Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

‘Ðây Là Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, Phát Thanh Ttừ Thủ Đô Sài Gòn…’


Bà Hạ Hoàng Vân trong phòng thu âm. (Hình: Hạ Hoàng Vân cung cấp)

SAN JOSE, California (NV) – Ngày ấy, cứ trước giờ phát thanh của Ðài Phát Thanh Quân Ðội thì xướng ngôn viên lại dùng ngón trỏ búng nhẹ vào chuông to bằng cái chén nhỏ và nói: “Ðây là Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, phát thanh từ thủ đô Sài Gòn. Mời quý thính giả và các chiến hữu nghe tin tức.”
Ký ức của những xướng ngôn viên, biên tập viên tin tức chợt ùa về sau 42 năm xa cách, như có dịp sẻ chia.

Nhớ mãi các anh chiến sĩ tiền tuyến

Cựu xướng ngôn viên Thảo Trang, tên thật là Hạ Hoàng Vân, là một giọng đọc kỳ cựu tại đài, cho hầu hết chương trình phát thanh của các quân binh chủng, từ Sư Ðoàn 5, Sư Ðoàn 22, đến Công Binh, rồi Biệt Ðộng Quân, Nhảy Dù, và Thủy Quân Lục Chiến. Bà được cựu Trung Tá Phạm Hậu đề cử làm việc từ năm 1970 đến năm 1974.

Tuy nhiên, chương trình Nhạc Yêu Cầu do bà phụ trách vào mỗi 10 giờ sáng Chủ Nhật vẫn mang đến cho bà nhiều kỷ niệm với bao nỗi vui buồn.
Bà nói: “Thính giả trung thành của tôi là các anh chiến sĩ tiền tuyến trên bốn vùng chiến thuật và các sinh viên học sinh, người dân hậu phương. Nhiều người viết thư yêu cầu nhạc với những danh xưng rất quen thuộc với tôi, như: Nhóm Thố Ty Hoa Bình Dương, Cô giáo Nhã và Khóa 23 Võ Bị Ðà Lạt, Y Tá Áo Trắng tặng người Khóa 23 Võ Bị Ðà Lạt…”

“Qua những tên gọi này tôi được biết đến những chuyện tình lãng mạn, cũng như những hoàn cảnh thương tâm. Chuyện hai cô gái yêu cầu nhạc tặng cho cùng một người yêu thuộc Khóa 23 Võ Bị Ðà Lạt mà sau này được biết anh đã hy sinh trong trận chiến An Lộc. Hay Mai Phương và Mũ Ðỏ Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù, cũng chính là Nguyễn Thị Nghĩa Trang và Trung Úy Lê Chiến Tranh mà tôi chỉ dám đọc một lần trong chương trình thôi vì nghe buồn quá,” bà nhớ lại.

Bà kể, khoảng năm 1972, qua loạt bài của ký giả Kiều Mỹ Duyên viết về người thương binh trẻ tên Tân đã bỏ lại chiến trường đôi chân, muốn xin một chiếc xe lăn. “Tôi tìm đến gặp em và từ đó như một gắn bó đến với các thương binh tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi thường đến đây cuối tuần để giúp cắt tóc, cắt móng tay, đút thức ăn, chuyện trò, đọc sách,… cho thương binh,” bà nói.

“Mỗi sáng Chủ Nhật đến nơi này, tôi thấy các anh chụm lại quanh máy cassette, hay có anh một mình trầm ngâm nằm trên giường bệnh để nghe chương trình Nhạc Yêu Cầu Thảo Trang, hoặc hình ảnh người lính gác cổng vào một trại Thiết Giáp ở Long Khánh, bên cạnh anh là một cassette nhỏ, đúng lúc giọng tôi giới thiệu chương trình. Tôi muốn ngừng lại nói với anh tôi là Thảo Trang, nhưng lại không dám, vội rảo bước đi,” bà tủm tỉm nói.

Thêm một kỷ niệm khác mà bà không thể quên được.

Bà kể: “Một trong những thính giả trung thành của tôi là Trung Sĩ Trịnh Công Âu, y tá Nhảy Dù. Anh thường viết thư yêu cầu tặng nhạc cho ‘vợ hiền yêu dấu’ bằng mực tím đặc biệt. Ði đâu, anh cũng gởi quà về tặng tôi. Ra miền Trung, anh gởi kẹo mè xửng; qua Hạ Lào, anh gởi tượng Phật về.”

Xướng ngôn viên Hạ Hoàng Vân trong chiếc áo dài do phu nhân cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tặng. (Hình: Hạ Hoàng Vân cung cấp)

Bà lặng đi một lúc, như để dằn cơn xúc động, rồi tiếp: “Một ngày kia, năm 1974, vợ anh đến nhờ tôi giúp chị và bốn người con mau xin được tiền thất tung vì anh mất tích. Sở dĩ chị đến tìm tôi vì hay nghe chồng nhắc đến tôi và chương trình của tôi.”

Chiều hôm ấy, khi đưa người đàn bà bất hạnh này về nhà ở Trại Gia Binh Hoàng Hoa Thám, “thấy mấy đứa con anh nheo nhóc, đang lê la chơi với đám trẻ con hàng xóm, tôi thấy nghẹn ngào vô cùng. Lòng tôi đau thắt khi nghe đứa bé nói rằng nó chỉ mong có đầy đủ sách vở để đi học. Tôi chỉ giúp chị ấy một số tiền vì không biết làm gì hơn.”

Gần 42 năm trôi qua, tuổi đời chồng chất, nhưng vẫn có lúc ngồi yên lặng thật lâu nhớ về kỷ niệm và thầm ao ước được biết tác giả những cánh thư đã gửi về đài cho chương trình Nhạc Yêu Cầu do Thảo Trang phụ trách là ai, giờ này ở đâu, còn hay đã mất?
Khi lấy chồng họ Vũ, bà đổi tên là Vũ Hạ Vân. Hiện bà sống tại San Jose, California, và dành trọn thời gian vào công việc thiện nguyện cho nhà thờ. 

Người kéo dài chương trình Dạ Lan

Dạ Lan 2

Hồng Phương Lan là tên thật của cựu xướng ngôn viên Mỹ Linh, và bà cũng là Dạ Lan 2, người giúp kéo dài chương trình Dạ Lan nổi tiếng một thời cho đến ngày mất nước.
Theo nhận định của cựu Trung Tá Phạm Hậu, cựu quản đốc đài, Mỹ Linh là một trong những giọng nói lừng danh ở Sài Gòn thuở ấy.

Bà thích công việc nói chuyện trước công chúng ngay từ thời trung học. “Tôi được nhận làm xướng ngôn viên cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội Ðệ Nhị Quân Khu (ở Huế) từ năm 1952. Ðến năm 1957 tôi mới chuyển vào Sài Gòn, làm việc cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội tại số 2 bis Hồng Thập Tự,” bà kể.

Ban đầu, bà phụ trách phần tin tức, bình luận và nhạc yêu cầu.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà trong thời gian này là mùi vị ngọt ngào lẫn đắng cay khi nhận được những cánh thư của thính giả gởi về từ khắp bốn phương khi bà bắt đầu chương trình Nhạc Yêu Cầu (nhạc Việt Nam), và Nhạc Bốn Phương (nhạc ngoại quốc, gồm Anh và Pháp).
Thư ngợi khen thì rất nhiều. Những lá thư khuyến khích nên cứ giữ phong cách riêng rất dễ mến của bà cũng không ít. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những bức thư công kích với những lời lẽ không đẹp đẽ lọt vào tay bà.

Bà tâm sự: “Là người của công chúng, tôi luôn quan niệm rằng đã có người khen mình thì sẽ phải có người chê trách. Khen thì tôi xin cám ơn vì thấy việc mình làm được niềm nở đón nhận. Chê trách thì tôi cũng cám ơn vì đây là cơ hội tốt để mình học hỏi. Nhưng thư gởi về công kích với những câu viết thô tục thì tôi không biết phải làm gì, bởi vì mình không rút tỉa được gì cả.”

Dạ Lan 1

Ðến năm 1966, khi chương trình Dạ Lan, một chương trình dành riêng cho lính, bị gián đoạn vì xướng ngôn viên Hoàng Xuân Lan (Dạ Lan 1) xin nghỉ việc, thư từ của lính gởi về tràn ngập hằng ngày để phàn nàn và yêu cầu đài phải giữ chương trình này.

Ðể tiếp tục chương trình Dạ Lan, bà được đề cử thay thế Dạ Lan 1, và có biệt danh là Dạ Lan 2.

“Ban đầu, tôi định thử thay cô Xuân Lan một thời gian ngắn xem sao. Nhưng cấp trên thấy tôi có khả năng làm được nên giao thêm cho tôi nhiệm vụ này luôn cho đến ngày mất nước,” bà nói.
Sau biến cố 1975, chồng bà và vài người con trai vượt biên sang Mỹ. Sau đó bà và con nhỏ được bảo lãnh sang đoàn tụ gia đình.

Bây giờ bà vẫn thỉnh thoảng làm việc thiện nguyện khi có đoàn thể nào đó nhờ làm xướng ngôn viên cho các chương trình đặc biệt.
Cũng như những xướng ngôn viên cùng thời, bà luôn luôn nhạy bén thay đổi cách thể hiện kỹ thuật xướng âm sao cho phù hợp.

Bà phân tích: “Cách đọc tin tức khác hẳn với cách đọc bình luận và lại càng không giống với cách đọc thư thính giả gởi về yêu cầu nhạc. Ðọc tin, giọng nói chỉ là tường trình, không chen lẫn tình cảm. Ðọc bình luận, giọng nói phải có chút thẩm quyền, nghiêm nghị hơn và đôi khi có pha cảm xúc. Còn đọc thư thính giả thì giọng thân mật hơn, gần gũi hơn.”

Hiện ở Columbia, South Carolina, những lúc không làm việc thiện nguyện, bà thường vào Internet theo dõi tin tức.
“Tôi mê coi tin tức lắm, hết coi ở TV thì đọc tin trên Internet. Một phần vì ở đây không có đài Việt Nam,” bà nói.

Khi hỏi bà đọc tin tức như mọi người hay đọc thành tiếng như thời còn làm xướng ngôn viên, bà cười xòa: “Giọng tôi đâu còn trẻ trung như hồi xưa mà còn ham đọc như thế. Thôi, cái thời ấy qua rồi.”

Bật khóc khi đọc tin về sự tàn ác của chiến tranh

Bà Quỳnh Giao trong thời gian làm việc tại đài. (Hình: Hoàng Quỳnh Giao cung cấp)

Cựu xướng ngôn viên Hoàng Quỳnh Giao kể: “Khi bắt đầu làm việc, tôi gặp xướng ngôn viên Thảo Trang (tức Hạ Hoàng Vân), cũng vừa 20 tuổi, và kết thân ngay vì chúng tôi là những xướng ngôn viên trẻ tuổi của đài lúc ấy. Tôi đi làm sớm vì may mắn gặp cơ hội, và vì được đánh giá có giọng nói mạnh, phát âm rõ, dễ nghe.”

Nhờ giọng nói chuẩn mực và truyền cảm, bà được đọc tin tức trực tiếp ngay. “Ðọc tin ‘vivan’ (tin mới nhận) rất khó vì mình chỉ có chừng ít phút trước khi đến giờ tin tức. Trong thời gian ngắn ngủi này, tôi phải đọc lướt qua bản tin khá dài do các biên tập viên gởi xuống, nhưng phải nắm rõ nội dung, từ ý tổng quát đến từng dấu ngắt câu,” bà giải thích.

Bà nói thêm: “Khó hơn nữa, đôi khi có tin quan trọng cần loan báo ngay, dù mình không được xem trước; và đang đọc tin khác cũng phải tạm ngưng để đọc ngay tin mới.”

Một xướng ngôn viên như bà phải tự tìm cho mình một nhịp điệu tương thích cho từng bản tin.

Bà nói về “bí mật” của cái microphone thời ấy: “Nếu đặt nó thẳng hàng với miệng thì đọc xong bản tin chừng 15 phút, mình sẽ rất mệt vì bị hút hơi nhiều. Nếu đặt nó lệch quá sang một bên thì giọng sẽ rất yếu, quá nhẹ cho tin tức, nên phải đặt sao cho mình không mệt mà giọng nói vẫn không thay đổi.”

Yêu công việc, bà biết phải cố gắng vươn lên trong nghề nghiệp. “Không có trường lớp huấn luyện, tôi biết mình chỉ có cách duy nhất là phải rút tỉa kinh nghiệm từ những xướng ngôn viên đàn chị khác như Dạ Lan, Thu Hoài, Lệ Mai,” bà nói.

Cái khó khăn của bà là học hỏi từ người khác mà không được giống như họ. Học của người khác mà vẫn phải tự tạo cho mình một phong thái riêng.

Mỗi ngày với nhiệm vụ đọc tin tức và 15 phút thâu thanh cho mục Khoa Học và Văn Học Mới Trên Thế Giới, bà không tiếp xúc với thính giả nhiều như các xướng ngôn viên của những chương trình văn nghệ, tâm tình khác tại đài. “Công việc tuy không sôi động như của các chị, nhưng nhờ thế tôi có thì giờ trau dồi khả năng và làm thêm những chương trình khác cho đài,” bà nói.

“Có nhiều hôm, đọc bản tin mà tôi muốn bật khóc vì những cái chết oai hùng của các chiến sĩ, sự bi thương của những dân lành, sự tàn ác của chiến tranh, sự dã man của Việt Cộng. Ðọc những tin này như một cái máy thì lạnh lùng quá, nên tôi có pha một chút tình cảm trong đó. Ðôi khi đọc bình luận cũng vậy, tôi thường đọc với cung cách hùng biện của luật sư, cứng rắn nhưng có sức thuyết phục chứ không thể nào nhẹ nhàng hay yểu điệu như giới thiệu thơ văn, âm nhạc,” bà chia sẻ.

Theo bà, cũng là một tin, chỉ cần người đọc hơi lên giọng hay xuống giọng là thính giả sẽ hiểu xướng ngôn viên muốn nói điều gì.

Bà kể: “Khi nói chuyện về tin lũ lụt ở miền Bắc, một chị nhại giọng người miền biển để kể chuyện vui làm mọi người cười nghiêng ngửa. Khi đọc tin tức, chị vẫn nói giọng ấy, ‘nũ nụt’ thay vì ‘lũ lụt’ nên phải xin lỗi thính giả và đọc lại. Chỉ được vài câu, chị lại ‘nũ nụt’ nữa, lại phải xin lỗi và đọc lại. Tôi phải nín cười mà đọc hết bản tin. Từ đó về sau, không ai dám đùa nghịch trước khi đọc tin.”

Xướng ngôn viên Hoàng Quỳnh Giao, làm việc tại đài từ năm 1970 cho đến khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam.

Bà lập gia đình năm 1977, có ba người con, hai gái một trai. Bà tốt nghiệp cử nhân ngành kế toán năm 1980 tại đại học Oklahoma.

Hiện nghỉ hưu tại Phoenix, Arizona, khi rảnh rỗi, bà cùng chồng bơi lội, tập thể dục, theo dõi tin tức, xem phim, du lịch, thăm viếng người thân và bạn bè. “Tôi thích nấu ăn lắm nên cũng tốn nhiều thì giờ,” bà chia sẻ. 

Tháng Tư Ðen bao trùm đài

Kể về ngày làm việc cuối cùng ở đài vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, bà Nguyễn Thị Thu, cựu biên tập viên tin tức, nói: “Khoảng ngày 23, 24 Tháng Tư đài đã vắng một số người. Riêng ngày 30 Tháng Tư nhốn nháo lắm. Mặc dù vậy, ông Trung Tá Văn Quang vẫn có mặt ở đài và nhân viên làm việc cho đài với tinh thần rất cao. Quản đốc đài còn ngồi đó, tin vẫn được phóng viên gửi về, biên tập viên nhận tin và xướng ngôn viên vẫn đến để đọc tin.”

“Tôi làm ca sáng nên lúc nào 7 giờ cũng có mặt, cho đến lúc nổ trái bom gần đài thì mọi người sợ quá, chạy tán loạn. Tôi cũng phóng xe chạy luôn. Lúc đó khoảng 9 giờ. Sau đó thì nghe Ðài Sài Gòn phát tin quân Cộng Sản vào đến Dinh Ðộc Lập. Như vậy là đã hết,” bà trầm giọng nói.

Bà buồn bã nói tiếp: “Mất nước, tôi hoàn toàn bất ngờ, bởi vì chúng tôi làm trong Ðài Quân Ðội nhận được tin tức hằng ngày mà. Lúc lình xình khi tin tức bay về nói là mất Ban Mê Thuột thì tôi có hoang mang, bắt đầu lo. Nhưng lúc đó quản đốc đài bảo rằng đừng lo, không có gì đâu, nếu có gì thì cố vấn Mỹ sẽ cho các nhân viên của đài đi. Vậy mà không ngờ mọi chuyện lại nhanh đến vậy.”

“Cũng vì bất ngờ mà ông Quản Ðốc Văn Quang và rất nhiều nhân viên ở lại sau ngày 30 Tháng Tư. Khi mất miền Nam Việt Nam thì biên tập viên hầu như còn lại hết, chỉ có lác đác vài người đi được thôi. Sau ngày đen tối đó chúng tôi có đến đài và có gặp lại nhau, quyến luyến cảnh tình mà bấy nhiêu năm làm việc. Nhìn thấy Cộng Sản chiếm đài mà đau lòng lắm. Họ tịch thu tất cả giấy tờ của chúng tôi và bắt chúng tôi phải ‘đi học’ ba ngày để ‘cải tạo đầu óc.’ Sau đó thì mọi người tản mác đi dần,” bà kể.

Nói về cơ duyên đến với đài, bà cho hay, sau biến cố Mậu Thân 1968, bà “may mắn xin được việc làm trong đài để vừa đi học ở trường luật vừa đi làm bán thời gian ở đài, bởi vì lúc đó đài cần người để làm nhiều chương trình. Lúc tôi vào thì có làm việc một thời gian với ông Phạm Hậu, sau khi ông qua Ðài Sài Gòn thì ông Văn Quang làm cho đến ngày mất nước.”

“Khi vào làm tôi được ông Dzương Ngọc Hoán dạy cách biên tập tin, theo dõi những tin tức từ chiến trường do các phóng viên gửi về và biên tập lại để xướng ngôn viên đọc. Một thời gian sau thì ông Văn Quang cho đi học một khóa cấp tốc về biên tập bên Ðài Sài Gòn,” bà nói.

“Thời điểm đó tin tức được lấy từ nhiều nguồn. Nếu tin từ Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thì lấy nguyên văn, còn phóng viên gửi về thì phải ghi chép và biên lại theo lời phóng viên. Riêng những tin của phóng viên chiến trường thì sẽ phát nguyên văn bản tường trình, hoặc viết lại tùy theo tình hình chiến trường lúc đó và tùy theo trưởng ca sẽ quyết định phát tin như thế nào,” bà cho biết.

“Ðặc biệt, với những chiến trường sôi động, sẽ phát nguyên băng có giọng tường trình của phóng viên. Thường nguyên băng hay phát vào giờ tin chính lúc 7 giờ sáng hoặc 12 giờ trưa. Sau đó, những bản tin này được biên tập viên tóm tắt và phát lại vào các bản tin phụ như 2 giờ chiều hoặc 3 giờ chiều. Tuy nhiên, để có một bản tin cho xướng ngôn viên đọc thì trưởng ca sẽ quyết định việc phát tin, rồi tới trưởng ban tin tức duyệt, sau đó mới phát tin. Trưởng ban tin tức lúc đó là ông Dzương Ngọc Hoán chịu trách nhiệm chính, dưới ông có rất nhiều trưởng ca,” bà nói thêm.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, bà nói: “Tôi sang Mỹ năm 1990 theo diện bảo lãnh. Anh tôi vượt biển năm 1984, sau đó bảo lãnh mẹ tôi và tôi. Lúc mới qua tôi ở Houston, Texas. Sau đó tôi dọn về Los Angeles, California, ở và làm việc 22 năm cho công ty T.J. Maxx. Nay thì tôi mới về hưu và dọn lên Roseville, trong vùng đô thị Sacramento, California, để thoải mái hơn vì ở Los Angeles xô bồ quá.” 

Thèm một không khí gia đình

Tuy chỉ làm việc cho đài vài tháng ngắn ngủi, nhưng sau 42 năm sau, bà Vũ Nguyệt Hằng, cựu biên tập viên, vẫn còn nhớ mãi không khí gia đình của ban biên tập. “Mọi người, ai ai cũng thân thiện, không ai để ý, phê bình, chỉ trích nhau cả,” bà nhắc lại một cách luyến tiếc.

“Tôi bắt đầu làm việc từ Tháng Giêng, 1975. Hôm ấy là Mùng Một, có lẽ mọi người nghỉ Tết nên không khí vô cùng tĩnh lặng. Nhưng chỉ vài hôm sau, khi được gặp bạn bè đồng sự, tôi thấy không khí thay đổi hoàn toàn. Lúc ấy mọi người tấp nập, ai làm việc nấy, đài nhộn nhịp hẳn lên,” bà nói.

Công việc hằng ngày của bà là nhận tin tức do Việt Tấn Xã gởi sang, hoặc tin từ chiến trường của các phóng viên gởi về. “Tôi phải viết lại, thu gọn những tin này để các xướng ngôn viên đọc,” bà nói. “Thượng cấp trực tiếp của tôi là nhạc sĩ Nhật Bằng.”

Vì thích văn nghệ từ thuở bé, nên từ lâu bà muốn được làm cho đài. “Khi được nhận vào làm, tôi thấy rất thích hợp cho mình. Bởi vậy tôi rất quý thời gian làm việc tại đây,” bà nói.

Bà kể: “Lúc ấy, mọi người trong ban biên tập đều có biệt danh theo những nhân vật trong truyện ‘Xì Trum’ mà rất nhiều người Sài Gòn đã đọc. Vì hay cười và hay giúp đỡ người khác, tôi được gọi là ‘Tí Vui Vẻ.’” Theo bà, đây là giai đoạn màu hồng của cuộc đời, và bà còn giữ mãi những kỷ niệm quý báu này.

Có duyên với quân đội, bà làm việc tại đài, thành hôn với quân nhân, và sang Mỹ vẫn cùng chồng tham gia những sinh hoạt quân đội.
Bà nói: “Trước năm 1975, ông xã tôi là lính Biệt Ðộng Quân. Sang đây, chúng tôi cũng tham gia sinh hoạt với các đoàn thể Biệt Ðộng Quân rất thường xuyên. Tôi thích hát giúp vui trong những dịp lễ lớn.”

Ðịnh cư tại Mỹ năm 1994, bà là chuyên viên thẩm mỹ và cùng chồng sống tại West Covina, California.
Cũng vậy, với bà Nguyễn Thanh Tuyền, cựu biên tập viên, kỷ niệm nhớ nhất khi còn làm tại đài là không khí gia đình, chan hòa tình thân
 
Bà Nguyễn Thanh Tuyền (phải) trong dịp lễ Hai Bà Trưng, năm 2016. (Hình: Nguyễn Thanh Tuyền cung cấp)

Bà kể: “Trong ban biên tập, chúng tôi đặt biệt danh cho nhau, theo tên những nhân vật trong truyện ‘Xì Trum,’ mà lúc ấy ở Sài Gòn ai cũng đọc. Sếp Dzương Ngọc Hoán là ‘Tí Vua,’ chị Yến Tuyết là ‘Tí Ðiệu,’ anh Trần Ðạm Thủy là ‘Tí Lười’ (không phải anh lười mà vì anh hay cười), và sếp Huỳnh Hữu Trung là ‘Tí Quạu,’ còn tôi là ‘Tí Cô Nương.’”

“Tình hình chiến cuộc càng lúc càng khốc liệt, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm vài giây phút nhẹ nhàng giữa những giờ làm việc căng thẳng. Lúc còn tuổi 19, 20, chúng tôi thích tán gẫu nên buổi trưa thường rủ nhau vào câu lạc bộ ăn uống, hoặc xuống ban báo chí trò chuyện. Nói chung, làm gì với nhau cũng thấy vui cả,” bà chia sẻ.

Làm việc cho đài từ năm 1972 đến ngày 27 Tháng Tư, 1975, bà theo gia đình lên tàu riêng vượt biên. Bà kể: “Ba ngày trước khi mất nước, lúc 12 giờ trưa, tàu chúng tôi nhổ neo ra hải phận quốc tế. Chúng tôi lên Ðệ Thất Hạm Ðội và chờ ở đó cho đến khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi mới đi.”
Bà sống cùng gia đình tại Montreal, Canada, từ năm 1975 đến nay, và có văn phòng tư vấn pháp lý tại đây.
“Tôi rất thích hoạt động xã hội, là hội trưởng Hội Phụ Nữ bên này. Năm nào chúng tôi cũng cũng tổ chức giỗ cúng Hai Bà Trưng,” bà nói. “Hằng năm, cứ đến Tháng Tư Ðen là Gia Ðình Mũ Ðỏ Canada của mấy anh cựu chiến sĩ Nhảy Dù tổ chức văn nghệ gây quỹ để giúp thương phế binh ở Việt Nam, tôi luôn luôn ủng hộ.”

Tất cả những hoạt động cộng đồng này của bà là để cho thế hệ kế tiếp.
Bà tâm sự: “Tôi muốn các con tôi còn nhớ rằng mình là người Việt, và mình có một lịch sử hào hùng. Chúng ta không thể bị mất gốc.”

Nói về ngày hội ngộ của Ðài Tiếng Nói Quân Ðội sắp tới, bà nói: “Tôi mua vé và chuẩn bị mọi thứ rồi. Tôi đếm từng ngày, mong cho mau mau tới.”

Ðằng-Giao & Quốc Dũng/Người Việt
April 29, 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét