Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Tình Yêu Thiên Chúa Trong Lời Thánh Ca Của Vĩnh Phúc


Nhiều người thuộc thế hệ thanh niên tại miền Nam Việt Nam vào thập niên 1960 biết bài tình ca “Ngàn Thu Áo Tím” do Hoàng Trọng viết nhạc và Vĩnh Phúc viết lời. Những ai đã từng ở trong ban hát của các Hội Thánh Tin Lành tại Việt Nam trong những thập niên vừa qua, chắc hẳn ít nhất một lần đọc thấy tên Vĩnh Phúc trong các bài Thánh Ca Việt ngữ. Tuy nhiên, khác với những cuộc tình ly biệt đầy nước mắt trong những bài tình ca mà Vĩnh Phúc đã viết; trong Thánh Ca của Vĩnh Phúc người nghe cảm nhận được tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa qua hơn 350 Thánh Ca – chưa kể đến rất nhiều bài hát cho thiếu nhi – mà cô đã viết.

(Cô Vĩnh Phúc-1963)

Vĩnh Phúc tên thật là Lưu Thị Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc lớn lên trong gia đình tin kính Chúa nên những lời Thánh Ca do cô viết chan chứa tình yêu của Thiên Chúa. Người nghe dường như được nhắc lại những phân đoạn Kinh Thánh mặc dù trong ca từ không thấy những dòng chữ đó. Điển hình như trong bài Bước Với Chúa Yêu Thương, khi hát phần điệp khúc: “Được đi với Cha khi mộng trần gian khuất xa….” người nghe liên tưởng đến hai môn đồ trên làng Emmaus năm xưa. Hay trong bài Thánh Ca đầu tiên của Vĩnh Phúc – Tình Yêu Thiên Chúa – phiên khúc đầu tiên gợi nhớ về đêm Chúa giáng sinh; và sau đó sự hy sinh của Chúa trên thập tự được nhắc đến trong phần cuối của phiên khúc thứ hai. Trong tất cả những bài Thánh Ca do Vĩnh Phúc sáng tác, người nghe có thể cảm nhận tình yêu vô biên của Chúa và niềm an ủi bất tận của Ngài.

Nhưng có lẽ bài Chúa Quá Yêu Tôi là một thí dụ tiêu biểu thể hiện tài năng viết lời rất đặc biệt của Vĩnh Phúc. Bài này trong nguyên tác tiếng Anh không phải là một bài Thánh Ca; tuy nhiên dưới ngòi bút của Vĩnh Phúc, lời Việt của bài gần sát với nguyên bản tiếng Anh You Needed Me nhưng lại rất Cơ Đốc. Người nghe cảm nhận được sự chăm sóc an ủi của Chúa ngay trong những dòng chữ đầu tiên “Lệ tràn khoé mắt, được Ngài thấm khô…” liên tưởng đến cảnh Chúa trò chuyện với Phi-e-rơ sau khi Ngài sống lại. Lời bài hát dường như cũng nhắc lại cho người nghe những lần Chúa nói với chính mình sau khi đã lỡ bước sa chân lìa xa Chúa.

Chúa Quá Yêu Tôi - You Nedeed Me - Lời Việt: Vĩnh Phúc

Trong cuộc họp mặt nữ sinh Trưng Vương tại Houston vào năm 1991, Vĩnh Phúc đã giải thích lý do cô chuyển viết lời từ tình ca sang Thánh Ca như sau: “Mặc dầu tình ca hay và đẹp nhưng luôn chứa đựng những câu chuyện buồn. Những chuyện tình buồn không lối thoát. Nhưng khi viết Thánh Ca, tôi thấy lòng nhẹ nhàng thanh thoát vì được giãi bày tâm sự của mình với Thiên Chúa.”

Tâm tình này có thể đọc thấy trong nhiều ca khúc của Vĩnh Phúc, nhất là các ca khúc viết cho thiếu nhi như trong bài Bầu Trời Xanh: “Bầu trời xanh xanh, trùng dương mông mênh, màn sương óng ánh, cây rừng xanh xanh, ngàn sao lấp lánh, áng mây bồng bềnh. Ôi cõi đời đẹp xinh!” Niềm vui thanh thoát nhẹ nhàng, lan tỏa trong từng câu hát.

Người viết xin chia xẻ vài chi tiết về Vĩnh Phúc qua bài phỏng vấn bằng email.

Thủy Như: Xin cô cho biết về thân thế và gia đình. Con nghe nói họ hàng nhà cô là người miền Trung nhưng cô nói giọng rất Bắc.

Vĩnh Phúc: Cô là thứ nữ của hai cụ cố Mục sư Lưu Văn Mão. Ba Mẹ cô đều là người Miền Trung và nói giọng Miền Trung. Sau khi tốt nghiệp Trường Thần Học, các cụ hầu việc Chúa ở Huế (Miền Trung) một thời-gian rồi được gửi ra Miền Bắc phục vụ Chúa. Cô được sinh ra, lớn lên, và đi học tại Miền Bắc nên nói giọng Bắc rất đúng, không bị “lai” chút nào.

Thủy Như: Lời Thánh Ca mà cô sáng tác đầu tiên là bài nào và trong hoàn cảnh nào?

Vĩnh Phúc: Lời bài Thánh Ca đầu tiên mà cô viết là “Tình Yêu Thiên Chúa”, dường như nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh giao cho cô viết vào dịp Lễ Giáng-Sinh năm 1969 thì phải! Mặc dù hoàn cảnh vui buồn thường là cảm hứng cho những sáng tác của hầu hết các tác giả, nhưng hình như cô không dựa vào “hoàn cảnh” để viết, nhất là viết Thánh Ca. Thánh Ca là những bài người trần gian hát lên tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa muôn loài. Thiên nhiên ca ngợi Ngài liên tục suốt đêm ngày, tháng, năm, thế-kỷ: Mưa rơi tí tách, gió thổi vi vu, cây rung lá xào xạc, sóng vỗ, thác đổ, suối reo… không có dấu hiệu nào gợi cho ta thấy “hoàn cảnh” mà thiên-nhiên chọn để hát “Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi”. Thế nên những bài cô viết ít khi được gợi hứng từ hoàn cảnh.

Ca khúc: Tình Yêu Thiên Chúa - Nhạc: Dân Ca Anh 
Lời: Vĩnh Phúc - Trình bày: Mai Hương

Thủy Như: Cô học nhạc từ đâu? Điều này có ảnh hưởng như thế nào trong việc sáng tác của cô?

Vĩnh Phúc: Mục sư Vũ Hồng Tuấn dạy cô những nốt nhạc đầu tiên. Nhạc sĩ Thẩm Oánh là nhạc sư mà cô theo học nhiều năm nhất. Thế nhưng cô lại không phải là người giỏi nhạc vì cô không nhớ được hết những gì mình đã học. Cô nghĩ rằng nhiều người khác có lẽ cũng giống cô: Vì yêu Chúa, nên tâm hồn mình tự động “vỡ” ra thành khúc hát.

Thủy Như: Cô đã sáng tác bao nhiêu ca từ? Những bài nào cô tâm đắc nhất?

Vĩnh Phúc: Cô không nhớ mình đã viết bao nhiêu lời Việt cho các bài Thánh Ca, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh lưu trữ đầy đủ những bài cô viết từ trước đến bây giờ. Hình như cô không có bài nào “tâm đắc” vì bài nào cô cũng hết sức chu đáo khi viết, để hết tâm hồn vào bài, ý nghĩa phải rõ ràng, mạch lạc, chữ phải chọn lọc, lời phải trau chuốt và phải chú ý đến vần.

Ba cô dạy cô cách làm thơ, ngoài việc sử dụng bằng, trắc cụ hướng dẫn cô đặc-biệt về vần trong thơ. Đương nhiên phải chọn những chữ có vần theo đúng luật, nếu không có chữ đúng y vần mà cụ gọi là chữ có “bà con gần” thì phải chọn những chữ có “bà con xa”. Phải cố gắng lựa những từ ngữ đẹp để đặt vào bài thơ. Việc học hỏi này rất hữu ích khi cô áp dụng vào việc viết lời cho Thánh Ca.

Vì âm nhạc có các nốt cao thấp khác nhau, đã vậy, Việt ngữ lại có các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng rất khó viết, nên phải hết sức thận trọng khi ghép các từ ngữ làm sao cho đúng cao độ của âm nhạc, nếu không người nghe sẽ khó tiếp thu được lời hát trong tiếng Việt. Âm nhạc có 7 nốt chính là “Do-Ré-Mi-Fa-Sol-La-Si” không dễ ghép lời Việt, nhất là âm điệu nốt này liên tục sang nốt kia lại quá gần gũi, ví dụ như bài “Phước Cho Nhân-Loại” (Joy To The World) Thánh Ca cũ số 54, câu mở đầu “Phước cho nhân loại Chúa ta ra đời”, Thơ Thánh trang 132 (in vào tháng July 1939), câu mở đầu “Thế gian vui vẻ bởi Christ giáng hạ…” nhạc là “Do-Si-La-Sol-Fa-Mi-Ré-Do” rất khó để viết cho đúng với các dấu của Việt ngữ nên đôi khi người viết phải chọn những từ ngữ tương đương, vì khó như thế nên nếu thiếu kiên nhẫn sẽ dễ dàng bỏ cuộc.

Thủy Như: Có phải tất cả ca từ và có lẽ một số bài hát trong tập Tiếng Hát Chiên Thơ là do cô sáng tác?

Vĩnh Phúc: Cô chưa hề biết tập “Tiếng Hát Chiên Thơ” bao giờ. Cô chỉ nhớ là mấy chục năm trước, ông Hà Hữu Quang có yêu-cầu cô viết một số đoản ca dùng cho các em nhỏ, được in trong cuốn “Em Vui, Em Hát” do Hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision) in. Sau này những người thực hiện các tập bài hát đều sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, cô không giữ được những đoản ca mình đã viết hồi ấy, nhưng nếu đọc lời ca thì cô sẽ biết bài nào do mình viết. (Xin xem những bài do cô Vĩnh Phúc viết trong tập “Tiếng Hát Chiên Thơ” ở đây.)

Thủy Như: Lời ca cô viết là do “đặt hàng” hay là do cảm hứng?

Vĩnh Phúc: Trước đây, đôi khi cô tự chọn bài để viết, đôi khi có người nhờ viết lúc Hội Thánh có nhu cầu vào các dịp lễ đặc biệt. Sau này cô thấy thực sự là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nói chung đều rất cần những Thánh Ca Việt ngữ, không chỉ dùng vào các dịp lễ đặc biệt như Giáng Sinh, Thương Khó, Phục Sinh, Lễ Cưới, Lễ Tang… mà ngay cả các buổi thờ phượng hằng tuần, các nhóm nhỏ, thanh thiếu niên, nam giới, nữ giới, nhi đồng… đều rất cần bài để tôn vinh Chúa nên cô chú tâm viết về nhiều chủ đề khác nhau. Tuy hiểu biết giới hạn, nhưng cô rất kỹ lưỡng, cô không quan tâm đến số lượng bài mà cần nhất là phải chu đáo, không cẩu thả, bài nào cô cũng chọn từng chữ, trau chuốt từng chữ. Dù vậy, vẫn khó tránh khỏi khuyết điểm. Cô nghĩ rằng tại hải ngoại, thế hệ sau mình sẽ không còn dùng tiếng Việt nữa nên hầu hết các bài viết, cô đều hướng về Hội Thánh trong nước.

Thủy Như: Cô có sáng tác nhạc không?

Vĩnh Phúc: Có! Cô học sáng tác với nhạc trưởng Hoàng Trọng. Hồi ấy có những bài thực tập, sau khi một số bài tập được Hoàng Trọng sửa chữa, cô có viết lời ca cho các bài ấy nhưng cô lấy tên khác mà không dùng tên Vĩnh Phúc.

Thủy Như: Phần nhiều các ca khúc cô viết là các nhạc phẩm Cơ Đốc. Cô có sáng tác nhạc đời không? Nếu có, đó là những bài nào?

Vĩnh Phúc: Có. Cô viết lời ca chừng vài chục bài nhạc đời, với nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Những bài dưới đây đã được phát-hành và phổ biến trong nước và hải ngoại từ các thập niên 1960-1970:

(Nhạc Sĩ Hoàng Trọng)

Lời Vĩnh Phúc, Nhạc Hoàng Trọng:
 
- Đây Bình Minh
- Cánh Hoa Yêu - Tiếng Hát Thiên Trang

 
- Đường Về Dĩ Vãng - Tiếng Hát Thanh Thúy


- Hai Phương Trời Cách Biệt - Tiếng Hát Hà Thanh


- Một Người Lên Xe Hoa - Tiếng Hát Hoàng Oanh


- Một Thuở Yêu Đàn - Tiếng Hát Quỳnh Giao

 

- Ngàn Thu Áo Tím - Song Ca: Quỳnh Giao và Nguyễn Thành Vân


-Người Đi Chưa Về - Tiếng Hát Thu Tâm


- Nhặt Lá Vàng - Tiếng Hát Mai Hân


- Nhớ Hoài - Tiếng Hát Thanh Thúy

 

- Tìm Một Ánh Sao - Tiếng Hát Quỳnh Giao


- Tình Thơ Mộng - Tiếng Hát Tâm Vấn

 

- Tình Ta Như Giấc Mơ - Tiếng Hát Hoàng Hoa


- Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím - Tiếng Hát Tâm Vấn

 

- Trang Nhật Ký - Tiếng Hát Phương Dung

 

- Vào Mộng - Tiếng Hát Tuyết Mai

 

Ngoài ra, cô cũng viết lời ca cho 3 nhạc phẩm của Bác sĩ Phạm Anh Dũng: 

Lời Vĩnh Phúc - Nhạc Phạm Anh Dũng:

- Thơ Ấu Qua Rồi! - Tiếng Hát Diệu Hiền


- Người Yêu Dấu Mang Tên Một Loài Hoa - Tiếng Hát Ngọc Quy 

 

- Hoài Mong - Tiếng Hát Ẩn Lan


Thủy Như: Bài “You Needed Me” được cô viết lờì Việt là “Chúa Quá Yêu Tôi”. Bài này trong nguyên tác tiếng Anh không phải là một nhạc phẩm Cơ Đốc. Làm sao cô có những ý tưởng để viết lời gần sát như nguyên tác nhưng lại rất “Cơ Đốc” trong bản tiếng Việt?

Vĩnh Phúc: Hỏi gì mà … oái-oăm thế! Chúa dẫn dắt thôi, cô chẳng tự mình làm được gì đâu !

Thủy Như: Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã sáng tác một số nhạc phẩm lúc ông đang ở tù cải tạo. Cô có viết lời cho một số bài ấy và giúp chuyển các bài này ra hải ngoại. Cô có nhận biết những việc làm này là nguy hiểm không? Tại sao cô lại làm những điều đó?

Vĩnh Phúc: Là con cái Chúa, ai cũng cần chia sẻ những gì liên quan đến tâm linh cho người khác. Hồi cô nhận được các bài của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm từ trong tù chuyển ra, vì là Thánh Ca tôn vinh Chúa và nói lên nỗi niềm của những người tin nhận Ngài trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. “Nguy hiểm” như em nói thì cũng có, vì có lần nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã bị gọi lên quận “làm việc”.
 Khi trở về, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã nhờ ông Lâm Lý Trí đến cho cô biết là họ có nhắc đến cô và bảo rằng “Chị Vĩnh Phúc vi-phạm nghị-quyết số 297 (thì phải) về sáng-tác”. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh nhanh trí trả lời: “Chị Vĩnh Phúc không sáng tác! Chị ấy chỉ dịch thôi”. 
Họ không chỉ để ý các thư mình gửi ra ngoại quốc mà họ còn theo dõi những sinh hoạt của mình ngay tại địa phương và nhất là tại nhà thờ nữa. 
Tuy vậy, cô thấy cần phổ biến cho Hội Thánh khắp nơi nên cô đã tìm cách gửi đi. Trên hết là nhờ Chúa giúp đỡ, cô lại cẩn thận không ghi tên và địa chỉ người gửi và Chúa thương cho bài “cất cánh bay đi an toàn” rồi người này chuyển sang cho người kia ở những nơi có Hội Thánh người Việt. Cô chẳng nhớ cô đã viết lời ca những bài nào của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, ngoại trừ bài “Khúc Nhạc Nô-ên”.

(Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm-1954)

Cô nghĩ rằng văn nghệ đáng lẽ không nên bị ràng buộc bởi thời thế, nhất là những bài Thánh Ca, nhưng thực tế nhiều khi cũng bị giới hạn. Ngay cả hồi còn Việt Nam Cộng Hòa, những bài tình ca cô viết chung với nhạc sĩ Hoàng Trọng, khi qua kiểm duyệt thì khá nhiều lần Bộ Thông Tin đã yêu-cầu phải sửa lại một số câu, một số từ ngữ, vì họ nói là “đất nước đang chiến tranh, nếu văn chương… lãng mạn quá sẽ làm nhụt chí binh sĩ…” Sửa đi sửa lại dĩ nhiên là “méo mó” cả bài hát, ý nghĩa bài không còn trung thực như lúc khởi đầu nữa.

Thủy Như: Cô sang Mỹ năm nào? Công việc mưu sinh của cô có liên hệ đến lĩnh vực sáng tác của cô hay không?

Vĩnh Phúc: Cô đến Mỹ vào ngày 10 tháng 4 năm 1990, định cư tại thành phố Houston, Texas, nhưng mãi đến tháng 09 năm 1991 cô mới xin việc làm tại một công ty thương mại mà trước đây hồi còn ở Việt Nam, cô đã là nhân viên của công ty này nên cô phải di chuyển đến Nam Cali để làm việc. Công việc thương mại thì rất khô khan, căng thẳng… khác hẳn với tâm hồn yêu thích văn nghệ của cô, dù vậy cô không tách rời âm nhạc ra khỏi trái tim mình được nên tuy phải làm việc bận rộn, cô cũng cố gắng sử dụng ân tứ Chúa ban để hầu việc Ngài. Cô luôn hết lòng cảm ơn Chúa vì đây là niềm hạnh phúc cao quý nhất mà Chúa ban cho cô trong đời sống theo Ngài.

Thủy Như: Sáng tác ở Mỹ và ở Việt Nam khác nhau như thế nào?

Vĩnh Phúc: Với cô, sáng tác là từ tâm hồn, ở quê nhà hay ở hải ngoại đều không ảnh hưởng gì hết ngoại trừ công việc bận rộn thì bị hạn chế phần nào mà thôi.

Thủy Như: Cảm ơn cô rất nhiều cho cuộc phỏng vấn này.

Cô Vĩnh Phúc hiện đang sinh hoạt tại Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Anaheim, California. Bạn có thể xem danh sách những ca khúc do cô Vĩnh Phúc viết lời tại trang Vĩnh Phúc của Bách Khoa Từ Điển Tin Lành.

Thủy Như
Anaheim, California
03/28/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét