Sơ Lược Trường Trung Học Tống Phước Hiệp Qua Các Giai Đoạn
Ngày xưa trường khi còn mang tên Elémentaire Superieur, trường chỉ có hai dãy lớp, một nằm bên hông Tiểu Chủng Viện Xuân Bích, và một đối diện với Thánh Thất Cao Đài Vĩnh Long trên đường Nguyễn Thái Học.
Ngày 2 tháng 12 năm 1949, trường được chính thức mang tên Collège de Vinhlong, với " Hai Lớp Bổ Túc". Trường đã hợp thức hoá ngày 8-12-1949 dưới danh hiệu Trường Cao Tiểu Vĩnh Long.
Theo nghị định số 189/GD-NĐ ngày 24 tháng 9 năm 1954, Collège de Vinhlong được đổi thành Trường Trung Học Đệ Nhất Cấp, được mang tên mới Trung Học Nguyễn Thông, và bắt đầu được một vị Hiệu Trưởng chính thức điều khiển.
Ngày 29-5-1956, Trường mới có một trụ sở xứng đáng.
Nghị định số 249GD/NĐ ngày 14-2-1958 nâng Trường lên hàng Trung Học Đệ Nhị Cấp.
Theo nghị định số 108/GD-NP, ngày 23-1-1961 trường Trung Học Nguyễn Thông được đổi tên thành Trường Trung Học Tống Phước Hiệp, tên của một vị Công Thần đời Nguyễn đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của Vĩnh Long.
Khi trường Tống Phước Hiệp dời về địa điểm mới - Số 106 Đường Gia Long.
Trường chỉ có hai dãy lầu hình chữ L, một nằm dọc theo đường Hùng Vương và một nằm dọc theo đường Pasteur.
Bên trong trường có một hồ bơi nằm giữa Phòng Khánh Tiết và dãy lớp dọc theo đường Hùng Vương, và một dãy trệt nằm dọc theo bên hông phố sau lưng tòa biệt thự của Thầy Cô Hiệu Trưởng.
Năm 1972, trường xây thêm bốn dãy nữa, bao gồm Phòng Sinh ngữ, Thư viện và phòng Thí nghiệm.
Theo tài liệu được ghi trong quyển Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp 73-74. Giấy phép số 190/74 BDVCH/KSALP/TP cấp ngày 30-4-1974 in tại Thanh Bình Ấn Quán - 166 A Bùi Thị Xuân - Sài Gòn , với số lượng 1500 quyển, được phát hành ngày 8-5-1974.
Ngôi trường với 4.225 học sinh này đã trải qua đúng một phần tư thế kỷ , với 76 lớp học, một Ban Giám Đốc nhiệt tâm và Ban Giảng Huấn hăng say gồm 112 vị Giáo sư.
Những vị Hiệu Trưởng qua các thời:
- Từ 1949 đến năm 1954 Hiệu trưởng đầu tiên là Thầy Nguyễn văn Kính.
- Từ năm 1954 đến 1957 Thầy Bửu Trí làm Hiệu trưởng
- Từ năm 1957 đến 1959, Thầy Nguyễn Băng Tuyết làm Hiệu trưởng. Về sau Thầy đổi về Bộ Giáo Dục và giữ chức vụ quan trọng hơn.
- Từ năm 1959 đến 1961, Thầy Lý Chánh Đức làm Hiệu trưởng. Về sau Thầy đổi về Bộ Giáo Dục và giữ chức vụ quan trọng hơn.
- Từ 23 tháng 1 năm 1961 đến 1963 Thầy Trương văn Cao làm Hiệu trưởng. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, cao trào chống đối đảng Cần Lao Nhân Vị lên cao, Thầy Trương văn Cao được thuyên chuyển về Sài Gòn.
- Từ 1963 đến 1966, Thầy Nguyễn Hữu Lễ lên thay chức vụ Hiệu Trưởng. Sau đó thầy Nguyễn Hữu Lễ được thuyên chuyển về Bộ Giáo Dục.
- Từ năm 1966 đến năm 1971 Thầy Đào Khánh Thọ lên làm Hiệu Trưởng. Năm 1971, thầy Đào Khánh Thọ được bổ nhiệm Trưởng khu Học Chánh Vùng 4.
- Từ năm 1971 đến năm 1975 Cô Võ thị Ngọc Dung lên làm Hiệu trưởng.
Trường Tống Phước Hiệp đã chứa nhiều sắc nét:Những phòng học khang trang, một Vườn Hoa xinh xắn, một sân Thể Thao đa dụng, một phòng Thí Nghiệm tối tân, một Thư Viện đầy đủ và nhiều phòng chuyên môn như phòng Sử Địa, Phòng Sinh Ngữ, Phòng Kinh Tế Gia Đình, Phòng Y Tế,
Thư Viện
Hình thành từ năm 1965, Thư viện đã được phát triển toàn diện với 10.145 quyển sách qua 1987 nhan đề khác nhau và nhiềy tạp chí.Với 60 chổ ngồi chiếm một diện tích 100 mét vuông, Thư Viên mỗi ngày đón nhận khoảng 300 học sinh đến đọc sách và độ 200 học sinh mượn sách về nhà.
Song song với những sinh hoạt thường xuyên, Thư Viện còn tổ chức những buổi chiếu bóng, thuyết trình và triển lãm đặc biệt.
Năm 1969, dưới sự bảo trợ của Phụ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá. Thư Viện đã tổ chức một cuộc triển lạm trong khuông khổ Tuần Lễ Văn Hoá cho toàn thể học sinh tỉnh Vĩnh Long thưởng lãm.
Trong hai ngày 8 và 9 tháng 1 năm 1974, Thư Viện đã được chọn làm địa điểm cho khoá Hội Thảo Quản Thủ Thư Viện 16 Tỉnh Miền Tây. Trong dịp này, Thư Viện được hân hạnh đón tiếp Ông Giám Đốc Nha Trung Học, Phái đoàn Thư Viện Trung Ương. Vị Đại diên HĐVHGD cùng Ông Đào Khánh Thọ Khu Trưởng Khu VI Học Chánh. Cựu Hiệu Trưởng Tống Phước Hiệp, người đã đóng góp nhiều cho sự phát triển Thư Viện
Kể từ niên khoá 1974, Thư Viện Tống Phước Hiệp được chọn làm Thư Viện mẫu cho Khu VI Học Chánh.
Những vị phụ trách Thư Viện gồm có:
- Ông Đặng Ngọc Diệp
- Ông Trần Văn Lập
- Bà Lê Thị Liên Anh
- Ông Trần Văn Thành
- Bà Nguyễn Ngọc Hoa
- Cô Đặng Thị Thời
- Cô Huỳnh Thị Huynh
- Bà Lê Thị Hồng Hạnh
Phòng Thí Nghiệm
Chiếm một diện tích bằng 3 phòng học với non 300 dụng cụ thuộc đủ các môn: Lý Hoá, Vạn Vật, phòng Thí Nghiệm Tống Phước Hiệp có thể thực hiện hầu hết các thì nghiệm Khoa Học, từ cấp 6 đến cấp 12.
Hoạt động chính của phòng là yểm trợ dụng cụ Thí Ngiệm cho Giáo sư dạy lớp và trưng bày các Thí Nghiệm mẫu tại phòng.
Học sinh cũng có thể tự tay thực hiện các bài học thực tập ngay tại đây, sau khi học lý thuyết tại lớp, dưới sự chỉ dẫn của Giáo sư dạy lớp hay Giáo sư phụ trách các môn ở phòng Thí Nghiệm.
Niên khoá 1973-1974 phòng đã thực hiện hai kỳ triển lãm, một về “ Nham và Động Vật Biển” một về “Động và Thực Vật vùng Đồng Bằng Cửu Long”, đồng thời đã thu góp được một số lớn mẫu vật do các học sinh mang đến.
Phòng Thí Nghiệm Tống Phước Hiệp là một Phòng Thí Nghiệm lớn và đầy đủ cho một Trường Trung Học lớn.
Phòng Sinh Ngữ
Phòng với hệ thống ghi phát âm là nơi mà học sinh tới học trong các giờ Sinh Ngữ. Những băng nhạc, lời, phim chiếu bóng và những tranh ảnh liên quan tới các Quốc Gia có sinh ngữ giảng dạy, được trình bày tại đây để học sinh gần hơn với thứ tiếng đang học.
Phòng Sử Địa
Trong phòng với những bản đồ treo tường, một màn ảnh dung cho máy phóng hình và máy chiếu phim, đó là những trợ cụ đầu Tiên của Phòng Sử Địa mới được thiết lập. Một thế giới màu sắc và di động đã tăng thêm phần hứng thú cho các học sinh trong giờ Sử Địa.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, theo vận nước nổi trôi, trường cũng bị đổi tên. Tuy nhiên trường có mang tên gì đi nữa thì trường Tống Phước Hiệp vẫn là kỷ niệm thương yêu và mãi mãi là một hồi ức đẹp của tất cả học trò đất Vĩnh Long nói riêng cùng người đồng hương nói chung.
( Những chi tiết sưu tầm được chắc chắn là chưa đủ. Nếu quý vị độc giả có biết thêm chi tiết, xin vui lòng bổ túc. Chân thành cám ơn!.) - Trân Trọng
Chú thích:
* Chi Tiết Kim Oanh ghi chú trong ngày lễ Kỷ Niệm 55 năm Thành Lập Trường Tống Phước Hiệp tổ chức năm 2004 tại Vĩnh Long do Thầy Mai Phùng Võ đọc.(Cựu Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh - Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long trước 1975)
** Chi tiết và hình ảnh trích từ Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp 1973-1974 do Cựu học sinh Lương Tuyết Vân niên khoá 1969-1976 lưu giữ.
Úc Châu 1/1/2006
Lê Thị Kim Oanh
Cựu học sinh Tống Phước Hiệp
Đệ Thất Lớp 6/8 - Đệ Nhất D8( Trước năm 1975 là Đệ Nhất Ban A)
Niên Khoá 1969-1976