Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Buồn Xưa Bây Giờ


Ta mang hồn phiến cỏ
Một đời hoài ăn năn
Những mùa xuân xưa đó
Mù bay như khói sương

Đã mất về nơi đâu
Những lời xưa chiêm bao
Mà hương gây nỗi nhớ
Giờ ngỡ ngàng trông nhau

Ôi ánh mắt thiên thần
Sáng trong niềm chờ mong
Nét môi mềm vụng dại
Vùng tóc là mây hoang

Nỗi buồn xưa trở lại
Trên ngày tháng muộn phiền
Tóc tơ vàng đá cũ
Xanh xao hoài dáng em

Trời mưa bên ấy không
Xa rồi người tình chung
Xưa hoàng y rực rỡ
Sao nhung gấm bụi hồng?

Thụy Khanh
10-9-87
(Anh Vân chuyển 2009)

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Tím Màu Nắng Hạ


Thơ & Hình Ảnh: Minh Thúy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hội Huế Hè 2017 USA.

Mỏi Mòn - Đổi Mới



Mỏi mòn

Bậu ơi trời tối đã lâu
Qua mòn mỏi đợi Bậu đâu chưa về
Ngồi chờ mà dạ ủ ê
Đồng hồ từng nhịp lê thê canh dài

Quên Đi
***


Đổi Mới

Lang thang xó chợ bấy lâu
Không nơi nương tựa bé đâu ngõ về
No lòng cơm cặn hôi ê
Mong ngày đổi mới thỏa thê đời dài

Kim Oanh

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Guốc Bỏ Quên


Thơ &Thơ Tranh; Kim Oanh

Bạn Và Tôi



Bạn Và Tôi

(Bài họa )

Nhấp tách ấm nồng vị thấy phê
Melbourne giá rét vẫn không hề
Việt Nam mưa Hạ dâng tràn nước
Xứ Úc gió Đông lũ kéo về
San sẻ vần thơ chia vị ấm
Lạnh lùng đồng cảm sợ chi tê
Cà phê quê cũ hương lan tỏa
Bão táp phong ba dạ chẳng nề

Kim Oanh

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Nghe Khói Thuốc Bay


Thơ:Chân Diện Mục
Thơ Tranh; Kim Oanh

Dạ Sầu


Bài Xướng: Dạ Sầu

( Nhớ Quang Tuấn )

Vò võ tơ sầu quạnh quẽ đêm
Lai rai mấy chén đã say mèm.
Nhẹ nhàng chiếc lá buông trên mái,
Lấp lánh sao khuya rụng trước thềm.
Tri kỷ người đi biền biệt mãi,
Mái đầu sương nhuộm não nề thêm.
Trăng tà chênh chếch gà eo óc,
Ngoài ngõ ai về nhẹ bước êm 

Mailoc
7-7-17
***
Bài Họa:

Dạ Sầu


Dường như có tiếng khóc trong đêm
Tìm lại vườn hoang phế cũ mèm
Thổn thức ve rầu nằm cạnh phượng
Xót xa cánh rả gục bên thềm
Tiếc thương hương nhụy hoa phai nhạt
Day dứt sắc hồn đóa nhầu thêm
Ánh nguyệt dần tan sau rèm vắng
Vọng hoài miền hạ lắng sầu êm

Kim Oanh

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Tôi Đang Lắng Nghe - Nhạc Trịnh Công Sơn - Tiếng Hát Thùy Dương


Nhạc Sĩ:Trịnh Công Sơn
Tiếng Hát: Thùy Dương

Sinh Lão Bệnh Tử



Sinh Lão Bệnh Tử

SINH ... ra đã khóc với trần gian
LÃO ... giả an chi tuổi hạc vàng
BỆNH ... hoạn cuối đời gây khổ não
TỬ ...ly từ biệt kiếp thân tàn ....

Hoàng Dũng
***

Sinh Lão Bệnh Tử

SINH ra bé chợt khóc oa oa
LÃO thích thú vui cười vỡ oà
BỆNH  nặng đeo hoài thân chỉ khổ
TỬ nhanh hạnh phúc lắm già đa! 

Kim Oanh

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Thư Họa Vũ Hối Tặng Lê Kim Hiệp


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thư Họa: Vũ Hối

Nước Mắt - Lạc Bến



Nước Mắt

Não nùng mấy nhánh sông trôi
Hay em mắt ướt giữa đời quạnh hiu
Chiều lên, chiều ngẩn ngơ chiều
Tôi ngơ ngẩn nhặt cánh diều ướt mưa

Trần Bang Thạch
***
Bài Họa:

Lạc Bến


Hồn lạc xa bến nước trôi
Tấp bờ phiền muộn vướn đời buồn hiu
Sợi nắng héo hắt cuối chiều
Không đủ sưởi ấm em diều đẫm mưa

Kim Oanh



Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Phạm Khắc Trí Khóc Bạn Dương Hồng Đức


Thơ: Phạm Khắc Trí - Cựu Giáo Sư Phan Thanh Giản Cần Thơ ( NK 1968-1975)
Trình Bày: Kim Oanh

Tiếc Thương Thầy Dương Hồng Đức Kính Mến


Kính gửi Hương Linh Thầy Dương Hồng Đức và Tang quyến!

Thầy Dương Hồng Đức, với Bút Hiệu Hoài Việt (DHĐ),Thầy thường gửi bài viết chia xẻ với trang Blog Long Hồ Vĩnh Long, nhưng riêng em, Thầy lúc nào cũng tỏ ra ân cần và nói những điều đạo nghĩa trong cách xử thế.

Thầy chia niềm vui hạnh phúc của gia đình Thầy Cô, Nhất là khi đứa cháu đầu tiên của Thầy Cô ra đời.
Khi Thầy trò nói về phước phần và ân đức, mình được Trời cao ban thưởng cho mỗi gia đình. Em còn nhớ lời thầy:"Cám ơn em có cùng chung một tầng số với thầy (sur les mêmes ondes).Phước do trời cho, mà cũng do mình tạo, mới hưởng được ... "
Thầy ơi, từ Thầy em học được lòng tử tế, tính khiêm cung và sự lạc quan về cuộc sống.

Mỗi lần đăng bài giúp Thầy, Thầy luôn viết lời cảm ơn và thích thú với cách trình bài của em. Đó cũng là điều em hạnh phúc nhất, không phải vì được Thầy khen mà vì em vui với niểm vui của Thầy. và cũng là niềm an ủi, động viên tinh thần em, bao nhiêu mệt nhọc trong lúc biên tập bay xa. Em Cảm ơn Thầy mới đúng Thầy ạ.

Thầy vắng email, em vội thăm hỏi sức khoẻ, nhưng Thầy không hồi âm, em cũng lo ngại, cách nay vài tuần Thầy viết cho em và một học trò thầy vắn tắt đôi câu, Thầy về nơi dưỡng bệnh và đang tập đi lại để hồi phục sức khoẻ. Em mừng quá. 

Nhưng sáng nay em được tin từ Thầy Phạm Khắc Trí.
Thầy vĩnh viễn ra đi, thật sự em bàng hoàng, và rơi nước mắt với sự mất mát này. 
Tuy em chưa được học với Thầy giờ nào, em may mắn được Thầy cho em làm học trò, thầy đã để lại trong em lòng kính trọng vô biên.

Em thành kính nguyện cầu cho Hương Linh Thầy Dương Hồng Đức, được đời đời an nghỉ, sớm hưởng thảnh thơi nơi Cõi Vĩnh Hằng.

Thành kính chia nỗi đau buồn với Cô, các Em và Tang quyến, mong Cô, các em có đầy sức khoẻ và nghị lực để vượt qua trong lúc này.

Kính nguyện!

Học trò Lê Thị Kim Oanh
Úc Châu 25/7/2017

***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links







Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Lời Tình Mực Tím


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Lộc Vừng Mùa Hạ - Em Cũng Là Hoa


(Ảnh Hoa Lộc Vừng- Lê Đăng Mành)

Xướng: Lộc Vừng Mùa Hạ


Muôn đời an phận cùng quê
Nghiêng bên lùng lác dẫu thê thiết chiều
Nõn nà sương tẩm phiêu diêu
Không đài các cũng đượm kiêu sa màu

Mùa bông nở giữa bể dâu
Thu đông tê tái hạ đau đớn lùa
Sắc vô ưu mặc gió mưa
Thả chùm rừng rực đong đưa vô thường

An nhiên sống giữa ruộng đồng
Mọc cây bát ngát vít mông quạnh đùa
Chưa hề nứt nụ hơn thua
Mặc hoa kẻ chợ chìa đưa đón người

Bên đàn trâu tựa thảnh thơi
Chiều gom chuổi hạt sáng tươi tắn xòe
Gió quăng xác đỏ triền đê
Phong tư nhàn nhã đượm quê quán mình


Như Thị - Lê Đăng Mành
***
Em Cũng Là Hoa


Em hoa mộc mạc chân quê
Đong đưa trước gió thỏa thê nắng chiều
Đêm trăng giỡn bóng tiêu diêu
Liêu trai uống mộng dáng kiêu đẹp màu

Thời loạn trôi giữa biển dâu
Ba chìm bảy nổi thương đau sóng lùa
Tan tác gục ngã trong mưa
Định mệnh phủ xuống đẩy đưa thất thường

Gắng gượng da sắt mình đồng
Vượt qua biến động mênh mông cợt đùa
Kiên cường nhất dạ chẳng thua
Can qua thân dẫu xuôi đưa xứ người

Tự do cuộc sống thảnh thơi
Tương lai rực sáng thắm tươi cánh xòe
Bay về làng cũ bờ đê
Giấc mộng ấp ủ tình quê hương mình


Kim Oanh

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Mến Tặng Kim Oanh


(Đệ Nhị A4 - 1974 Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long)

Kim Oanh thật dễ thương!
Khi còn học ở trường,
Đã tỏ ra rộng lượng
Chăm học để làm gương.

THẠCH TRONG(HĐN)
Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Nguyễn Trường Tộ - Vĩnh Long

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Nhớ Lắm Em Ơi! - Nhớ Mãi Người Ơi!



Nhớ Lắm Em Ơi!

Hai đứa đi dưới hàng me bưu điện
Nắng lưa thưa rải lối trưa học về
Anh lớp nhất - em lớp nhì, hai phía
Trường nam và nữ, cách biệt sơn khê.

Thời gian đó sao mà vui chi lạ
Mỗi buổi chiều hai đứa hẹn sân banh
Chạy than đá - nhà đèn cao khói tỏa
Vĩnh Long ồn - như tiếng sấm vây quanh. (*)

Ta cùng nắm tay vui như chim sáo
Bước tung tăng trong sân bóng, khán đài
Chiều tĩnh lặng ráng hoàng hôn cuối ngõ
Cùng đi về đường Võ Tánh chia tay.

Giờ trở lại đượm buồn con phố cũ
Vắng người em nghe chuếnh choáng hơi men
Người bạn báo giờ em nơi xứ lạ
Luyến lưu nào, anh hát: vỗ tay khen!

Chiều về bên cội me già bến nước
Cạnh trường em dạy trước lúc đi xa
Thành công viên bên sông Tiền gió ngược
Ước làm sao em hiện diện quê nhà!

Anh trở lại bến sông đầy kỷ niệm
Con tim anh cô bé nọ chưa rời
Chờ đợi mãi bóng hình em chẳng thấy
Em phương trời - anh nhớ lắm em ơi!

Dương hồng Thủy
(*) bối cảnh năm 1954



Cảm xúc và mượn vận từ thơ anh Dương Hồng Thủy.

Nhớ Mãi Người Ơi!


Các anh si như chim trên dây điện(*)
Mỗi buổi tan trường hiện diện em về
Kẻ thả lời người say mê đàn hát
Ngày qua ngày đeo đuổi quá nhiêu khê

Em thản nhiên giã vờ làm mặt lạ
Cái liếc nhìn em hớp cả hồn anh
Làm bộ trang nghiêm nỡ hành hạ thế
Đã động lòng mà dạ mãi chối quanh

Đường về có anh nhỏ vui chân sáo
Áo lụa đôi tà quất quýt bóng sau
Anh nôn nao đợi chờ em đầu ngõ
Cùng bước song hành tay nhỏ trong tay

Thời gian qua còn đây hương yêu cũ
Uống trăng ngà nhớ vật vã say men
Tình vừa nhen đà trôi về phương lạ
Để đôi đàng lịm chết cõi người ta

Mưa sa thả hồn trôi theo con nước
Đưa tình về như thuở trước gặp nhau
Nhưng đôi ta như hai dòng chảy ngược
Suốt cuộc đời không được bến dừng chân

Xin lắng tâm dành phút giây chiêu niệm
Ký ức tuổi thơ lưu luyến không rời
Đóa hoa xưa tơi bời trong giông bão
Vẫn son sắt lòng nhớ mãi người ơi!

Kim Oanh
(*) Hồi xưa ở Vĩnh Long, các anh ngồi trên hàng rào gạch
trồng cây si khi tan trường. Nên có người ví như chim đậu trên dây điện.



Những Tưởng

Tưởng không còn nhớ hàng me bưu điện
Với nắng lụa vàng mây lờ lững cao
Với tuổi thơ theo bốn mùa réo gọi
Vĩnh Long ơi những hồi ức ngọt ngào

Ừ! Thời vụng dại sao vui chi lạ
Rảo sân banh vòng ngược rạp Lê Thanh
Nhìn cột khói nhà đèn cao lan tỏa
Khẽ mỉm cười hai đứa giục đi nhanh

Chạm đầu ngõ ngập ngừng đôi chân sáo
Buồn vì đâu buồn vớ vẩn lạ thay
Chút luyến lưu ráng chiều dần sắp tắt
Đến cuối đường bịn rịn vội chia tay

Như chiếc thoi đưa sẽ không dừng lại
Hương thời gian mau chếch choáng hơi men
Đời ngược dòng bao năm hai phương cách
Lối cũ trở về lạ bước chân quen

Đến cội me già thi gan tuế nguyệt
Mái trường xưa dấu tích chẳng tìm ra
Con kỳ nhông đang bám cây ngơ ngác
Xót kẻ tha hương số kiếp xa nhà

Cám ơn người khơi tàn tro kỷ niệm
Xoa dịu ít nhiều nghịch cảnh bể dâu
Cô bé xưa mang nét buồn góa phụ
Nửa đời hơn vơi bớt lệ u sầu

Kim Phượng


Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Em Xưa


Thơ: Nguyễn Đức Tri Ân
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chu Trung 舟中 - Huyền Quang Thiền Sư

Đất trời hoà một, trời là đất, đất là trời, không còn ranh giới giữa cõi Phật và nhân gian, chỉ có Chân Như trong sáng thôi.



舟中                     Chu Trung
一葉扁舟湖海客  Nhất diệp biển chu hồ hải khách
撐出葦行風慼慼  Sanh xuất vy hành phong thích thích
微茫四顧晚潮生  Vi mang tứ cố vãn triều sinh
江水連天一鷗白  Giang thuỷ liên thiên nhất âu bạch

玄光禪師              Huyền Quang Thiền Sư


Dịch Nghĩa: Trong Thuyền

Kẻ đang phiêu bạt biển hồ, ngồi trên con xuồng mong manh như chiếc lá
Chống xuồng qua đám lau, nghe tiếng gió buồn buồn rên rỉ
Bốn phía mịt mù, trong khi con nước buổi chiều đang lên
Giữa vùng trời và sông nước như liền nhau, xuất hiện một cánh chim hải âu trắng.

Diễn ý:

Từ bài Thơ Thiền này, Quên Đi nảy sinh liên tưởng:
Đây có phải là chiếc Thuyền không đáy của Tiếp Dẫn Tăng, và người khách là thầy trò Đường Tăng? Rời bến Lăng Vân, bỏ lại phía sau chốn mê, Tiếp Dẫn Tăng đưa thầy trò Đường Tăng sang đất Phật.


Dịch Thơ:

Kẻ phiêu bạt ngồi trên xuồng nhỏ
Vượt ngàn lau trong gió thì thào
Chiều mờ con nước dâng cao
Giữa trời đất quyện hiện màu trắng âu.


Quên Đi
***
Các Bài Dịch Khác:

Trong Thuyền

Phiêu bạt một chiếc thuyền con
Hàng lau xào xạc dập dồn gió than
Chiều lờ mờ nước dâng tràn
Hải âu trắng xóa mênh mang đất trời


Kim Oanh
***
Trong Thuyền


Mong manh thuyền nhỏ trên hồ rộng
Qua đám lau già, nghe gió than
Mờ mịt bốn bên, trời nước quyện
Cánh chim ẩn hiện giữa mây ngàn.


Phương Hà
***
Một Lá Xuồng Con


Xuồng bơi phiêu bạt cỏn con
Băng qua lau lách gió lòn đìu hiu
Mịt mù con nước buổi chiều
Trời sông một sắc âu xiêu cánh bằng

Mai Xuân Thanh
Ngày 13/07/2017
***
Trong Thuyền

Khách hải hồ trên thuyền bé nhỏ
Vượt ngàn lau lướt gió rì rào
Bốn bề mù mịt tràn dâng nước
Trời đất liền nhau hiện cánh âu


Kim Phượng

***
Trong Thuyền


Như chiếc lá rong chơi thuyền khách,
Gió xạc xào lau lách vượt qua.
Triều lên mù mịt chiều tà,
Giữa trời mây nước xa xa cánh cò.

Mailoc 
***

Trên Thuyền

Chiếc thuyền con chở theo người hồ hải,
Gió se se rời khỏi khóm lau xanh.
Con nước tối chung quanh chừng bát ngát,
Một cánh cò giữa trời nước thanh thanh!


Đỗ Chiêu Đức

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Tim Rộn Không - Còn Nhớ Không Người??


Tim Rộn Không
(Thể Điệp Khúc)

Tim rộn không người tim rộn không?
Má len hồng thắm má len hồng
Bờ môi mọng đỏ bờ môi mọng
Đôi mắt trong ngần đôi mắt trong
Tim khắc bóng hình tim khắc bóng
Dạ vương hồn phách dạ vương hồn
Dù tình ảo ảnh dù tình ảo
Tim rộn không người tim rộn không?


Kim Oanh
***
Còn Nhớ Không Người??


Còn nhớ không người ...Còn nhớ không ???
Má ai hồng đó ...má ai hồng !
Làm xao xuyến lắm....làm xao xuyến
Ngơ ngẩn trong lòng....ngơ ngẩn trong
Nhiều lúc mộng mơ...nhiều lúc mộng
Vấn vương hồn mãi...vấn vương hồn
Tình dù ảo ảnh...tình dù ảo
Hỏi biết không người....hỏi biết không ???


Song Quang
6/24/2017

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Tiếng Hát Nữa Vời


Thơ  & Thơ Tranh: Kim Oanh

Nói Với Gió!



Gió ơi! Xin đừng im tiếng nữa
Đêm cuối cùng lòng vữa tỉnh say
Say cơn tình say mắt lệ cay
Phút từ biệt đôi tay quấn quýt

Gió ơi! Lạnh nhích gần thêm nữa
Dòng máu tim nhóm lửa tìm nhau
Tóc bối rối tay lùa mộng mị
Liễu tơ mềm hương vị chìm sâu

Thiên đường hoang vu … hạnh phúc đâu
Cuộc tình vỡ không lối khởi đầu 
Gió ơi! Xin giúp lời nối nhịp
Một lần thêm kịp nửa đời sau.

Kim Oanh
18/9/2012

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Mười Mấy


Gởi riêng cho Kim Oanh

Mà như năm tháng vẫn ngừng thêm
Đếm mãi sao còn tuổi vượt biên
Mười mấy.. em trôi theo sóng biển
Bảy mươi.. anh ngược trở đầu thuyền
Đời người mộng đẹp còn tan biến
Phận số duyên trời vẫn đảo điên
Một nỗi quê nhà thương dĩ vãng
Đành cam sống tiếp giấc tang điền

Hải Rừng
19/3/2017

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Tình Khúc Mùa Hạ - Nhạc Và Lời - Phạm Anh Dũng - Quốc Dũng Hòa Âm



 Nhạc Và Lời: Phạm Anh Dũng 
 Hòa Âm: Quốc Dũng 
Tiếng Hát:Khải Ca 

Phượng Vỹ



Dưới tàng phượng vỹ ngày xưa
Cùng ai ngóng đợi những mùa nhặt hoa
Giờ đây dưới cội cây già
Tình son sắc úa mình ta khóc thầm.....
Cuối hè mưa hạ lâm râm
Cánh hoa tan tác mình trầm sông sâu
Trôi đi trôi mãi về đâu
Bến bờ vô vọng giang đầu người hay.


Kim Oanh


Thơ Tranh: Tím Mơ


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh


Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Em Đâu Rồi - Tận Cùng Ước Mơ


Xướng: Em Đâu Rồi

Từ ngày em vắng bóng
Như thiếu ánh trăng vàng
Ngơ ngẩn trời u ám
Bùi ngùi gió thở than
Anh ngồi trong gác nhớ
Hồn lịm giữa canh tàn
Chẳng biết người còn đến
Hay như lọn khói tan

Quên Đi
***
Họa: Tận Cùng Ước Mơ

Nguyệt lạc miền giao bóng
Trăng chao đọng ánh vàng
Khuya mơ màng níu kéo
Cố chạm tất lòng than
Tận cùng trong tâm tưởng
Dẫu ôm giấc mộng tàn
Đêm chìm mơ ước tắt
Khêu lại ánh trăng tan

Kim Oanh


Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Nụ Thơ Ngây



Giọt sương mai lung linh trong nắng
Nhỏ xuống hồn thấm đậm lòng hoa

Nụ thơ ngây trong trắng thật thà
Rót vào tim thiết tha nhung nhớ
Phút ban đầu ấp e bỡ ngỡ
Hoàng hôn về muôn thuở tình ta!


Kim Oanh

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Nỗi Lòng Cô Phụ - Trầm Tư



Nỗi Lòng Cô Phụ

Đêm buồn cô quạnh lòng son
Như người chinh phụ ôm con phai hường
Ngày chàng trút áo quan trường
Xa rời quê mẹ cuối đường xa xăm

Tương lai mờ ảo biệt tăm

Tóc buông lệch mái gối nằm bơ vơ
Buồn dâng ánh mắt trẻ thơ
Trần ai rưng lệ giấc mơ héo tàn

Biệt ly vò võ tin chàng

Cách chia hai ngả địa đàng gãy đôi
Đêm dài hàng lệ mặn môi
Vòng tay gối chiếc đơn côi trăng rằm

Tàn y còn đó âm thầm

Bóng câu khuất nẻo hương trầm xa đưa
Chàng về trong giấc mơ xưa
Tuổi xuân sầu héo nắng trưa phai màu

Còn đâu nồng thắm dạt dào

Ru con nhịp võng nghẹn ngào tâm tư.

Đỗ Thị Minh Giang
6-07
***
Trầm Tư

Tình yêu cô phụ sắt son
Nhọc nhằn má thắm vì con nhạt hường
Từ người dặm bước sa trường
Dầm mưa dãi nắng nẽo đường xa xăm

Từ người biền biệt mù tăm
Bên song nhung nhớ đêm nằm vẩn vơ
Lật lại lưu bút thời thơ
Đắm say một thuở ước mơ chưa tàn

Trìu mến ve vuốt ảnh chàng
Mộng tương lai đẹp chung đàng kết đôi
Nụ hồng ngày ấy mềm môi
Thềm nay bóng lệch cút côi đêm rằm

Trong mơ vọng tiếng thì thầm
Quyện theo mùi áo thoảng trầm hương đưa
Nụ cười ánh mắt xa xưa
Nồng nàn tha thiết ánh trưa đẹp màu

Tỉnh mộng lòng khỏi dào dào

Còn chăng ký ức ngọt ngào… trầm tư.

Kim Oanh
7/2017

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Lần Cửa Khép


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Anh! Người Lính Không Bao Giờ Chết



Anh! Người lính trẻ không bao giờ chết
Anh! Người lính già chưa hết niềm tin
Anh là vì Bắc Đẩu tỏa lung linh
Trên bầu trời bóng hình Anh ngời sáng
Anh ngạo nghễ khúc hùng tráng ca vang
Hy sinh cho Quốc kỳ vàng uy dũng
Đã nhiều phen làm kẻ thù rơi rụng
Mãi muôn đời Anh không chết đâu anh!

Kim Oanh

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Cười Đi Em…



Em yêu dấu mắt sầu dâng khoé
Sao không cười lặng lẽ vì ai
Môi em ngoan chớm nụ u hoài
Sao không ấp tình say mù lối

Đôi tim yêu khẽ khàng bối rối
Xin một lần tội lỗi vì em
Cười đi em đóa hoa sầu tím
Để hồn anh ngọt lịm hương nồng

Kim Oanh
8/8/2013

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Thằng Khùng (Thanh Ngang Trên Thập Tự Giá)


(THẰNG KHÙNG trong tù này là Cha Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971), của Nhà thờ lớn Hà Nội. Bài viết của Phùng Quán đã kể lại chuyện thật những năm, những ngày cuối trong ngục tù của Ngài. Phùng Quán viết lại theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Tuân - không phải là nhà văn có cùng tên - khi cùng ở trong tù với Cha Vinh)

"… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.

Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.

Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.
Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.

Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài.
Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.
Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:
- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?
Anh ta chấp tay khúm núm thưa:
- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.

Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù loong" cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?…

Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:

- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào - sống ở đây anh thèm cái gì nhất?
- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.
- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - anh ta hỏi.
- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong “Tội ác và Trừng phạt”.
Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:
- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?
Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin.
Mình trả lời anh ta:
- Tôi thích nhất là Candide.
- Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?
Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:
- Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.


Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…
Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: "Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!".
- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói.
Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:
- Anh là ai vậy?
Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:
- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.
Rồi anh ta tiếp:
- Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…

Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn - ngu ngơ, đần độn như thường ngày.
Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.
Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… - những người tù nói, giọng buồn.
Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.
Giám thị hỏi:
- Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?

Mình nói:
- Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.
Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…
Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:
- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…
Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN.
Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.
Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu.

Giám thị hỏi:
- Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam.
Mình nói:
- Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí.
Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…

Phùng Quán
________
Ghi Chú:
(*) THẰNG KHÙNG trong tù này là Cha Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971), của Nhà thờ lớn Hà Nội. Bài viết của Phùng Quán đã kể lại chuyện thật những năm, những ngày cuối trong ngục tù của Ngài.
Xin mời đọc thêm (bài kèm theo dưới đây) tiểu sử của Cha Vinh để chúng ta biết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Ngài; và cũng để hiểu thêm gương phụng sự Chúa của Ngài….


Tấm gương can trường Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh
Cha chính Hà Nội, (1912 – 1971).

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính trên, nhường dưới, trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây.

Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges.
Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập. Ngài học Văn Khoa - Triết tại Đại Học Sorbone, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc Gia. Ngài phải vừa học vừa làm. Vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương của ngài đã làm cho nhiều người Pháp tưởng lầm ngài là phụ nữ nên cứ chào: “Bonjour Madame!”
Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ bé đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười là ý chí sắt son.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Triết ở Sorbone, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.

Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize - Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm ngài làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài xin Bề trên lập dòng Biển Đức ở Việt Nam, nhưng không thành.
Cha Vinh, dù tu học ở Pháp nhưng luôn có tinh thần yêu nước, độc lập, không nệ Pháp. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni. Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh cương quyết không chịu.
Tướng De Lattre rất tức giận, gọi cha Vinh tới, đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ, nhưng Thủ Tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.

Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức Cha Khuê bổ nhiệm ngài làm Cha Chính, kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc.
Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám Mục, về sau, con số người tham dự tăng dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cả ngoài sân. Lớp học hiệu quả rất lớn, những tín hữu khô khan trở thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. Sau chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh.
Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh Giá ở các lớp học. Ngài không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa.

Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng: “Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?” Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa.
Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họ mới viết.
Cha Vinh, một trong những nhạc sĩ tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam, và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm thật tuyệt, chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà Nội.

Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm thánh ca tuyệt vời. Cha Vinh trình bày bản hợp tấu “Ở Dưới Vực Sâu” nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946.
Ngài cộng tác với Hùng Lân sáng tác “Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít.” Sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: “Mở Đường Phúc Thật,” “Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi,” “Ôi GiaVi,” “Lạy Mừng Thánh Tử Đạo.” Ngài phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8, Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài “Bước Tới Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
Hằng tuần ngài đến dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn. Ngài tổ chức và chỉ huy dàn đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam đạo Công giáo vẫn được tự do hành đạo và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp Lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công.

Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng.
Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp, sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người của Nhà nước đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính ngài leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt lên nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn:
“Tự do thế này à!”
Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành. Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958 chịu án 12 tháng tù treo.

Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án 18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!).
Sau phiên tòa, cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là trại “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội.
Khi cha Vinh mới đến trại Yên Bái, ngài còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi:
“Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy?”
Ngài đáp:
“Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”
Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một... Một lần cha Vinh nhận được gói bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi ngài là “Bố.”

Ngay trong nhà tù, cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, ngài lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, ngài đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn cha Vinh giỏi võ, mọi người phải nể vì.
Một cán bộ cao cấp ở Hà Nội lên Cổng Trời gặp cha Vinh, nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.
Vì không khuất phục được ngài, nên bản án từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim, biệt giam và án tử.

Năm 1971, khi ngài từ trần không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha Cương quản lý Nhà Chung: “Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”
Suốt đời mình, trong mọi tình huống cha Chính Vinh làm tròn trách vụ của mình. Ngài đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo Hội.
Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và ghi ân ngài.

TGP Hà Nội
BBT (Theo HĐGMVN)
Trần Văn Giang sưu tầm. ( copy FB Lư Châu )

Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Chuỗi Khổ



Đến bên đời Sứ vàng nở rộ
Ấp hoa lòng giữ hộ tình ai
Cung thương ru giấc mộng kề vai
Hương yêu cũ thơm cài suối tóc

Khóc một chiều trời xoay cơn lốc
Cánh hoa xưa phút chốc tàn bay
Vội nhặt lấy xâu dài chuỗi khổ
Đeo suốt đời hoài cỗ nhớ ai.

Kim Oanh

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Ảo Ảnh


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Phượng Tím - Hương Thời Gian


Bài Xướng: Phượng Tím

Phượng tím từng chùm trong nắng mai
Mỏng manh, hiền dịu lẫn trang đài
Như nàng trinh nữ duyên e ấp
Tựa gái thuyền quyên nét cảm hoài
Đồng Khánh tan trường...tà phất phới
Gia Long vào hội ..vạt bay bay (*)
Sắc hoa: màu áo, ngôi trường cũ
Nỗi nhớ bao mùa chẳng nhạt phai..

(*) Màu tím là màu áo dài đồng phục của nữ sinh
Đồng Khánh ( Huế ) và Gia Long ( Saigon )

Phương Hà
***
Bài Họa: Hương Thời Gian


Ép màu phượng tím trỉu sương mai
Khóc thuở hoa son héo cả đài
Ngõ vắng tả tơi đời lịm chết
Lối xưa im ỉm dạ sầu hoài
Ngày lên thức giấc tình xa cách
Đêm xuống ngủ vùi nghĩa vụt bay
Đầy ấp hương yêu ân ái cũ
Theo dòng năm tháng chẳng hề phai…

Kim Oanh