Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Thu Lặng Lẽ


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Hỏi Lá Mùa Thu


Tháng chín hè đi thu về vội
Xác lá khô mòn mỏi trên cành
Tháng chín con đường mưa lầy lội
Tan trường về bao nỗi nhớ nhung
Tháng chín mùa Thu ta cách biệt
Em có còn thương tiếc tình xưa
Lối hẹn hò còn nắng đong đưa
Hay lá đã theo mùa rơi rụng?

Biện Công Danh
17/9/14

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Cảm Ơn Mùa Thu

Ngày 49 em vay hình ảnh
Dán bài thơ để tưởng nhớ về
Người anh hiền đậm nét hồn quê
Tình son sắt câu thề ước vọng...
Vòm Pleiku gió quang mây lộng
"Cánh Đại Bàng" mơ mộng ngủ yên....
28/9/2016


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ừ Em Đi



Đời thuyền cuối bến biệt ly
Thoáng như giấc mộng nẽo đi cõi bồng
Đường trần vướng lắm bụi hồng
Trở về bên cát lượn vòng hóa thân
Ừ em đi cũng một lần
Nhìn theo bóng chiếc bâng khuâng nhớ về


Kim Phượng
28.9.2016, Ngày ra đi thứ 49 của em Lê Kim Hiệp

Em Tôi

Chị viết cho em trai nhân ngày mừng Sinh Nhật 2009, 
2016 buồn tưởng nhớ tiễn em 49 ngày đã chia xa) 
(Lê Kim Hiệp, Lê Kim Phượng - Văn Thánh Miếu) 

“Xa mặt cách lòng!” Điều này có thể đúng, nhưng với em tôi thì không.
“Chín người mười ý”! Nhưng tôi không ngại quá lời, khi đảo ngược “Mười người chín ý”. Bởi vì, trong gia đình mười người con, em và tôi có rất nhiều điểm tương đồng.

Suốt thời niên thiếu, thời gian chung sống bên nhau của em và tôi dài hơn các anh chị em khác. Cả hai chúng tôi, đong đầy kỷ niệm vui buồn, giận hờn trong cuộc sống hàng ngày. Mọi việc, từ hành động, lời nói cho đến lối suy nghĩ của em và tôi khá giống nhau.
Em nhỏ hơn tôi những hai tuổi chứ ít gì, nhưng chưa một lần cung kính gọi tôi bằng “chị”, có chăng chỉ là “ông bạn” hay đôi khi đổi tong, dựa theo số thứ tự trong gia đình, em kêu tôi bằng tiếng “ sáu” cộc lốc.

Em là đứa “trù trừ” lắm! Má thường bảo thế. Khi còn bé, sáng nào em cũng quấy má. Buổi chợ mai, má bận rộn chào đón khách hàng vào ra tiệm buôn. Vậy mà, hôm nào cũng thế, vừa thức giấc, đưa tay dụi mắt, là em vội ngồi thụp xuống nơi thu ngân và bắt đầu “kéo đờn cò”. Em khóc! Cái tiếng khóc hị hị như tiếng mèo con kêu. Em khóc dài…dai dẳng đến đổi như quen thuộc quá với khách hàng. Lâu dần, tiếng khóc của em như bản đàn đơn điệu và người nhạc sĩ tí hon này cũng tự mình chấm dứt bản nhạc nhè khi biết chán khóc.

Lớn thêm một chút, em gần gũi với tôi hơn, sự gần gũi… lưu lại trong tôi những hình ảnh khá quen thuộc. Tôi đã quá quen với cậu bé mang chiếc quần đùi, quai tréo, màu tím... Vào tuổi đó, em nào biết ngại ngùng gì với cái màu tím xa xăm ấy. Những hôm chiếc quần tím bị vấy ướt, em khóc nhè và trách tôi “tại sáu”. Ừa, thì tại tôi, tôi không đủ nhanh tay vì những chiếc khuy nút má làm quá nhỏ lại chặt, chẳng dễ dàng gì cho một đứa trẻ như tôi có thể giúp em cởi ra đúng lúc.Tôi cũng vất vả với em không ít, nhất là trong việc giặt giũ. Em và cậu em kế là đầu đàn lũ trẻ trong xóm. Thừa lúc má ngủ trưa, em dẫn đám con nít ra đồng bắt dế trong những trưa hè nắng chang chang, đầm mình dưới mương bắt cá hoặc chặt bập dừa tập bơi, thả trôi nổi, lặn ngụp trên sông Giồng Ké. Em là một trong hai đứa mà cậu tôi gọi là “lục lạc lăn lục lạc lửa”.

Với những trò chơi dễ vương vãi vết bẩn trên quần áo như thế, bằng đôi bàn tay bé nhỏ của tôi, làm gì giặt sạch cho hết. Thương con gái, ba tôi đóng một thớt cây to, mua bàn chải lớn, giúp tôi dễ dàng hơn trong việc giặt giũ. Thớt to, bàn chải lớn tiện lợi thế đó, nhưng giặt hoài bàn tay nào chịu nỗi. Ngồi đến còng lưng, sinh mỏi, nên “nhất cử lưỡng tiện”, tôi cho tất cả đồ giặt vào thau, đưa chân trần mà giẫm cho sạch.

Phiền trách em đó rồi tôi lại quên đó, những khi em bày trò vui chơi. Thời chúng tôi, lúc chiều đến, đêm về, sau giờ học, làm gì có những phương tiện giải trí như ngày nay. Hai chị em tôi với trò chơi tự sáng tạo. Chúng tôi thay phiên nhau, đứa này đưa ra một vần, đứa kia phải tìm cho được một người nào đó trong xóm, mà tên họ ráp đúng với vần vừa nêu ra. Trong cuộc chơi, ai thua sẽ chịu phạt bằng cách bị búng vào tay, đến đau điếng chứ chẳng vừa. Em luôn giữ tinh thần thượng võ dù rằng nhỏ tuổi hơn. Hai đứa cùng oẳn tù tì để vào cuộc :

- Ò …ò…
- Ba Cò.
- Ìa…ìa..
- Năm Chìa
- Ọ…ọ…
- Hai Lọ
- Ông…ông…
- Chín Đông

Sau trò chơi ấy, tất cả anh chị em trong gia đình đều mang một bí danh, được lấy tên từ những người hàng xóm. Nói nhỏ nghe thôi, Chín Đông chính là Kim Oanh, người chủ nhà trang Blog Long Hồ Vĩnh Long longhovinhlong.blogspot.com.au

Tôi với biệt danh sáu Chọt. Đó là tên bác Sáu sống cách gia đình tôi vài căn phố. Sau này có người cắc cớ hỏi, phải chăng lúc nhỏ tôi hay ăn cắp lắm nên mang biệt danh ấy. Chỉ có trời mà biết!
Còn em, nhà thơ Phố Núi, được gọi là Bảy Hí, vì theo lời Ba tôi, em mà gặp các cô gái, cười một cái, mở mắt ra con gái đi mất.

Những đêm chị em quay quần…như bất tận, những cuộc vui cũng đến lúc tàn, tuổi thơ cũng vội qua. Tôi vào Đệ Thất, rời gia đình, xa em. Chỉ cần một năm xa nhà thôi, tôi như lớn hẳn, mà là người lớn thật vì tôi thay ba đưa em đi dự thi Đệ Thất. Ngày nay, ở tuổi em, các học sinh vẫn còn tay trong tay theo mẹ đến trường. Một đêm trước ngày thi, chúng tôi đến ngủ tạm nhà bạn ở Vĩnh Bình. Chính cái đêm ấy, lần đầu tôi cảm nhận được sự uy nghi, đỉnh đạt của mình khi được em rụt rè, khép nép đi bên cạnh, dắt đâu, em theo đó, chỉ bảo điều gì, em răm rắp nghe theo. Đúng thật là dân quê lên tỉnh! Tôi đưa em đi ăn hủ tiếu, trong khu chợ Vĩnh Bình. Chưa lúc nào em hiền như lúc này. Trước cảnh tượng lạ lùng, em im lặng nhìn người qua lại, nếu cần hỏi chuyện, em vẫn cố hữu dùng tiếng “sáu” cộc lốc hoặc nói trổng.

Sáng hôm sau, trên đường đưa em đến phòng thi, không quên dặn dò những kinh nghiệm tôi đã trải qua. Khi bóng em đã khuất dần sau cửa phòng thi, tôi bước vội, lăng xăng theo nhóm người giải đáp đề thi toán, do ai đó từ bên trong phòng thi ném ra. Ngồi đợi chờ em, tôi với bao nhiêu suy nghĩ mông lung và ước mơ đến vội. Tôi nguyện cầu em được trúng tuyển. Nếu em trúng tuyển, đó là cơ hội duy nhất tôi không bị lẻ loi trong căn nhà trọ, nơi chỉ có tôi là đứa con nít độc nhất. Thời gian như chậm lại, dòng suy tư bé bỏng của tôi trôi theo, đến khi tiếng chuông reo vang, báo hết giờ thi, tôi hấp tấp đến đón em.

Kết quả thi không như mong muốn. Em lên Vĩnh Long và trở thành học sinh trường bán công Nguyễn Thông. Còn tôi ở lại Vĩnh Bình, niềm hy vọng được bầu bạn cùng em đã tan theo mây khói. Ở đây, những ngày đầu tuần dài lê thê, bước chân như nặng nề hơn trên con đường dẫn đến trường Công Lập Vĩnh Bình. Nỗi u uẩn của đứa trẻ xa nhà nơi tôi không vơi, đêm về buồn không ai biết, âm thầm khóc chẳng ai hay. Đến lúc ba má biết được, người xin thuyên chuyển cho tôi về Vĩnh Long, ở chung với anh chị em. Thật là một điều nghịch lý lẫn bất công cho tôi. Tôi thừa khả năng, đã trúng tuyển vào trường công, nhưng người điều hành của trường Tống Phước Hiệp chối từ và chẳng đặng đừng tôi trở thành học sinh Nguyễn Thông, cùng trường với em.

Ngày đầu em chở tôi đi học bằng xe đạp, em lạn qua lượn lại, mặc tình cho tôi ra sức giữ chặt yên xe nếu muốn an toàn. Theo lộ trình… sáng em đi đường này, trưa về ngõ khác. Mỗi ngày em mỗi đổi hướng đi, cộng thêm tính tối dạ của tôi, như người mù lối, tôi chỉ còn cách méc ông anh:
- Anh tư coi thằng Hiệp kìa, chở em mà nó cứ thay đổi lối đi hoài làm sao em biết đường đi học.
Méc để thị oai, thật ra tôi thương em, vì mang danh nam nhi chi chí nên phải nai lưng đèo tôi đi học. Đã vậy sau giờ tan trường, bánh xe bị xì hơi hoài thì cũng chính em là người đi mượn ống bơm của bác bán cà rem cạnh sân trường. Nhớ hoài, thương mãi hình ảnh đứng lom khom, hì hục với ống bơm, bên chiếc xe xì bánh.

Đã thế, đi học về chúng tôi còn tự nấu ăn, vì không có ba má sống chung. Các chị em tôi thay nhau trong vai trò hỏa đầu quân và mỗi người có toàn quyền định đoạt món ăn khi đến phiên mình. Mỗi lần em làm bếp, bà chị thứ Ba khóc hoài hoài, vì theo chị món hủ tiếu xào mà em nấu có bổ gì đâu mà ăn hoặc khi bà chị Năm làm em phiền lòng, thì y như rằng nồi cà ry hôm đó sẽ cay hơn.

Bản tính em là thế đó, nhưng lại hiền hậu và độ lượng trong cách sống. Tính em tiện tặn khác hẳn sự tiêu pha của chị Năm, nên việc em cho chị vay nợ, không lấy gì làm ngạc nhiên. Em rất dễ dàng khi cho đi, nhưng lúc cần đến, chị khất hoài không trả lại tiền, nếu em tiếp tục đòi, thì thế nào cũng…
- Ai biểu ngu cho mượn chi.

Bị mắng, nhưng em tiếp tục “ngu” hoài.
Em tôi ngoài tài nấu ăn, lại có khiếu văn chương. Em thích đọc sách báo lắm, phong lưu trong việc bỏ tiền mua báo Thời Nay và Văn Nghệ Tiền Phong. Ban đầu em rủ rê chúng tôi cùng đóng góp mua báo, nhưng ai dại gì mà bỏ tiền cho kẻ đam mê như em.
- Thôi tụi chị không thích coi. Chị Năm và tôi đồng trả lời.
Thế là em tự “phung phí” tiền và dĩ nhiên là em xem một mình, sau đó đem giấu mất. Bà chị Năm và tôi thừa lúc vắng em, tìm tòi lục lạo khắp nơi, nhưng nào tìm đâu ra. “Quyết chí thì nên!”, chúng tôi rình rập, đợi chờ tìm cho được nơi chốn bí mật đó. À, thì ra, quyển sách được đặt bên dưới chiếc rương cây.

Chị và tôi thiệt tình! Đã xem lén mà còn lém và lối. Trên bàn ăn, chúng tôi giả đò trò chuyện, nhưng nói toàn là những chuyện đăng trong số báo em vừa mua. Đôi mắt hí của em càng nhỏ hơn khi em nhìn chúng tôi, rồi em cười cười mà chẳng nói lời nào. Đến số báo kế tiếp, theo thói quen, chúng tôi đưa tay tìm báo dưới đáy rương. Chẳng có!
- Vậy thằng Hiệp nó giấu ở đâu? Chị tôi hỏi như gắt.
Chúng tôi không nản lòng. Lần này em giấu tận trên mái nhà. Tôi làm sao quên được cái hình ảnh em, hình ảnh…mắt em đảo qua, ngó lại và nhanh chóng trèo lên cao, cất quyển báo, theo em có lẽ đó là nơi an toàn. Nhất cử nhất động của em làm sao tránh khỏi sự cố tình của chị Năm và tôi.
Ngoại hình của em rất “cù lần”. Trong khi các học sinh tĩnh lẻ đã biết chưng diện, chạy theo thời trang, thì em tôi chỉ “lượt là” với quần kaki xanh, ngắn cũn cỡn, để lộ đôi vớ đỏ chói. Thầy Nghĩa dạy Anh văn, thầy cho rằng em cao bồi, nên trù dập, “dợt” bài em hoài. Có lẽ nhờ thế nên môn Anh văn em được điểm cao. Đến năm Đệ Tam, em chọn Pháp văn cho sinh ngữ thứ hai. Em siêng năng lắm, sang sáng thức sớm “gạo” bài, trong thanh vắng tiếng em lồng lộng:
- É ni mô…é ni mô…cọp vật.
Tôi bị đánh thức bởi bài học dị kỳ và giọng đọc quá to của em. Càng lắng nghe, tôi càng thắc mắc, chẳng chịu đựng được tôi vội bước ra:
- Hiệp học cái gì vậy?
- Pháp văn.
Sau một phút suy tư, à…thì ra… animal, nhưng vì em viết chữ quá tháu, từ chữ “con vật” biến thành “cọp vật” và môn học tiếng Pháp, nhưng lối em phát âm lại là tiếng Anh.

Bảy năm dài của bậc Trung học hoàn tất, em và tôi mỗi người một phương trời. Chúng tôi như bầy chim đủ lông cánh bay xa, ít dịp gặp lại ngoại trừ những ngày lễ trọng. Đến 75, đàn chim lại tất bật, bất đắc dĩ tìm về tổ ấm. Dưới mái nhà xưa, chúng tôi cùng chung sống, êm ấm đó, nhưng đàn chim sống trong đợi chờ lo âu thường nhựt. Có những hôm, em, tôi cùng vác cuốc trồng khoai sắn trên mảnh đất của người anh rễ, cách nhà không xa. Chúng tôi có dịp nhắc lại trăm ngàn chuyện cũ, cười rũ rượi, nhưng rồi buồn đó, mất hết vô tư. Từ sau năm 1975, em trở về Vĩnh Long và cùng tôi, sống lại trong căn nhà xưa. Tôi “cô giáo hippy tĩnh lẽ”, đã đổi đời … ngày hai lượt “đeo” theo xe đò làm cô giáo miền...quận lỵ Tam Bình. Năm ấy, chiếc bàn ăn cũng là nơi tôi ngồi chấm điểm thi cuối năm cho học sinh, em đi phớt ngang qua …
- “Ông bạn”cứ lo dạy hoài. Tôi thầm hiểu được điều em muốn nhắc nhở.
Lời em là cánh buồm đưa tôi ra khơi. Trong chia tay bằng lời hứa chắc chắn, em sẽ ở lại lo cho ba má trước, rồi mới quyết định cho riêng mình.

Đến năm 1984, ba má tôi sang Úc châu định cư. Em đã chu tất và trọn giữ lời lo cho ba má. Những ngày xa quê hương, nhớ về căn nhà em đang sinh sống, tôi áy náy hoài và nghĩ về em, về hoàn cảnh và cuộc sống của người ở lại. Lắm lúc viết thư cho em, tôi khuyên em hãy lo cho tương lai, sau đó thì đoàn tụ vợ con khi khả năng cho phép. Em hồi âm với lời rất khẳng khái:
- Bao giờ đầy đủ hết vợ con em mới đi.
Hiện nay, em vẫn ở lại quê nhà. Em không còn gọi tôi bằng tiếng “ông bạn” mà chỉ cộc lốc tiếng gọi “sáu” và qua điện thoại viễn liên, cũng hoài câu nói… “Sáu, nói nghe nè…”.

Mấy mươi năm trôi qua, mới ngày nào còn là cậu bé húi cua mà giờ đây em đã là ông nội, ông ngoại người ta. Dù là đứa em thứ bảy trong gia đình, dù sống trong môi trường vất vả với miếng ăn, cái mặc, nhưng nơi em, em trưởng thành trong hành xử với anh em, người thân và bạn bè. Tính trẻ trung vẫn còn đó. Tấm lòng nhân hậu, độ lượng, nhường nhịn của một Hướng đạo sinh ngày nào, em chưa quên ... Ở tuổi đời không còn trẻ nữa, nhưng em luôn trao ban cho người xung quanh sự hồn nhiên, yêu đời dù rằng đời sống của em có nhiều lo âu và chịu lắm thiệt thòi.

“ Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!” . Cái nòi thương yêu lo lắng cho anh em đôi bên, phe mình, phe ta rất tròn nên được bên vợ rất mực yêu thương. Em quá giống ba ở điểm này. Với bạn bè, em rất chí tình, những người bạn thân từ những ngày còn trong quân ngũ, đến nay mỗi người một phương cách biệt, nhưng tình thâm vẫn đậm đà.

Ngày Mười Hai, tháng Mười Hai, mấy mươi năm trước…

Trót sinh là Cánh Đại Bàng
Thả đôi chân xuống trần gian làm người

Hôm nay…

Sinh nhật đầy ấp nụ cười
Mười Hai tháng Mười Hai tươi thêm tình

Mấy mươi năm xa nhau, hai chị em, mỗi người một phương trời. Nhờ mây đưa, gió chuyển giùm…đến tận bên kia bờ đại dương, trao đến em những lời chân thành, mộc mạc này, làm quà trong ngày sinh nhật…rằng
Chị rất nhớ em! Hiệp ơi. 

Kim Phượng
12.12.2009


Một Thoáng Cảm Hoài



Chưa chín nồi kê đầu đã bạc
Xem qua tâm sự buồn man mác
Hững hờ năm tháng nọ phù vân
Dày dạn phong sương kìa tuổi hạc
Nhớ quá ngày xưa một mái nhà
Thương hoài thuở khó không lầu các
Sinh ly tử biệt buốt lòng ta
Khẩn nguyện bạn hiền an phúc lạc!

Cao Linh Tử

28/9/2016
(Sau khi đọc bài Em Tôi của Kim Phượng - Tưởng Nhớ 49 ngày của Lê Kim Hiệp)

Rụng Cánh Đại Bàng


Thương cánh Đại Bàng lạc gió Đông
Lượn vòng mây trắng tìm quê cũ
Trường Sơn Tây ấp ủ từ lâu
Chiều dương tắt giang đầu tĩnh mịch


Nhỏ nhoi lắm kiếp người nghịch cảnh
Trong cô đơn thú tội tình xanh
Lỗi tại anh rời Pleiku sớm
Để mi sầu ôm giá lạnh sâu

Vây quanh em hung thần yêu vội
Lội chân tàn giẫm nát đồi thông
Cơn điên loạn giống giòng man dã
Bất ngờ làm từ giã em tôi

Tội anh vắng mộng đầu tan vỡ
Địa ngục trần xe chở em đi
Tim nấc nghẹn van dừng xe lại
Hương xưa lòng trổi khúc bi ai

Đôi tay rắn ngoài vòng cương tỏa
Đại Bàng ơi còn ngõ nào bay

Cao Nguyên mất đắng cay cuộc đời
Trời Tây mãi phương đoài vô định!

Vĩnh Long 

8-7-2010
Lê Kim Hiệp

Thơ Tranh: Hoa Mai Hồng


Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Thơ Tranh: Chờ!


Photo: Lê Đăng Mành
Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh


Bóng Cùng Tôi


Tim tôi nhốt bóng một người
Tim ai có thở nhịp đời cùng chia?
Nhỡ mai bóng khuất chia lìa
Thái lai tôi bóng cùng dìa một nơi


Kim Oanh
***
Bóng Ta & Em

Làm sao nhốt được bóng người!
Để còn có thể biển đời xẻ chia
Mai sau dù cách xa lìa
Vì tôi là bóng khó dìa bên em

Song Quang

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

"Ráng Nên Người Nhe Con"


Năm con gái được 16 tuổi, một hôm đón con tan học, trên đường về nhà con gái hỏi: 
- Mẹ mấy tuổi con yêu được hả mẹ?
Thoáng chút giật mình, tôi nhanh chóng trả lời
- Mẹ đâu thể nào định 16,17 hay 20 tuổi hả con, mẹ đâu ép buộc được trái tim, nhưng ...
Chưa kịp dứt câu, con gái tiếp lời tôi "...nhưng phải học hả mẹ"
Lòng mừng thầm và tôi tiếp
- Đúng vậy con, con chỉ còn học có 6 năm thôi, và sau đó con có thể yêu cả đời.  
- Dạ
Liếc nhìn sang cạnh bên, thấy nét mặt con gái tươi vui có vẽ hài lòng vì tôi không ngăn cấm, miệng nhép nhép hát. Tôi biết là con gái đang vương vấn hình bóng nào rồi....  

Cuối tuần tôi gặp vị Linh Mục tinh thần, Cha tư vấn học sinh cho một trường Trung học của người Úc, Cha dìu dắt gia đình tôi những lúc bất an, những lúc nan giải về bất cứ vấn đề gì.
Tôi thuật lại Cha nghe mẩu đối thoại của hai mẹ con tôi, vì tôi không biết mình trả lời như thế có đúng không. Cần Cha tư vấn thêm về tâm lý thanh thiếu niên trong thời gian sắp tới.
Đột nhiên Cha hỏi lại tôi
- Vậy hồi xưa chị biết yêu lúc mấy tuổi? 
Ái da khó đa, tôi cười cười gãy đầu, Cha tiếp
- Chị trả lời đi, gãy đầu chi....
- Dạ thì năm 16 tuổi. 
- Vậy Bà (Má tôi) nói gì với chị?
- Dạ Má con nói, con gái lớn thì có bạn trai, nếu có thì mời về nhà trò chuyện. Đừng hò hẹn bên ngoài. Nếu người nào thương con thì phải lo học và ngược lại con cũng vậy.  Phải nghĩ tới tương lai sau này...
- Vậy rồi người đó học giỏi không?  và chị học giỏi không? 
- Dạ có thưa Cha, má con không bao giờ cấm đoán con cái, má đặt lòng tin vào con nên con không làm gì trái ý má con. Con lo học sói đầu luôn..hi.hi...
Cha vỗ tay, cười thật tươi.
- Bà hay thật, tôi thấy xã hội Việt Nam ngày xưa chưa có Bác sĩ Tâm Lý, vậy mà bà tâm lý hết sức. Qua những câu chuyện trong gia đình các chị kể tôi nghe về Ông Bà, tôi thấy các chị may mắn có mẹ như bà.
- Bây giờ tôi nghĩ, chị áp dụng những gì bà dạy, chị truyền lại cho con gái chị là thành công.
- Vậy hả Cha.
- Chắc chắn chị cứ làm theo y bà đã làm.
- Dạ con cám ơn Cha.
Tôi vừa xúc động vừa hãnh diện về má tôi. tủm tỉm cười hài lòng ... 
Mà cũng may thật, từ đó con gái cặm cụi lo học, cho đến đại học, con mới nói mẹ, con có bạn trai, đưa về nhà được không mẹ. Vui lòng thôi!
Dần dần, tôi cảm nhận vai trò làm mẹ làm cha đỡ vất vã hơn, hội nhập theo tập quán của Úc hoà đồng với lớp trẻ, nhưng cũng cố gắng giữ những cái hay cái đẹp của Việt Nam mình để có nề nếp.
Theo tôi nhận xét trong tâm của con cái cũng cảm thấy nhẹ nhàng, gần gũi, sẻ chia, cảm thông với mình hơn. Đầu óc các con thư thả cũng hấp thụ việc học hành dễ dàng hơn.
Đúng vậy, từ đó tôi hướng dẫn các con theo những giáo điều mà tôi được thừa hưởng từ ba má.

Nhớ chuyện trước đây, khi ba má tôi định cư ở Úc, hàng ngày ba má ôm tập đi học Anh văn, ròng rã không ngơi. Chiều ăn cơm xong, ôm cuốn tự điển, quyển tập, xem tivi giờ tin tức, chữ nào không hiểu ba má cứ tra tự điển riết...
Má nói, "tại sao mình bắt con cháu học tiếng Việt để nó hiểu mình. Vậy tại sao mình không học tiếng Anh để mình hiểu con cháu". Thế là những ngày nghĩ hè. Ông bà cháu thay phiên nhau học hỏi. Cũng chính điểm này mà con cháu gần gũi thương yêu ông bà rất nhiều....
Ông bà qua đời lâu rồi, hàng năm đến ngày giỗ tụ họp nhau nhắc nhớ, các con cháu nhắc nhiều chuyện cười ra nước mắt..... 

Thêm chuyện đứa con trai đi làm xa, hẹn mẹ lên Skype tâm sự. Tôi hỏi
- Con đang làm gì đó?
- Con đang xem youtube cải lương
Giật mình, lòng tự hỏi ủa sao lạ vầy nè, tôi cười tiếp
- Con xem tuồng gì?
- Bên Cầu Dệt Lụa, Thanh Nga Thanh Sang hát hay lắm mẹ ơi...., 
- Mà sao hôm hay nghe cải lương rồi?
- Hôm nay giỗ ngoại, con nhớ ngoại, ngoại hay nghe cải lương, nên nghe đỡ nhớ........
Tôi đang cười ...bổng nhiên rơi nước mắt. Giọt nước mắt vừa buồn lại vừa vui..... Buồn nhớ Bamá và vui vì sự hiếu thảo của con trai không quên ông bà ngoại.


Má ơi, hôm nay là ngày giỗ của má, má ra đi đã 14 năm, nhưng hình ảnh của bamá vẫn mãi mãi trong trái tim của con cháu. Con có diễm phúc như hôm nay là nhờ công sinh thành dưỡng dục của Bamá. Những ơn đức bamá đã trao trọn chẳng những cho đời con mà cả đời cháu của bamá nữa.
Thắp ngọn nến, con nguyện cầu má mãi mãi hạnh phúc cùng ba và vui hưởng thảnh thơi nơi cõi Thiên đàng. Xin bamá yên lòng về những gì bamá hằng mong "ráng nên người nhe con".
Con cảm ơn bamá " đã cho các cháu nên người".
Con nhớ Má.

Thắp lên ngọn nến lung linh
Nguyện cầu Ba Má Thiên đình thảnh thơi
Chúng con khắc nhớ từng lời
Công ơn dưỡng dục để đời cháu con

Kim Oanh
Giỗ lần thứ 14 của Má - (24/9/2002 - 24/9/2016 )

***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links








Chân Quê




Hò ơi......
Chiều chiều giặt áo bờ ao
Em không vò kỹ phai màu áo tơi
Nâng niu giữ chút làn hơi
Ủ mùi hương cũ hò...ơi
...ủ mùi hương cũ sợ vơi ân tình.....

Hò ơi...
Những lúc em chỉ một mình
Nhớ thương người ấy ..... hò ơi
...nhớ thương người ấy khi mình xa nhau.....

Kim Oanh


Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Một Góc Thôn Quê Miền Tây


Ảnh Chụp &Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tình Hoa



Thương ai anh tặng hoa hồng
Sao không nói rõ để lòng mộng mơ
Nhớ theo chín đợi mười chờ
Ngày đi tháng lại chơ vơ hoa tàn......


Kim Oanh

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Mừng Sinh Nhật Em

Tặng anh chị thay món quà .Chúc chị Mai Sinh Nhật hạnh phúc bên gia đình thương yêu
(KimOanh)
Thơ: Nguễn Đắc Thắng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Pleiku Miền Ký Ức Khó Quên

 
(Đường Hoàng Diệu, Pleiku trước 1975)

Về Pleiku khi vừa rời trận chiến
Đến nơi nầy,đêm phố núi buồn thiu
Ánh đèn soi bên quán nhỏ cô liêu
Áo phong sương thêm một lần dừng bước

Mang ký ức một thời đi xuôi ngược
Thành phố buồn,còn đọng chút dễ thương
Phi trường Cù Hanh vương vấn bùi đưòng
Mùa mưa đổ bùn lầy vươn gót đỏ

Chiều Biển Hồ lồng lộng trêu cơn gió
Mặt nước hồ in bóng khoảng trời xanh
Sóng lăn tăn gờn gợn mát trong lành
Mây lãng đãng giăng màn làn sương mỏng

Đường Hoàng Diệu kỷ niệm nào còn đọng
Hẹn hò em Diệp Kính nắm tay nhau
Cà phê Hoàng Lan hương vị ngọt ngào
Dù có đắng...bờ môi em vẫn ngọt

Đến Pleiku ché rượu cần ngào ngạt
Tiếng cồng chiêng bên bêp lửa đêm dài
Cô gái Ê Đê dệt thổ cẩm chờ ai ?
Tôi lưu luyến chia tay rời phố núi

Song Quang
        

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Lễ Cưới Con Gái Anh Chị Minh Hà Tại Thánh Đường North Fitzroy - 2016

Ca Đoàn Kitô Vua trong Thánh Lễ tại Nhà Thờ North Fitzroy ngày 27/8/2016

Oanh, Liên, Trang,Tuyết,Thiên, Nhi, Vi, Hường,Ngọc, Trâm




Tuyết, Hy






Hình Ảnh: Minh Thiên, Uyên Nhi, Tiến

Kỷ Niệm Khó Quên - Tiệc Cưới Con Gái Anh Chị Minh Hà - 2016

Hôm nay đi dự tiệc cưới rất vui, các cô nàng của Ca Đoàn Kitô Vua nhiệt tình, vui tính, quậy phá không chịu nổi. Ấy vậy mà không có các nàng thì "đời mất em rồi vui với ai..." hihihi....

Cô em Thanh Bình đến bàn tôi, kề tai thủ thỉ, "chị đi tự sướng không" tôi nghe như lùng bùng lổ tai. "Là sao chị không hiểu", cô em cười ngất, vội níu lấy tay " đi với em " và tôi lôi đi hấp tấp..... " 
đến một góc nhà hàng cô bảo "đó có cái mùng mình chung vô". hi..hi....
Tấm màn dựng lên thành một căn phòng nhỏ, bên trong để một cái máy chụp ảnh tự động. Thì ra cả đám đã trụ trì ở đây hóa trang tự chụp hình. Đúng là hết nói nổi, các cô em của tôi chơi chữ "tự xướng" đó mà .....

Sau một màn quậy phá, đến màn văn nghệ cây nhà lá vườn, đưa nhau lên hát giúp vui. Không ai ngại ngần vì là đám cưới con gái của chị Hà, một ca viên trong đoàn.
Thật tình đã mấy mươi năm tôi không có giây phút vui nhộn như hôm nay, quên đi cái tuổi"thăm thẳm chiều trôi " ....hi..hi...
Cảm ơn các cô em đã mang bà chị này trở về cái tuổi đôi mươi, thời "thứ ba học trò" , ăn chưa no lo chưa tới..."em ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời..." phải không nào.
Cảm ơn tất cả bạn bè một đêm khó quên.
Cảm ơn Minh Thiên, Uyên Nhi, Tiến đã ghi lại những hình ảnh đẹp, nhớ mãi không thôi ....

Kim Oanh
8/2016



 Minh Thiên người đẹp như trong phim La Mã 
 Hai anh chị Báu Nhi này lúc nào cũng muồi.....
 Trời ơi Tín, ông xã của em Bình hỉ??!!
 Hai anh chị Phiệt Trang là cây tếu .... nói không cười không ăn tiền..hi..hi...
Phiệt xin tình nguyện được quỳ
Bởi do ngày tháng Trang đì cũng quen...hi..hi...
Một anh tóc bạn cũng quỳ
Bởi vì Nhi cũng từng đì Báu đây...hi..hi..

 Ca Đoàn Kitô Vua giúp vui đêm Văn Nghệ Cây Nhà Lá Vườn với bài Ly Rượu Mừng
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương, nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ, tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới...á..a..a.....


Hình Ảnh: Minh Thiên, Uyên Nhi, Tiến

 ***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links







Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Dạ Tiệc Gây Quỹ Trùng Tu Tháp Chuông Giáo Xứ Holy Name Reservoir - 13-08-2016

Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của giáo xứ xin quyên góp gây quỹ để trùng tu tháp chuông, ca đoàn Kitô Vua đã tổ chức một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn, nhằm quy tụ cộng đoàn dân Chúa để chia sẻ niềm vui cũng như tâm tình tạ ơn Chúa và cám ơn giáo xứ Holy Name đã cưu mang cộng đồng người Việt Công giáo chúng ta suốt 7 năm qua. Do đó, những đóng góp của quý vị, dù ít hay nhiều, dù bằng vật chất hay tinh thần... đều được gói trọng trong hai tiếng TRI ÂN để gửi đến giáo xứ, như một bờ vai nho nhỏ ghé vào gánh vác xứ vụ loan báo Tin Mừng, mà cụ thể là trùng tu tháp chuông nhà thờ.
(LM Đinh Trọng Chính)

Ban tổ chức trang trí thật công phu và mỹ thuật
Do bàn tay khéo léo của Uyên Nhi kết
 Ban tiếp tân
Ban tiếp tân này không lo việc nhé....lo điệu gớm!

Thì cứ điệu nhanh rồi lo phận sự sau ấy mà...

Mã Hằng, Ngọc Hà, Vân Trang, Minh Thiên
MC: Cha Đinh Trọng Chính & Vân Trang
Hợp ca BỜ VAI GIÊSU, ý thơ Hạt Bụi, nhạc Trần Tuấn và Trần Ân, do ca đoàn Kitô Vua trình bày đã khai mạc chương trình dạ tiệc CHUNG MỘT BỜ VAI




BÀI CA SAO (Phạm Duy) - Múa - Ca đoàn Kitô vua trình diễn

MỘT CHÚT (sáng tác Thông Vi Vu) Tam ca Minh Thiên, Thu Hường, Vân Trang - Ca đoàn Kitô Vua trình bày
Cộng đoàn bạn giúp vui
 Màn Vũ của các em thiếu nhi trường Việt Ngữ Holy Name
 Quý Linh Mục tham dự
 Bàn số 8
Cộng đoàn một màn tấu hài

Sau bức màn nhung khép lại, các nàng quậy tưng bừng.....




Hàng ngồi: Trâm, Ngọc Hà, Trang
Hàng đứng 1:Thu Hường,Thanh Bình, Thủy Tiên, Kim Oanh, Ngọc Hương, Ánh Nguyệt, Ngọc, Xuân
Hàng cuối: Vân Trang, Minh Thiên

Hình Ảnh: Minh Thiên, Uyên Nhi, Nam