Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

Thiên Nhai 天涯 - Lý Thương Ẩn (813 - 858)


Thiên Nhai
Lý Thương Ẩn (813 - 858)


Xuân nhật tại thiên nhai
Thiên nhai nhật hựu tà
Oanh đề như hữu lệ
Vi thấp tối cao hoa

Một Chiều Xuân Bên Trời
(Bên trời góc bể bơ vơ - Truyện Kiều - Nguyễn Du)
1/
Ngày xuân ở bên trời
Lại một chiều xa nhà
Oanh hót như có nước mắt
Làm ướt đóa hoa trời (?) 

2/
Ngày xuân nơi xứ lạ,
Lại một chiều xa nhà.
Oanh hót đổ sương muộn,
Hoa trời đẫm lệ sa.

Phạm Khắc Trí
04/20/2018 
Phụ Chú: Trời cao, đất thấp ̣ Trời là cao nhất ̣ Tối cao hoa, hoa cao nhất, chuyển ngữ thành hoa trời. Còn hoa trời là hoa gì thì tùy ý. Còn nói gì nữa, cuối đời lữ thứ, bên trời góc bể, một chiều xuân.  
***
Các Bài Dịch Khác:

1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ:

天涯                  Thiên Nha

春日在天涯, Xuân nhật tại thiên nha,
天涯日又斜。 Thiên nha nhựt hựu tà.
鶯啼如有淚, Oanh đề như hữu lệ,
爲溼最高花。 Vị thấp tối cao hoa!
李商隱             Lý Thương Ẩn

2. Chú Thích:
* Thiên Nha: Còn đọc là Thiên Nhai, là Chân trời góc bể, thường được nói là Hải Giác Thiên Nha 海角天涯, ta nói là Góc bể chân trời.
* Tà: là Nghiêng là Xiên. Nhựt Hựu Tà là Mặt trời lại xiên, là nắng đã về chiều.
* Đề 啼: Có bộ KHẨU 口 bên trái, nên có nghĩa là Gáy, mà cũng có nghĩa là Khóc nữa!

3. Nghĩa Bài Thơ:


Nơi Chân Trời
Ngày xuân mà ta còn ở tận chân trời, Cái xứ tận chân trời nầy trong ngày đã sắp tàn, nắng đà nghiêng chiếu. Tiếng hót như kêu thương của các con chim Oanh như có tiếng lệ rơi, làm ướt hết các cành hoa ở trên cao nhất !

Tại sao lại làm ướt các cành hoa ở trên cao nhất?! Vì đó là những đóa hoa đẹp nhất nở cuối cùng của buổi tàn xuân. Như ta đã từng biết Lý Thương Ẩn là một chàng thư sinh đa tình, đa sầu đa cảm hợp với Đỗ Mục cũng là một thư sinh đa tình đa sầu đa cảm thành một cặp LÝ ĐỖ đa tình ướt át ở buổi tàn Đường. Lý đã cảm thương cho thân phận mình lưu lạc ở góc bể chân trời, giờ lại cũng ở nơi góc bể chân trời nầy tiễn biệt nàng xuân trong buổi chiều tà, từ "thiên nha" được lặp lại đến 2 lần cho thấy nỗi lòng xót xa của kẻ bất đắc chí còn trôi nổi nơi xứ lạ quê người!

4. Diễn Nôm:
Nơi Chân Trời

Xuân ở tận chân trời,
Chân trời ngắm chiều rơi.
Oanh hót như ứa lệ,
Làm ướt hoa bên trời!

Lục bát:


Xuân còn ở tận chân trời,
Nơi chân trời ngắm chiều rơi bàng hoàng.
Tiếng oanh như có lệ tràn,
Hoa trên cao cũng ngỡ ngàng ướt theo!

Đỗ Chiêu Đức
***
Ở Tận Chân Trời
1/
Ở tận chân trời xám
Xuân về nắng sắp tàn
Oanh kêu vang mắt lệ
Ướt hoa châu ngỡ ngàng!
2/
Rón rén xuân về ở cuối trời
Dường như vạt nắng cũng chơi vơi
Chim Oanh nức nở hai hàng lệ
Nhỏ xuống đài hoa nước mắt rơi!

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 04 năm 2018
***
Tận Chân Trời

Tận chân trời ta vẫn xuân 
Chiều phai nghiêng đổ sầu dâng nắng tàn 
Bi thương mưa lệ Oanh than
Cành cao hoa cũng đa mang ướt nhòa

Kim Oanh
***
Tận Cuối Trời

Cuối trời xuân vẫn đó
Có nắng chiều buông lơi
Chim hót hồ rơi lệ
Cành cao ướt tả tơi

Kim Phượng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét