Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Một Kỷ Niệm Ấu Thơ

(Trường Quốc Học xưa)

Gió trăng mây nước là những chất liệu gây cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ cổ chí kim, từ đông sang tây và có lẽ cho cả ngàn năm sau! Mấy mươi năm trở lại đây, con người đặt chân xuống mặt trăng, đem về thế gian một nắm đất đá, rồi tuyên bố rằng trên mặt trăng không có sự sống. Báo chí nói thế, tôi tin thế, vì tôi có hiểu biết gì nhiều về những vấn đề khoa học cao siêu đó. Những thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ thì mê trăng lắm. Thi sĩ Hàn Mạc Tử đau thương của văn học chúng ta có lần đã viết ‘’như sao sương anh nằm chết như trăng’’. Ông thi hào Lý Bạch thì ôm trăng mà chết trên sóng nước. Nàng Kiều lao đao, ở lầu Ngưng Bích cũng ngắm trăng với ‘’ vẻ non xa tấm trăng vàng ở chung’’ để cho tâm tư lắng đọng. Riêng tôi cũng có lúc bồi hồi thương trăng, nhớ trăng ! Trăng của tôi là trăng của ấu thơ kỷ niệm, trăng thiên nhiên mát rượi trên sân nhà, trăng vằng vặc trên bờ biển Thuận An. Đặc biệt là trăng mơ màng trong một hoạt cảnh cách đây đã hơn bốn mươi năm do các anh chị học sinh trường Quốc học Huế trình diễn.

Chiều hôm đó, anh tôi xin phép mẹ cho tôi được đi xem văn nghệ do các bạn của anh, những anh chị học sinh trường Quốc Học, tổ chức. Tôi nín thở đế theo dỏi phản ứng của mẹ. Sở dĩ tôi hồi hộp đến thế, vì hồi đó, trường Quốc Học là trường lớn bậc nhất (miền Trung chưa có trường Đại học). Này nhé, Trường Quốc Học với cơ sở vĩ đại, phong cảnh hữu tình. Một số lượng thầy cô đông đảo giảng dạy cho cả mấy nghìn học sinh lớn. Này nhé, chiếc cửa gỗ ra vào thật lớn, thật nặng nề, nhưng oai nghi ngăn cách khuôn viên trường với đại lộ Lê Thái Tổ. Nhìn vào trong, hai dãy tầng lầu nguy nga thâm kín im lìm quét nước vôi màu gạch. Sân trường được chia thành những ô vuông đầy hoa lắm màu sắc tươi thắm. Hai hàng phượng vĩ vươn cao trong gió sớm đìu hiu. Đặc biệt một trăm sáu mươi tám nhịp chuông đồng ngân nga báo hiệu giờ học. Trường Quốc Học với tôi hồi đó là bề thế vậy. Tôi úy phục và thích thú mơ rằng tôi sẽ được học tại ngôi trường này lúc lên trung học. Niềm vui sướng tràn ngập lòng tôi khi thấy mẹ vui tươi gật đầu theo lời xin của anh. Tôi thầm biết ơn mẹ và cám ơn anh.

Tôi ngồi ở yên sau xe đạp của anh mà hồi hộp lạ thường. Xe băng qua cầu Trường Tiền (bấy giờ cầu chưa có tên là cầu Nguyễn Hoàng), quẹo qua phía đài phát thanh Huế, rồi băng qua đường là đến hội trường trình diễn văn nghệ. Đây là rạp chiếu bóng Morin, một phần của khách sạn Morin cũ, tên của một người Pháp vừa là chủ nhân vừa là quản lý cơ sở thương mại này (về sau rạp chiếu bóng trở thành giảng đường của trường đại học khoa học). Vào đến hội trường tôi thấy đầy người trong ánh sáng lờ mờ. Trên sân khấu, một chị mặc áo dài hồng đang cất cao giọng hát’’thấy hối tiếc nhiều, thuyền đã sang bờ, đường về không lối, lòng trần thôi đã về chiều mà lòng mến còn nhiều, đập gương xưa tìm bóng...’’ Tôi không theo dỏi bài hát được nữa vì phải thận trọng đưa từng bước chân nhỏ, lách người theo sự dẫn dắt của anh tôi. Cuối cùng tôi được ngồi gần bìa của dãy ghế giữa. Tôi nhìn lên sân khấu, chị áo hồng đang nhìn xuống phía khán giả buông lời ngọt ngào‘’gửỉ gió cho mây ngàn bay, gửi bướm đa tình về hoa, gưỉ thêm ánh trăng màu xanh ái ân về đây với thu trần gian’’. Giọng chị nhỏ dần và kéo dài ra rồi chấm dứt. Chị cúi đầu chào trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt gần như không muốn dứt. Tôi cũng cảm thấy thích thú quá nên cũng vỗ tay thật mạnh như người lớn. Nhưng mà tại sao lại gưỉ gió cho mây ngàn bay? mà không ‘’gửi mây cho gió’’, vì chính gió đưa mây đi chứ ? Ý nghĩ ngộ nghĩnh của tôi kịp chấm dứt để nghe giới thiệu tiết mục mới. Đó là hoạt cảnh‘’đêm trăng trên vịnh Hạ Long‘’theo nội dung của bài hát cùng đề tựa của nhạc sĩ Hoàng Quí. Tôi nhớ không rõ tên của người trình diễn bài hát; nhưng nhớ tên ngưòi thổi sáo là Châu Trọng Ngô. Anh tôi đôi khi nói rằng ở Huế thầy Ngô là cây sáo số một, người thứ hai là họa sĩ Côn Sơn. Tôi biết họa sĩ Côn Sơn có xưởng vẽ nhỏ và cũng là phòng trưng bày ở đường Gia Long (bấy giờ chưa gọi là đường Phan Bội Châu). Tôi chưa bao giờ được nghe ông thổi sáo nhưng cũng dành cho ông ít nhiều nể trọng vì mỗi lần đi ngang qua phòng vẽ của ông tôi thấy có hai cây sáo nhỏ và dài màu đen huyền. Điều này thật là lạ đối với tôi vì hồi đó tôi chỉ thường thấy cây sáo đánh dầu láng trong suốt còn giữ được màu vàng nhạt của cây hóp dùng làm sáo, chứ chưa thấy cây sáo màu đen huyền óng ánh bao giờ!

Ánh sáng trên sân khấu bỗng phụt tắt. Sau ba tiếng đập mạnh, hai cánh màn màu đỏ sẩm được kéo từ từ sang hai bên sân khấu để lộ một tấm ‘’cảnh’’lớn với màu sắc tuyệt vời... Kìa mấy mỏm đá cao thấp không đều, màu đậm lạt khác nhau đang nhô cao lên khỏi mặt nước biển xanh thẩm với mấy gợn sóng trắng nhấp nhô. Sau mỏm đá, chị ‘’ca sĩ‘’ hiện ra bán thân với chiếc áo trắng ngắn tay, mắt nhìn về phía chiếc thuyền xa xa. Một mảnh trăng lưỡi liềm trắng đục đang lơ lửng. Tôi tự hỏi bâng quơ, trăng mùng chín hay mùng mười đây? Bao nhiêu con mắt đổ dồn lên sân khấu trong tiếng vỗ tay rào rào. Tiếng sáo trầm ấm buông ra ngọt ngào. Tôi ngồi thật yên, lắng nghe. Tiếng sáo ngân dài rồi cao dần và thanh thoát. Rồi bỗng vút lên chất ngất dồn dập. Tim tôi đập mạnh theo. Tôi thấy mơ hồ như có một làn mây trắng mong manh đang chuyển về phía chiếc thuyền xa. Âm thanh chiếc sáo xuống thấp, dịu dần rồi im bặt. Tôi lấy lại được hơi thở bình thường! Ánh sáng vẫn mờ ảo, con thuyền vẫn nhấp nhô trên sóng nước. Giọng hát cất lên thật êm ‘’Chiều rơi trong gió khơi đềm êm, Đằng chân mây dần trăng non lên, Ánh vàng tha thướt nước mờ trong xanh...Gió đưa hơi gợn sóng... Chữ ‘’gợn’’ chị ấy hát nghe vừa đủ ngọt ngào rồi uyển chuyển lên vừa cao để bắt qua chữ ‘’sóng’’’ rung rung...Tiếng sáo lại như vang vọng từ xa đưa theo giọng hát để rồi hoà lẫn theo tiếng sóng êm đềm của vịnh Hạ Long. 
Con trăng lưỡi liềm di chuyển thật chậm về phía xa. Giọng trầm ấm ngọt lịm lên dần lan ra như những vầng mây lãng đãng nghe thanh thản lạ thường’’Đằng xa xôi bóng non chập chùng, nằm im nghe mờ trong không trung, tiếng đàn thánh thót theo ngàn lời ca... Tàu đi trong ánh trăng đềm êm, đàn theo ca tàn rơi trong đêm... Bỗng giọng ca bắt cao như đang quyện hút vào mơ tưởng xa xăm huyền diệu nào đó, đưa hồn tôi lên chỗ ngút ngàn xa thẳm chơi vơi ‘’Đợi con thuyền tới bến, bến mơ thần tiên’’... Âm thanh lại kéo dài, nhỏ dần rồi tắt lịm, nhưng âm hưởng còn vang xa thổn thức... Tiếng sáo bây giờ đang lơ lửng ở khung trời êm lắng thanh cao khiến lòng tôi cũng dịu dần. Cả hội trường đang để hết tâm hồn vào giọng ca tha thiết đang đưa người về khung trời kỷ niệm ‘’tàu đi trong ánh trăng đềm êm, ngồi bâng khuâng mình ai trong đêm, Mắt nhìn con nước tấm lòng vẩn vơ. Mơ đi tìm trong gió phút giây ngày xưa.’’... Chị ấy đang để hết lòng mình vào’’phút giây ngày xưa. Nhưng riêng tôi thì đang băn khoăn về bến mơ thần tiên... 


Mấy năm sau tôi lên trung học. Thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy nhớ những hoạt cảnh ấy đêm trăng ấy. Một dạo, tôi đến thăm anh bạn ở kiệt một đường Âm Hồn, ở Huế, (bấy giờ chưa gọi là đường Nguyễn Hiệu). Bạn cho tôi xem tập bài hát đã đóng thành sách. Tôi giở chậm rãi. Bài hát thứ hai trong tập là bài Trương Chi của Văn Cao. Hình vẽ ngoài bìa của bài này là khuôn mặt đài các của một thiếu nữ đang hướng mắt nhìn vào lòng một tô nước với hạt nước mắt trên má. Trong tô nước hiện ra hình bóng anh Trương Chi đang cúi mặt thổi sáo trên chiếc thuyền. Màu sắc của bức vẽ chỉ là một màu hồng đậm lạt khác nhau...Bản nhạc thứ ba của tập nhạc là Bên Sông Vắng của Tạ Tấn... Bản cuối cùng làm tôi thú vị, đó là Đêm Trăng Trên Vịnh Hạ Long. Tôi nhìn nhanh vào bức tranh bìa... Mấy mũi đá nhô lên khỏi mặt nước, một cây ở triền núi. Gần đó có một chiếc thuyền. Trên bầu trời có hình ảnh mặt trăng không tròn lắm! Hoạ sĩ của bức tranh ký tên là Vinh 51. Bản nhạc do nhà Tinh Hoa Huế xuất bản... Tôi nhìn nhanh vào phần trong của bài hát, nhận ra ngay: đợi con thuyền tới bến, bến mơ thần tiên. Tôi nhìn xuống phần cuối của bài hát: Mơ đi tìm trong gió phút giây ngày xưa. Tự nhiên tôi cảm thấy bùi ngùi rồi chậm rãi xếp xấp nhạc lại như cũ và kiếu từ bạn. 

Ngày tháng qua dần, thăng trầm cũng lắm. Thế mà cũng có lúc tôi buộc miệng hát nghêu ngao như để ru tôi ‘’người xưa ơi nhớ chăng nơi này, một đêm kia dần trăng non lên... Trông con tàu tới bến, bến mơ thần tiên...

Một lần nằm trong trại tù Thanh Hoá, khoảng năm 1981, tôi hướng mắt ra phía cửa sổ để nhìn lên con trăng lưỡi liềm thượng tuần đang lửng lơ cô đơn trong màn sương mờ đục, tôi chạnh nhớ đến hình ảnh và âm thanh của hoạt cảnh ngày xưa. Lòng bâng khuâng, mơ màng tưởng nhớ đến âm giai ré trưởng của nhạc sĩ Hoàng Qúi... Một cơn gió lạnh chạm vào da mặt, tôi rùng mình, vội kéo mền đắp kín đầu...

Nguyễn Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét