Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

“Bức Thơ Xuân” Của Thanh Nga

Xuân Canh Tý 1960, tờ báo Xuân Hạnh Phúc đăng “Bức Thơ Xuân” của Thanh Nga, được các cô gái thời đó truyền khẩu và đua nhau tìm đọc. Đồng thời, Bức Thư Xuân cũng lôi kéo thêm các thiếu phụ, luôn cả nam giới trẻ, đọc xem nàng đã nói những gì. Và cũng do truyền khẩu lan rộng, chỉ vài ngày sau, các sạp báo không còn tờ Xuân Hạnh Phúc nào cả.


Thiên hạ mua hết trơn, đủ biết Thanh Nga được mến mộ đến cỡ nào. Riêng tôi, người viết bài này, nhờ mua trước được một tờ, lưu trong bộ sưu tập nên hôm nay trong dịp Xuân Ất Mùi xin ghi lại nguyên văn Lá Thơ Xuân này, cống hiến quí độc giả Giai Phẩm Xuân Người Việt.

Thanh Nga sinh năm Nhâm Ngọ 1942. Vào năm 1960, vừa tròn 18 tuổi, cô đã bắt đầu nổi tiếng và tên tuổi ngày một vang lừng. Năm 1959, tức trước đó không đầy một năm, đã có hai sự kiện quan trọng xảy ra trong cuộc đời nàng: Thanh Nga lãnh giải Thanh Tâm đầu tiên 1958 (giải Thanh Tâm 1958 phát giải vào Tháng Tư, 1959); Tháng Mười Hai, 1959, nghệ sĩ Năm Nghĩa, dưỡng phụ Thanh Nga, qua đời. Năm Nghĩa là bầu gánh hát Thanh Minh. Người trong giới ai ai cũng biết chính nhờ Năm Nghĩa coi Thanh Nga như con ruột, rèn luyện nghệ thuật ca diễn cho cô trên sân khấu nhà, mà về sau Thanh Nga trở thành Vương Hậu sân khấu.

Từ 1953 đến 1956, Thanh Nga đóng vai “đào con” trong các tuồng “Đảng Ó Biển,” “Con Vật Giữa Chợ Người”... Khán giả xem tuồng nhận thấy ngay sự dạn dĩ trên sân khấu của Juliette Nga (tên gọi lúc nhỏ của Thanh Nga). Năm Thanh Nga 15 tuổi, sắp bước vào ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, soạn giả Lê Khanh viết vở tuồng “Đứa Con Hai Giòng Máu,” trong đó ông “đo ni đóng giày” cho Thanh Nga vai trò cô gái Ấn Độ lai Ăng Lê, một cô gái lai phải trải qua giai đoạn dao động khó xử. Cô phân vân trước hai ngả đường, không biết phải theo cha về Anh Quốc, hay ở lại với mẹ cùng bà con thân thuộc của quốc gia Ấn Độ.

Cũng từ vở tuồng này, cái tên Juliette Nga được đổi thành tên Thanh Nga. Có lẽ do biến cố trọng đại (cha chết) mà Thanh Nga đã xuất thần viết Lá Thơ Xuân tâm tình cùng bạn gái xa gần, đặc biệt là các bạn yêu mến nghệ thuật cải lương. Dưới đây là nguyên văn Bức Thơ Xuân của Thanh Nga.


Bức Thơ Xuân

Mùa Xuân đã đến với chúng mình, tôi và bạn! Hương Xuân ngào ngạt trong khắp cùng những nẻo đường của đất nước. Xuân là vui tươi, là đoàn tựu, là mong mỏi ước mơ... Xuân của trần gian và Xuân trong lòng người. Tất cả những cái gì vui đẹp, đều tập trung vào mùa Xuân, mà con người chỉ có biết rộn rã đón chờ.


Bạn thân yêu,

Hằng bao lâu rồi, kể từ ngày còn để chỏm và tập tành bước trên sân khấu, cho mãi đến nay, Thanh Nga đã nhận được nhiều lá thư chứa đựng tâm tình và bao lời khuyên nhủ chân thành của bạn. Thanh Nga vô cùng cảm động, nhưng biết làm sao để nói hết nỗi lòng trìu kính của Nga đối với bạn, cũng như của bạn đối với Nga. Bởi vì, bạn là những người mà Nga mới gặp một lần, hoặc chưa hề được gặp thì nói gì được nữa. Mong bạn cảm thông và Nga bao giờ cũng là của bạn.

Thanh Nga hy vọng rằng: Bức Thơ Xuân sẽ được may mắn đến tay bạn trong dịp Xuân về, để bạn nhận lòng chân thành của Nga. Và thật ra, Nga vẫn còn bé bỏng quá trên mọi phương diện. Bé bỏng đến không biết phải làm sao nói hết sự yêu kính của mình đối với bạn.

Trên sân khấu, với một mớ tài nghệ còn non kém. Nga còn phải học hỏi nhiều lắm ở những bậc phụ huynh có thừa kinh nghiệm.

Nga luôn luôn tâm niệm rằng: phải tiến bộ để làm vui lòng bạn, hay nói khác hơn là để bạn được trọn niềm tin.

Nga linh cảm rằng: bạn đang hờn trách Nga, vì Nga chưa làm được theo ý bạn mong muốn. Do đó, Nga càng phải cố gắng nhiều hơn. Cố gắng để giữ niềm tin và cố gắng để bôi xóa những trách hờn đang ray rứt trong lòng bạn. Mà cũng chính là ở lòng Nga.

Vườn hoa văn nghệ, càng tiến tới, càng thấy xa thăm thẳm biến đổi không ngừng. Nga thấy yếu đuối quá. Và, lời khuyến khích của bạn là những ngọn đuốc sáng, soi đường cho Nga trong những lúc u tối mịt mờ.

Bạn cho phép Nga hoàn toàn tin tưởng nơi bạn. Vì hát cho người xem, và xem cho người hát. Câu này được thể hiện từ bao lâu nay và đang có giữa bạn và Nga.

Một kịch sĩ cười khổ, khóc vui và thương đau khi lòng thoải mái; rất mâu thuẫn, nhưng sống thật. Sân khấu là một xã hội nho nhỏ, nhân vật là những người suốt đời chỉ biết trải tâm tư!...

Có ai dám tự hào rằng mình luôn luôn hoàn toàn, đầy đủ? Mà nhất là một nghệ sĩ sân khấu. Càng sai lầm nhiều hơn nữa, là những người tuổi trẻ, trong số đó có Nga là một. Tuổi trẻ nông nỗi, thiếu kinh nghiệm, nhưng nếu biết hối cải ăn năn, thì không có gì đáng trách phải không bạn?

Thế nên Nga luôn luôn đón nhận những lời chỉ giáo của bạn, dù bạn thân hay sơ, gần gũi hay xa cách. Nhưng, những người thật dạ mến nhau bao giờ cũng cảm thấy gần nhau, dìu dắt nhau.

Nếu trên sân khấu Nga nhỏ bé bao nhiêu, thì ngoài cuộc đời Nga càng bé nhỏ bấy nhiêu. Nga sợ tất cả: một chiếc xe chạy nhanh, một tiếng nói lớn, một tiếng động bất ngờ và nhiều lắm nữa. Bởi vì, trên vạn nẻo đường đời, Nga chỉ là một cánh chim non, mảnh mai thiếu sức tự vệ, và vì Nga còn trẻ quá.

Phong ba bão tố của đời và định mệnh, là những cái khắt khe khó lường trước loài người nhiều cảm lụy vốn dễ tin yêu.

Xin bạn thứ lỗi cho Nga, vì Nga đang nói đến một chuyện riêng làm vướng vất lòng bạn trong những ngày vui. Nhưng Nga không thể tránh được, vì sự thật đã như thế. Nga đang sống với sự hướng dẫn của một người cha, nhưng định mệnh đã cắt đứt hoài vọng của Nga. Người cha của tinh thần và sự nghiệp nghệ thuật không còn nữa! Nga phải nói gì hơn. Tiếng than của Nga có là tiếng than chung cho những ai đầu xanh đã vương nhiều tang tóc.

Bởi thế, đời người sống có bao lâu. Có còn chăng, là chỉ khi nào trở về với cát bụi, con người còn lưu lại một cái gì cao đẹp cho mai sau.

Người xưa bảo thế, riêng Nga thì không dám cao vọng. Nga chỉ ước ao và thành khẩn được bạn vui lòng ngày hôm nay để siết chặt thêm sợi dây thân ái đang ràng buộc giữa sân khấu và cuộc đời.

Sống làm vui cho mình là một chuyện dễ và làm vui cho người mới là một chuyện khó thực hiện. Nga nghĩ thế, nhưng giờ đây ngoài việc rèn luyện kịch nghệ cho mình. Nga còn có một bổn phận không thể chểnh mảng được: bổn phận làm con và làm chị trong gia đình.

Trong dịp Xuân về, Nga ước vọng và thành kính chúc mừng bạn được hưởng trọn vẹn những ngày vui. Đời được gặp toàn may mắn và luôn tươi trẻ khỏe đẹp.

Xuân năm 1960

Thanh Nga

Năm 18 tuổi, Thanh Nga viết bức thơ Xuân trên đây, và đúng 18 năm sau thì Thanh Nga lìa đời ở tuổi 36. Hai con số “18” trùng hợp trên có liên quan gì đến cuộc đời ngắn ngủi của Thanh Nga?

Trước đó vài năm, Thanh Nga còn đóng “đào con” của gánh Thanh Minh. Có lần cô kể lại kỷ niệm thời thơ ấu đi hát cho gánh hát nhà: “Nga có một kỷ niệm vui từ hồi mới 10 tuổi ra sân khấu. Hồi ấy, đoàn Thanh Minh nhân dịp Tết chia ra hai gánh, nói cho đúng là chia thành hai nhóm hát ở hai rạp khác nhau. Một ở rạp Thuận Thành, Đa Kao và một ở bên Chánh Hưng (phía bên kia cầu chữ Y). Mới 10 tuổi nên Nga được thủ vai ‘đào con’ ở cả 2 bên. Thời đó gánh hát còn nghèo, Nga đâu có xe hơi riêng, thành thử Nga phải đeo xe cam nhông không mui để chạy rạp cho kịp tuồng.”

“Nga còn nhờ năm ấy một bên hát tuồng ‘Con Vật Giữa Chợ Người’ và bên kia diễn vở ‘Đảng Ó Biển.’ Nga còn nhỏ, chạy rạp, đeo xe hoài nên mệt. Trong khi chờ đợi đến lượt ra sân khấu, Nga ngồi sau ‘cánh gà’ rồi... lơ mơ ngủ lúc nào không biết. Mãi đến lúc người nào đó kêu to lên:
“Con nhỏ ngủ sao? Ra sân khấu đi chớ, tới lớp rồi.
“Nga giật mình choàng dậy, chạy đại ra sân khấu. Người ta đang hát "Con Vật Giữa Chợ Người,"nhưng Nga mới ngủ dậy, có biết gì đâu, bèn hát ngay mấy câu trong tuồng "Đảng Ó Biển"!
“Đến lúc biết mình hố, vội vàng sửa... cái rụp! May là khán giả chưa kịp nhận ra.
“Cho tới nay, mỗi dịp Tết đến, Nga không thể nào quên được kỷ niệm vui tươi ngộ nghĩnh ấy.”

***

Quí vị mến mộ nghệ thuật sân khấu muốn tìm hiểu về cuộc đời nghệ thuật lẫn ngoài đời của Thanh Nga, xin đọc cuốn “100 Năm Cải Lương Việt Nam” quyển Một và Hai, đề cập rất nhiều về cô đào tài sắc này. Có cả chữ ký và hình lá số tử vi của Thanh Nga. Sách do nhà xuất bản Người Việt phát hành.

Kim Oanh
Sưu tầm từ Net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét