùa xuân trở nên ấm áp. Những loài chim đã thức dậy thật sớm và vui mừng hát cho mùa đông đã qua.

Con ong chúa đã dùng hết tất cả lương thực của mùa đông trong một cái tổ nhỏ nằm dưới tảng đá.
Lúc mặt trời đã ấm tảng đá, con ong chúa thức dậy.Thế nó còn nửa thức nửa say, nó vẫn bò từ nơi ẩn trốn ấm áp. Bầu không khí mát mẻ thổi ngược lại lông trên lưng của nó, làm cho nó trở nên lạnh, và nó cảm thấy rất yếu ớt. Nó đã không còn lương thực hơn 6 tháng.

Nhưng mặt trời sắp trở nên ấm áp, nó xòe đôi cánh và bay đến bên cây liễu mềm yếu và đáp nơi ấy. Có những đám chùm bông hồ đào bao trùm nhuỵ vàng che phủ những nhánh nhỏ. Con ong chúa đậu xuống với một bữa ăn đầu của nhụy.

“(2) Trong vài tuần ong chúa đã không có làm việc, nhưng nó tự ăn lấy và tắm nắng(phơi nắng). Đến tối nó lẩn trốn dưới một tảng đá hay một chiếc lá rụng xuống.Nhưng nó cần một chỗ an toàn để xây ổ.

Tại nơi chúng thường chạy ngoài vườn, nơi có một cái hang nhỏ. Hang này đã một lần là cái nhà của con chuột đồng. Nhưng bấy giờ chuột đồng đã bỏ đi rồi.

Con ong chúa tìm một cái hang và bò vào ở, mé trong sâu có nhiều cỏ khô và lá cây. Sẽ là một chỗ hoàn hảo, vừa ý để cho ong đẻ trứng, nơi đó sẽ là nơi để con nó nẩy nở.

“(3) Một khoảng cách mé trong cứng hơn và lớn hơn cái khuôn trứng, cô ong chúa đã bắt đầu làm khuôn lỗ nhỏ trong tổ ong bằng sáp( wax cell), uốn nắn thành cái khuôn trứng(cup)….( Tiếp theo trang 2)….”

(Nét chữ của ba)
Ba thương yêu ơi.
Nhờ bài dịch này con biết được sự sinh sôi nảy nở của loài ong thật lý thú. Tiếng chim hát mừng đón xuân. 
Ba được sinh ra vào mùa xuân, khí hậu mát mẻ ôn hòa, hoa lá đua nở, chim muông vang hót, ba cho con  yêu thương cho con nồng nàn với bao mùa xuân thắm tươi. 

Ba cũng ẩn mình chịu lạnh, chịu khó để che chở đùm bọc cho đàn con, ba xây tổ ấm cho con nương náu để con biết yêu và được yêu thương suốt cuộc đời... 

Nhưng rồi ba lại ra đi vào một mùa xuân, nhưng 27 năm qua thời gian có buồn, nhưng con cũng có vui vì mùa xuân vẫn trở lại. Hoàng Đan, cháu ngoại cưng của ba.từ Anh về Úc đúng dịp ngày tưởng nhớ giỗ ba.
Đêm nay trong tĩnh lặng, con nguyện cầu cho ba hưởng trọn vẹn mùa xuân hạnh phúc và đầy yêu thương nơi thiên đường cùng má nha ba. Trong sự hiệp thông ba có nghe được lời cầu nguyện của một người không xa lạ với ba phải không ba.
Con cám ơn ba đã cho con tìm lại được Mùa Xuân Trở Nên Ấm Áp như lời mở đầu bài dịch của ba.

Ba là mùa xuân... Mùa xuân vĩnh cửu trong cuộc đời con...!

Thương yêu con gửi về ba. Giỗ lần thứ 27.

Con gái 9 Kim Oanh của ba
Xuân Melbourne 30.10.2024

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Nàng Thơ

(Chị Sao Khuê tặng Kim Oanh)

Áo em mầu đỏ
Dáng em dịu dàng
Người em mảnh khảnh
Nụ cười e ấp
Ôi, em hiền ngoan
Nắng vàng hoang mang
Vương làn tóc xõa
Từ em lan tỏa
Ánh sáng từ bi
Một mối tình si
Như còn vương vất?

Sao Khuê

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Tự Mừng Sinh Nhật

 

 Chị Tư Ngọc Hạnh kính mến! 
Út thương tặng chị món quà nhỏ mừng Sinh Nhật và chúc chị luôn tươi vui, dồi dào sức khoẻ nha chị.
Út Kim Oanh

Thơ: Ngọc Hạnh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

Vùi Nhung Nhớ!

(Ảnh: Hoài Nam)

Những giọt sương khuya lấp lánh ngời
Lòng đa cảm lụy chạm hồn tôi
Chạnh niềm vương vấn hoài mơ tưởng
Bóng mắt xa vời gợi nhớ ơi!

Người đã quay lưng thật hững hờ
Gục đầu chiêu niệm khối tình thơ
Rồi trong đêm vắng vùi nhung nhớ
Như buổi yêu ai thuở dại khờ!


Kim Oanh
18.10.2024

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Hướng Đạo Chia Niềm Vui

 

(Mến tặng trưởng T. và các em Hướng Đạo Sinh
đã cùng sống một ngày hữu dụng.)

Một ngày thật vui vẻ
Làm thiện nguyện bên nhau
Cùng làm chung bên trẻ
Giúp nhau vơi bớt sầu.

Bao sức hùng, vai khỏe
Gánh, vác thật hiên ngang
Việc nặng tôi động đến
Là anh giành đảm đang.

Chẳng lăng nhăng tình ái,
Không hẹn… hò cá nhân
Chia vui người móm mém
Chỉ hẹn… nhau đỡ đần.

Làm đến khi mệt lả
Nhắc trẻ dừng, ngủ nghê
Anh độc thân vui tính,
Tôi phiền muộn phu thê.

Bao năm từng san sẻ
Giúp ích, cùng mải mê
Lắm chuyện buồn gia cảnh
Trong lời anh tỉ tê…
San sẻ người đồng… cảnh
Tôi an ủi, vỗ về:

-Chúng ta đeo mặt hề
Giấu nỗi buồn thật kín
Trao vui, trẻ em mê
Dạy nhường, học nhẫn nhịn
Hướng Đạo Sinh “Gồ ghê!

Gồ ghê!
Gồ ghê!
Khen nhau to một tiếng,
Bà con ơi!
Gồ ghê!”

Cứ chuyện cần là kêu
Mỗi khi ai cầu cứu
Thương bao trưởng tuổi chiều
Sức khỏe đã dần yếu.

Chúng em: “trưởng-kiêu-sa”
Ngon lành không chống… nạnh,
Gậy Hướng Đạo một nhà
Chống… nạng cùng múa, ca.

Chân còn khỏe, đi hoài
Mưa nắng chẳng hề ngại
Ngày ngày gọi nắng mai:
Thân ái bắt tay trái!

Ý Nga 
16.10.2024

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Dáng Xưa - Tìm Đâu

(Nhiếp Ảnh Gia: Hoài Nam)

Cảm đề bức ảnh người mẫu Tăng Thanh Hà

Dáng Xưa


Về đây tìm lại dáng người xưa,
Tình cũ xuân qua đã mấy mùa.
Thềm vắng âm thầm trong nắng sớm,
Cành hoa sương đọng những ngày mơ.

Lặng bước vườn hoang một nỗi lòng,
Bóng hình ngày ấy biết còn không?
Tường loang rêu phủ bao niềm nhớ,
Thoáng vẻ u buồn trong mắt nhung.

Từng cơn gió thoảng tình lưu luyến,
Bao lớp sóng vùi cảnh đoạn trường.
Ngơ ngác tìm người trong quá khứ,
Dáng xưa phảng phất nét yêu thương.

Chiều xuống nắng phai mầu kỷ niệm,
Nỗi buồn còn đọng với thời gian.
Chốn xưa hoa cỏ, ân tình cũ,
Dòng lệ mờ sương, nắng đã tàn.

HHD 
07-31-2014
***
Cảm Tác:

Tìm Đâu

Trở về tìm lại dáng xưa
Bao năm xa cách, mấy mùa tiếc thương
Tường rêu vách đổ đoạn trường
Cây khô, lá mục cuối vườn cỏ rong

Ôm vai nặng chĩu cõi lòng
Tóc mây che nửa nét không vô ngần
Chân trần bắt chéo phân vân
Áo dài phủ trắng cõi trần đìu hiu

Gió mang thời cũ luyến lưu
Anh vai áo trận một chiều ghé thăm
Ráng mây nhạt tía âm thầm
Nghìn thu chắt lại bao năm đợi chờ

Sương mai đọng lá còn mơ
Lên đường, vạt nắng thẫn thờ trôi theo
Cuối xuân tắt lịm chân đèo
Chốn quê quạnh quẽ gieo neo nhớ người!

Lộc Bắc
02-08-2014


Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Hỏi Người?

 

Có những đêm trăng trằn trọc
Mở ngăn tim đà nhánh mọc suy tư
Dạ có bồn chồn do dự
Nói một lời hay tư lự lặng thinh?

Có những đêm trăng một mình
Dòng suy nghĩ ừ cái tình không nợ
Lấn cấn hoài ôi cắc cớ
Buông nhẹ lòng hay trăn trở đời nhau?

Có những đêm trăng nhạt màu
Biết bên trời một bóng sầu vò võ
Thắp bao lần mùa trăng tỏ
Hỏi lòng người có mở ngõ chờ mong?

Kim Oanh
15.10.2024

 

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Còn Vương?

 

Bóng ai trong gió sương
Đơn độc bước bên đường
Khắc khoải sầu cô quạnh
Tim lòng đầy ắp thương?

Trăng nghe chăng tiếng gọi
Vang vọng giữa đêm trường
Nhung nhớ xưa còn mãi...
Hay cạn tình vấn vương?

Kim Oanh
12.10.24

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Tiếng Việt Thời Nay - GS. Nguyễn Tuấn

 
Hôm nay, tôi nhận được một email của một người Sài Gòn mở đầu bằng chữ “Kính gởi …” (thay vì ‘kính gửi’). Mát dạ ghê nơi! Và, làm tôi có cảm hứng thổ lộ vài tâm tình về tiếng Việt ngày nay.

Tôi là người lớn lên với tiếng Việt thời trước 1975, tức là tiếng Việt trong Tự Lực Văn Đoàn của những Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam..v..v... Đó cũng là tiếng Việt của các tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quỳnh, và sau này là Mai Thảo và nhóm tạp chí Bách Khoa lừng danh một thời. Đó cũng chính là tiếng Việt thời 1945 và sau này được gìn giữ ở trong Nam.

Thời đó, chúng tôi nói và viết tiếng Việt theo thứ tự tự nhiên. Chẳng hạn như chúng tôi được dạy là 'hôi thúi' (hay 'hôi thối') vì một vật thể khi bị chết đi, nó đi từ 'hôi' mới đến 'thúi.' Chúng tôi nói 'khai triển' (khai trương rồi mới phát triển). Các thầy dạy cho biết đó là cách nói của người Việt được coi là thuận với thiên nhiên.

Do đó, ngày xưa, tiếng Việt chúng ta được cấu trúc theo công thức tự nhiên đó. Có thể tìm thấy những chữ thường ngày như: bảo đảm, đơn giản, thành hình, khai triển, ít nhiều..v..v...

Thế nhưng sau 1975, những chữ đó đột nhiên bị đảo lộn thành: đảm bảo, giản đơn, hình thành, triển khai, nhiều ít..v..v... Những chữ này có cùng nghĩa như những chữ trên, nhưng nó chỉ đảo ngược cách nói hay viết.

Tại sao có sự đảo ngược này?

Câu trả lời đơn giản là do Tàu hoá. Thật vậy, rất nhiều chữ sau này được dùng theo cách dùng của người Tàu. Chẳng hạn như người Tàu hay nói ngược với chúng ta. Thay vì nói 'bảo đảm', họ nói 'đảm bảo'. Chúng ta nói 'khai triển', họ thì 'triển khai'. Vân vân.

Thật ra, những chữ như 'bảo đảm', 'khai triển', 'đơn giản', v.v. đều xuất phát từ chữ Hán. Nhưng các vị tiền bối chúng ta nói ngược với họ, có lẽ một phần là theo lẽ tự nhiên, và quan trọng hơn là không bị Tàu hoá.

Tiếng Việt ngày nay rất ư là hỗn tạp và phức tạp. Hỗn tạp là thứ lai căng (như ‘tuổi teen’), và phức tạp là làm cho tối nghĩa (ví dụ như ‘một cá thể trâu’). Mới đây còn có 'topping' nữa chứ! Loại tiếng Việt này làm đau đầu những người thuộc thế hệ tôi, và làm nhói tim những ai còn quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Hôm qua, cô tiếp viên sau khi tính toán tiền ăn xong rồi nói: "Dạ, phần của mình là 56 ngàn ạ"

Tôi muốn ghẹo cô ấy, nên giả bộ hỏi "'mình' là ai vậy con?" Cô ta bẽn lẽn nói "Dạ, con quen miệng ạ". Tôi lại chọc: người miền Nam không nói "ạ".

Rồi còn những cách dùng sai nghĩa nữa, mà tiêu biểu là 'liên hệ' và 'liên lạc'. Chẳng hiểu từ đâu mà ngày nay ở trong nước ai cũng dùng chữ 'liên hệ' theo ý nghĩa contact của tiếng Anh. "Anh cần thêm bất cứ điều gì, cứ liên hệ qua số điện thoại ...". Đáng lý ra phải là 'liên lạc'.

'Liên hệ' theo tôi hiểu là quan hệ huyết thống, máu mủ ruột thịt trong gia đình, tiếng Anh là 'relate'. Còn 'Liên lạc' có nghĩa là tiếp xúc giữa các cá nhân, tiếng Anh là 'contact'. Rõ ràng như vậy, mà chẳng hiểu sao đi đâu cũng thấy 'liên hệ'. Tôi nghi là cũng do Tàu hoá mà ra.


Lại nói đến chữ 'khả năng' cũng bị đổi nghĩa. 'Khả năng' có nghĩa là năng lực để làm một việc gì (tiếng anh là capacity). Vậy mà ngày nay người ta dùng chữ 'khả năng' theo cái nghĩa 'có thể' (probable): 'Chiều nay trời có khả năng mưa'. Trời ơi! Sao không nói "Chiều nay trời có thể mưa"? Lại một cách Tàu hoá?

Khó ưa nhứt là chữ ‘Việt Kiều’. Tôi nghĩ giới báo chí không chịu tìm hiểu nghĩa nên dùng chữ không đúng. ‘Kiều’ có nghĩa là người ngoài đến sanh sống nơi mình cư trú. Do đó, chúng ta mới có Hoa Kiều, Pháp Kiều. Tôi là người Việt về thăm quê thì mắc mớ gì mà gọi tôi là ‘Việt Kiều’?! Đáng lý ra nên gọi là ‘Kiều Bào’.

Chói tai nhứt là nghe cách đánh vần ngày nay. Lúc nào cũng Bờ Cờ Sờ ... nghe thiệt khó vô. Đó là cách phát âm đánh vần thời Bình dân Học vụ (thời 1930-1940) để giúp cho người mù chữ làm quen với chữ cái trong tiếng Việt, chớ đâu phải cách đánh vần chánh thức. Đâu có ai dùng nó để chỉ A Bê Xê (ABC) đâu. Các nhà ngôn ngữ học cũng đã nói cách đánh vần Bờ Cờ Sờ là sai. Vậy mà ngày nay trên đài truyền hình, đài phát thanh oang oang Bờ Cờ Sờ!

Có lần tôi thấy sốc khi nghe một đồng nghiệp Pháp nói với tôi rằng tiếng Pháp ở Paris ngày nay là loại hỗn tạp, còn tiếng Pháp ở Québec (Canada) mới là ‘chuẩn’. Chẳng biết nhận xét đó đúng hay sai, nhưng tôi có cảm giác nó nó hợp với tiếng Việt ngày nay: tiếng Việt ở hải ngoại mới chuẩn hơn tiếng Việt ở trong nước.

Nguyễn Tuấn

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Xuân Chào - Thơ: Kim Oanh - Phổ Nhạc,Hòa Âm,Saxophone & Video: Cao Ngọc Bích - Tiếng Hát: Thu Hường


Thơ: Kim Oanh 
 Phổ Nhạc,Hòa Âm,Saxophone & Video: Cao Ngọc Bích 
 Tiếng Hát: Thu Hường

Xuân Chào

Gửi đến nhân gian một nụ cười 
Ươm tình hoa điểm cánh xinh tươi 
Như trái tim yêu người chăm sóc 
Mong ước ngày ngày vạn niềm vui! 

Hy vọng xuân xanh thắm nụ cười 
Hương mùa lan tỏa đến nơi nơi 
Nhận được trao đi tình thắm thiết 
Chia sẻ cùng nhau hết ngậm ngùi!

 Xuân chào chân ái tiếng lòng tôi!

 Kim Oanh
Melbourne đầu Xuân 1.10.2024

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Kim Lăng Ngũ Đề 金陵五題- Thạch Đầu Thành

  

Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772-842) tự Mộng Đắc 夢得, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Thời Thuận Tông cùng tham dự vào những chủ trương chính trị tiến bộ cùng Vương Thúc Vân, Liễu Tông Nguyên, sau Vương Thúc Vân bị bọn cường quyền gièm pha, ông cũng bị đổi thành Lãng Châu thứ sử. Ông làm từ hay dùng tục ngữ địa phương, Bạch Cư Dị từng gọi ông là thi hào. Tác phẩm có Lưu Vũ Tích tập.

Nguyên tác               Dịch âm

金陵五題-石頭城 Kim Lăng Ngũ Đề - Thạch Đầu Thành

山圍故國周遭在 Sơn vi cố quốc chu tao tại.
潮打空城寂寞回 Triều đả không thành tịch mịch hồi
淮水東邊舊時月 Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt
夜深還過女牆來 Dạ thâm hoàn quá nữ tường lai.

Dịch nghĩa

Năm Bài Về Kim Lăng -  Thành Thạch Đầu*

Núi bao bọc thành cũ, vây kín chung quanh
Ngọn thủy triều đập vào thành trống rồi rút lui lặng lẽ
Vầng trăng xưa, ở phía đông sông Hoài (sông Tần Hoài)
Ðêm khuya chiếu ánh sáng vượt qua bức tường thấp.
*Thành Thạch Đầu ở phía nam núi Thạch Đầu, thuộc tỉnh Giang Tô.

Dịch thơ

Năm Bài Về Kim Lăng - Thành Thạch Đầu

Non bao quách cũ vây quanh kín,
Triều đập thành không lặng lẽ lui.
Đông có trăng sông Hoài thời cũ
Đêm khuya chiếu vượt tường thấp thôi.

Lời bàn

Bài thơ có một ý chê bai mờ nhạt rất khó bàn (lời bàn dễ thành mơ hồ, gượng ép). Thành Thạch Đầu gần giống như một thành ma.
Câu 1:
Thành bị núi bao quanh kín mít.
Câu 2:
Sóng đập vào chân thành rồi lặng lẽ lui ra không gây tiếng vang, giống như sóng ma. Sóng biển thường vọng đi xa lắm; ở xa vài dặm còn nghe thấy. Dường như tác giả ngồi ngắm thành rất xa từ trên cao và ngược gió nên không nghe thấy tiếng sóng vỗ, chỉ nhìn thấy ngọn sóng xô vào chân thành rồi lui ra thôi. Cũng dường như ông muốn nói điều gì đây (tỷ dụ như điều gì đã xảy ra trong 20 năm ông bị biếm).
Câu 3 & 4:
Ánh trăng từ phía đông sông Tần Hoài (vẫn là ánh trăng của thời cũ) vượt tường thấp vào trong thành như thuở xa xưa (Trăng vừa mới ngoi lên, chiếu nghiêng, phải vượt cái tường thành thấp mới chiếu được vào trong thành. Cái tường vẫn thấp như xưa, không có dấu vết của việc tu sửa, tăng thêm nét hoang sơ của thành Thạch Đầu).

Con Cò
***
Kim Lăng  Năm Bài - Thành Thạch Đầu

Núi vây nước cũ vòng quanh khắp
Sóng dập thành không lặng lẽ lui
Hoài thủy bờ đông, trăng thuở trước
Đêm khuya tường nhỏ vẫn về soi!

Lộc Bắc
***
Thạch Đầu Thành

Núi quanh chốn cũ tư bề
Sóng xô lặng lẽ vỗ về thành hoang
Sông Hoài xưa ánh trăng vàng
Đêm thanh thấp thoáng tường loang chiếu vào

Kim Oanh
***
Thành Thạch Đầu.

Non vây nước cũ kín vòng quanh,
Lặng lẽ triều lên xuống phế thành.
Đông ngạn sông Hoài trăng thủa trước,
Vượt qua tường đổ chiếu thâu canh.

Mỹ Ngọc
Sept. 28/2024
***

Thạch Đầu Thành

Thành xưa quách cũ núi bao quanh
Sóng lớn đập vào lặng rút nhanh
Trăng sáng sông Hoài như nguyệt cũ
Chiếu tường lồi lõm quái ma thành

Thanh Vân
***
Kim Lăng Ngũ Đề - Lưu Vũ Tích 金陵五題-劉禹錫

Nguyên tác:        Phiên âm:

石頭城                 Thạch Đầu Thành

山圍故國周遭在 Sơn vi cố quốc chu tao tại
潮打空城寂寞回 Triều đả không thành tịch mịch hồi
淮水東邊舊時月 Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt
夜深還過女牆來 Dạ thâm hoàn quá nữ tường lai

Mộc bản trong sách:

Lưu Tân Khách Văn Tập - Đường - Lưu Vũ Tích 劉賓客文集-唐-劉禹錫
Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại 唐人萬首絕 句選-宋-洪遂
Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘

Năm Bảo Lịch thứ hai (826), Lưu Vũ Tích rời chức thứ sử Hòa Châu (nay là huyện Hòa, tỉnh An Huy) trên đường về Lạc Dương, đi qua Kim Lăng (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), viết tập thơ vịnh hoài di tích này, tên là Kim Lăng Ngũ Đề 金陵五題, trong đó có 5 bài thơ: Thạch Đầu Thành, Ô Y Hạng, Đài Thành, Sinh Công Giảng Đường, và Giang Lệnh Trạch.

Ghi chú:

Thạch Đầu Thành: tên thành cổ ở phía nam núi Thạch Đầu, tỉnh Giang Tô. Còn được gọi là Thành Thạch Thủ. Địa điểm ngày nay nằm ở Thanh Lương Sơn, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ban đầu là thành Kim Lăng của nước Sở thời Chiến Quốc, sau được Tôn Quyền xây dựng lại và, vào năm Kiến An 17 (năm 229) của nhà Hán thời Tam Quốc, đổi tên thành Kiến Nghiệp, với ý nghĩa "kiến công lập nghiệp". Tựa lưng vào núi, mặt tiếp giáp với cửa sông Tần Hoài ở phía nam, thành là đầu mối giao thông và trấn quân sự quan trọng ở Kiến Khang trong thời Lục Triều. Đến thời nhà Đường, thành đã bị bỏ hoang.

Cố quốc: thủ đô cũ của nước Sở và 6 triều đại sau đó
Không: hoang vắng
Tịch mịch: im lặng
Hoài thủy: sông Hoài, sông Tần Hoài
Nữ tường: bức tường nhỏ có hình dạng lồi lõm trên tường thành

Dịch nghĩa:

Thạch Đầu Thành Thành Thạch Đầu

Sơn vi cố quốc chu tao tại     Núi bao bọc thành đô cũ, vẫn còn vây kín vòng quanh,
Triều đả không thành tịch mịch hồi Nước lớn vẫn đập vào thành trống rồi lặng lẽ rút lui
Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt Phía đông sông Hoài, cũng vầng trăng xưa đó,
Dạ thâm hoàn quá nữ tường lai Leo (chiếu) qua những bức tường lồi lõm trên thành vào đêm khuya.

Dịch thơ:

Thành Thạch Đầu

Thành xưa có núi bọc bao quanh,
Nước lớn vỗ thành lặng rút nhanh.
Trăng cũ đông Hoài vờn sóng nước,
Đêm khuya chiếu sáng đỉnh tường thành.

The Stone City by Liu Yuxi
Translation by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)

Surrounded by hills, this old capital, its environs still in place,
Flood-tides still storm the empty city, and ebb, and quiet befalls.
East of the waters of Qinhuai River, that same old ancient moon,
Deep in the night, still climbs across the jagged battlement walls.

Phí Minh Tâm
***
Góp Ý:

石頭城=Thạch Đầu thành

Thạch đầu thành nguyên thủy là tên của một thị trấn của nước Sở trên đồi Thanh Lương (清凉山, cao chừng 100 mét) thời Chiến Quốc. Tôn Quyền thời Tam Quốc lập một yếu điểm quân sự ở đó để bảo vệ sông Trường Giang; đây cũng là nơi Chu Du tập luyện thủy quân. Thạch Đầu thành được khuếch tán trong thời nhà Tùy nhưng rồi sử liệu về địa điểm này dần biến mất từ thời Tống và người đời sau không còn biết rõ thành ở đâu cho tới gần cuối thể kỷ XX khi địa điểm được khảo cổ khai quật và xác nhận ở Nam Kinh (Kim Lăng/金陵 ngày xưa); vì thế Nam Kinh ngày nay tự xưng là Thạch Đầu Thành. Hình dưới là một phần của di tích có tên là Quỷ Diện Tường (鬼面牆)

Hoài Thủy (淮水) và Kim Lăng (金陵) Kim Lăng là tên cổ của Nam Kinh và còn có tên Kiến Khang (建康) trong đời Tấn; Hoài Thủy thời xưa là một con sông lớn chảy độc lập giữa hai sông Hoàng Hà và Trường Giang. Bây giờ, vì thiên tai liên miên, Hoài Thủy hết còn là một con sông độc lập mà chỉ là một nhánh sông của Trường Giang gần Dương Châu (扬州). Hoài Thủy ở trên 50 km hướng Bắc của Kim Lăng và không dính dáng gì đến Thạch Đầu thành, thế thì họ Lưu nhắc đến biên giới lịch sử của Hoa Lục trong bài thơ này làm gì? Hoài Thủy và dãy núi Tần Lĩnh được xem trong lịch sử như biên giới thiên nhiên giữa hai vùng Bắc và Nam đất Hoa Lục và thường được thấy trong các tác phẩm hoài cổ để nhắc đến các nước Sở, Ngô, Việt đã bị người Hán tiêu diệt.

Có biết nguồn gốc của điển tích Thạch Đầu thành mới có thể hiểu thi nhân họ Lưu muốn nói đến chuyện vật đổi sao dời và lẽ vô thường của cuộc đời trong bài thơ này, cũng tựa như trong bài Ô Y hạng.

Huỳnh Kim Giám

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Vì Anh Là Lính

  
 
(Đề thơ tặng chị Tường Thúy)

Tập vở đầy tay tuổi học trò
Thơ Văn hương gửi mộng thơm tho
Vì ai ấp ủ đêm nhung nhớ
Anh biệt kinh kỳ có hiểu cho
Là yêu chặt dạ chung gian khó
Lính của lòng em thuở học trò.

Kim Oanh
Melb. 3.10.2024


Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Một Chút… Vương

 

Một gặp gỡ một chút thương
Mơ màu lụa nắng trải đường người qua
Một chút gió lùa hương xa
Đến phương trời nhớ thật thà cho nhau

Một chút vui dịu nỗi đau
Nối lại hẹn ước tình đầu bên em
Một chút gọi tiếng yêu quen
Ru mộng tròn giấc êm đềm sầu rơi

Một chút tình chợt tả tơi
Vỡ ra từng mảnh khóc đời lệ rưng
Một chút vương ... lòng lại nhưng...
Chỉ còn chút cuối xin ngừng thời gian!

Kim Oanh
01.10.24