Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Gọi Mùa


Sáng thức dậy tiếng gà gáy sớm
Nhìn trời cao lá ướm hơi sương
Mùa xuân qua chút nắng còn vương
Áo ai trắng đến trường nhẹ bước

Lá xanh cành vi vu bắt chước
Cất nhạc phong hát khúc mơ màng
Gọi Mùa Xuân ở lại đừng sang
Mang sắc thắm cho nàng hy vọng


Kim Oanh

Xuân Gợi Nhớ



(Từ Gọi Mùa -Ta còn ăn Tết Trong thơ nữa đó, Kim Oanh ơi ....)

Xuân vẫn đến, trong lời thơ diễm ảo
Đón ta về từng bước dạo trong thơ
Ươm từng dòng từng chữ đẹp như mơ
Cho ta thấy một thời xa xưa cũ

Xuân đất khách, không mai vàng chớm nụ
Nhưng hương nồng ấp ủ trọn trong tim
Tình thân ơi, thương nhớ vốn im lìm
Nay chợt nở theo xuân về réo gọi

Xuân gợi nhớ, theo lời thơ nương gió
Vọng về quê từng ngõ ngách quê hương
Nhớ sân trường bao dấu ái thân thương
Đầy kỷ niệm nơi trời xa đất khách ....

Hoàng Dũng


Thơ Tranh: Xuân Mới



Thơ: Phương Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ai Nỡ Đào Mồ Nàng Xuân



Em bảo: chờ thơ xuân của tôi
Còn gì để viết hết ngậm ngùi
Forsythia cắm làm mai giả
Bên ngoài tuyết trắng nghẹn trên môi


Khói nhang tôi đốt giữa xứ người
Hay là đốt cạn hồn quê tôi
Chén trà đắng hoạch còn vướng cổ
Xuân còn chi nữa, đã chết rồi


Có lẽ chỉ là tờ lịch rơi
Những mảnh giang san bị bán rồi
Lật hết tháng ngày, có là tết
Hay là party hoá trang thôi


Mực tôi mài bút cắn môi lòng
Lệ trào pha đẫm màu lưu vong
Biên đi, xóa lại xuân ký ức
Thêm đắng, thêm cay một linh hồn


Thôi nhé em! Chờ gì thơ tôi
Từng nét oan khiêng bút tơi bời
Không nỡ đào mồ nàng xuân cũ
Tôi đành ngồi ngắm tuyết rơi rơi


Hoài Tử

Thơ Tranh:Chạm Xuân



Thơ: Hương Ngọc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Anh Hưng Chúc Mừng Năm Mới 2014


Đặng Quốc Hưng

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Mùa Xuân Thay Áo


Trên đường từ trường về nhà chiều nay Hoàng cảm thấy khó chịu, ba tháng hè trôi qua chưa mang đi hết cái nóng bức và oi nồng từ mặt đường bốc lên mũi. 

Không hiểu từ khi nào Hoàng thích con đường Gia Long lần theo đường Tống Phước Hiệp về nhà. Nhất là buổi chiều tan học, những tà áo dài trắng thướt tha, duyên dáng lạ thường, vì trường Hoàng học, nữ sinh mặc đồng phục chỉ là quần tây và áo chemise. 

Mười ba tuổi chưa biết yêu là gì, con gái thường trêu con trai “cái mặt búng ra sữa”, tuy nhiên cũng biết ngắm nhìn cái đẹp của khác phái. Hoàng đạp xe tà tà lòng thoải mái. Chợt nghe tiếng người chạy xe lôi bực mình quát tháo, một đám con gái đi hàng ba hàng bốn lấn ra đường lộ, chiếc xe lôi chạy vượt qua, ông lái xe không khỏi càu nhàu: “Vô, bộ muốn xe hun hả…” Đám con gái lại ngã vào nhau như mốc xích cười thỏa chí, rồi cũng dzung dzăng choáng con lộ. Hoàng vượt qua ngoái đầu nhìn lại định ép xe hù cho bỏ ghét, thình lình gương mặt con bé ngây thơ, hồn nhiên trong đám học trò, đập vào mắt, làm tim Hoàng hồi hộp lẫn rộn ràng. 
Hoàng bám theo, Nhỏ cười đùa cùng bạn vô tư lự… không hề biết có một thằng nhóc đi theo bén gót. Hoàng vòng xe tới lui không biết bao nhiêu bận cho đến khi Nhỏ đến nhà. 

Nhỏ mở cổng rào vào sân, Hoàng vượt xe qua khỏi nhà đánh vòng lại, nhìn dáng Nhỏ bước lên bậc tam cấp vào nhà, dáng gầy, tung tăng như chim sáo trên những bậc thềm Hoàng chợt nhủ thầm “dễ thương lạ”. Trên đường trở về Hoàng mới cảm nhận đôi chân mỏi nhừ như đi bộ và lưng đã ướt đẫm mồ hôi, nhưng khí trời oi nồng lúc đầu đã được Nhỏ mang đi mất và đem lại cho thằng nhóc này một ngọn gió mát đầu mùa.

     
                                                                                    
Nhà Hoàng nằm cạnh bờ sông, từ trên ban công nhìn xuống con đường nhỏ vắng người qua lại, đã nhiều đêm Hoàng thường ra ngồi hóng mát sau khi học bài, gió từ bờ sông đưa lên mát rười rượi, tâm hồn trống rỗng chẳng nghĩ suy. Đêm nay mọi vật không thay đổi, nhưng Hoàng cảm nhận con đường rộn rịp như Tết sắp về. Trong đêm đen có muôn vì sao rực sáng… Thì ra lòng Hoàng chợt thay đổi! Rồi tự thốt “cái con nhỏ này từ đâu hiện ra làm cho ta choáng váng mặt mày, con mắt nai tròn như ánh đèn soi thủng ruột gan vầy nè”.
Không cưỡng được lòng đang thui đốt, Hoàng vội vào nhà khoác chiếc áo và mượn chiếc xe gắn máy của ba phóng nhanh trong đêm khuya…

Tỉnh lỵ đã đã ngủ yên, chạy xuyên qua cầu Thiềng Đức cơn gió từ sông thoáng mát, nhưng không làm xoa dịu hết tâm tư Hoàng đang nôn nóng, xáo trộn. Nhớ lại ánh mắt chiều nay, ánh mắt của Nhỏ thôi miên… như kéo xe Hoàng hướng về nhà nhỏ. Xe đổ dốc Cầu Lầu. Tiếng huýt sáo vang lên ngân trong gió. Đêm tĩnh lặng đưa tâm hồn bay bổng nhẹ nhàng. Hoàng cảm thấy đời đáng yêu làm sao! Gần đến nhà nhỏ, Hoàng giảm tốc độ, tắt máy xe, từ từ đậu trước nhà. Hình ảnh con bé ngồi học bài chăm chỉ bên song cửa sổ, tim Hoàng đập loạn, cố ghìm hơi thở e rằng nhỏ sẽ nghe cả tiếng tim mình. Ngồi hàng giờ ngắm … một cảm giác khó tả làm sao, lòng bồi hồi, rối nùi như cuộn chỉ len tháo giỡ.. cảm giác bồn chồn lẫn xuyến xao mà chưa bao giờ Hoàng vướng phải.

Thình lình nhỏ vươn vai, xoay mình rời chiếc ghế đi ra hành lang. Hoàng vội nép vào gốc cột đèn theo dõi cử chỉ của nhỏ. nhỏ cất tiếng hát. Hoàng sung sướng mỉm cười, tiếng hát xuôi theo gió nghe lồng lộng, êm ái như rót vào tai những lời tha thiết ấy.

Rước em lên đồi cỏ hoang ngập lối,
Rước em lên đồi hẹn với bình minh…
Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép bước đi ôm cỏ mềm…”
Đồi êm êm cỏ im im ngủ yên yên mộng ước rất hiền
Giọt sương đêm còn trinh nguyên nằm mê man chờ nắng sớm lên
Rước em lên đồi tiên….” (*)

Nhỏ đã làm hồn Hoàng như mây bồng bềnh trôi, cảm giác dịu dàng và nhẹ nhõm, Nhỏ đã vứt chiếc dép bước vào tim ta rồi nhóc ạ! Mời nhỏ bước lên đồi thơm ngát hương cỏ mai cùng ta nhé nhỏ! Trong bóng đêm mà Hoàng ngỡ bình minh tươi sáng đang trước mặt mình.

Nhỏ ngưng hát và làm những động tác thể thao… Hoàng chờ Nhỏ vào nhà khép cánh cửa. Thẫn thờ trong giây phút rồi lặng lẽ dắt xe đi, được một khoảng xa… rồ máy trở về nhà. Đêm đầu tiên trong đời thằng con trai mới lớn ngủ trong mộng mị êm đềm.
***
Hoàng học một ngày hai buổi, thế là thời khóa biểu được sắp xếp, mỗi ngày qua nhà Nhỏ bốn bận… mặc dù phải đi ngược đường tới trường. Ồ mà không sáu bận, vì đêm đêm lẳng lặng đến trước nhà nhỏ để được ôm trọn bóng dáng thơ ngây ngoan hiền của nhỏ đang học bài. Rồi ngơ ngẩn ra về cho đêm tròn giấc .

Một năm âm thầm trong đón đưa, nhưng nhỏ vẫn không hay, chưa bao giờ nhỏ phát hiện ra. Vô tình quá vậy nhỏ? Nhưng Hoàng nghĩ cũng không thể trách vì con bé còn măng non, vô tư lự, chỉ mới vào đệ Thất thôi mà.

Hai năm trôi qua, nhỏ trổ mã, cái nét trong sáng, nhu mì của nhỏ đã thu hút mãnh liệt, mỗi phút giây hình ảnh nhỏ lẩn quẩn trong đầu không thể nào quên. Bên bạn bè Nhỏ luôn hồn nhiên liếng thoắng nhưng lúc đi một mình trên phố, Nhỏ có một nét nghiêm nghị đến toát người mà bao lần Hoàng chẳng dám nói chi. Lồng ngực như thể muốn nổ tung, Hoàng muốn thét lên cho cả phố Vĩnh Long nghe “Tôi yêu Nhỏ mất rồi!”

Một hôm tan trường Hoàng làm liều chạy kè bên: “Cho làm quen nhe Nhỏ.” chỉ nói thế và co giò đạp xe chạy thật nhanh không dám chờ câu nhỏ đáp. Sau câu nói hai tai Hoàng nóng bừng, tim treo lơ lửng, gõ nhịp liên hồi, hơi thở đứt quãng như thể hụt hơi.

Thế là từ hôm ấy trở đi, cái vô tư của nhỏ đã bị Hoàng chen vào. Nhỏ thẹn thùng mỗi khi Hoàng lạng xe qua lại để đưa nhỏ về đến nhà. Mắt Nhỏ dí xuống đường như trốn tránh cú sét từ đôi mắt và nụ cười của Hoàng đọc được lòng nhỏ hình như đang xáo trộn?!

Ba năm trồng cây si, niềm vui sướng bỗng tràn ngập tâm hồn vì những buổi lẽo đẽo theo đã được nhỏ để tâm, những lúc đối diện trên đường vắng, đôi mắt nhỏ sâu hút xuyên vào tim Hoàng. Nhỏ nhìn không trốn tránh, trong ánh mắt như muốn nói, nhỏ đón nhận tình Hoàng. Khi Hoàng mỉm cười đáp lại con bé chợt bối rối cắn môi, cúi đầu như bị bắt quả tang. Thì ra Hoàng cũng được chút cảm tình?!

Những năm của bậc đệ Nhất cấp đã qua, tình yêu này cũng lên lớp. Nhỏ cao hơn, tha thướt uyển chuyển hơn với chiếc áo dài lụa trắng, tiếng guốc rộn ràng khua trên sỏi, chiếc cặp đen e ấp dáng hiền. Đôi khi Hoàng thầm ghen với chiếc cặp ấy và ao ước được làm làn gió mát ve vuốt tà áo lụa mềm, nhẹ thổi cho áo vờn bay, để đôi tay Nhỏ níu gió vướng áo tơ. Thời gian cũng vụt qua nhanh, thế mà lời yêu của Hoàng vẫn dậm chân tại chỗ, không thể thốt nên lời.

Một tuần bảy ngày, là đủ bảy đêm hạnh phúc, chờ đợi trong bóng đêm thanh vắng. Tiếng xe gắn máy quen thuộc rà chậm trước ngõ nhà nhỏ không còn đơn độc nữa, vì ánh mắt nhỏ ngước lên đáp lại xuyên qua khung cửa sổ. Hình như nhỏ cũng có cảm giác bồn chồn đợi mong?        
                                                                           

Một buổi sáng nắng cười, Lớp học lao xao vì năm cô nữ sinh như những nụ hoa đâm chồi trong sương khoe sắc long lánh bước vào lớp Hoàng, Hoàng giật mình có cả nhỏ đi theo, trên tay một chồng Báo Xuân. Đôi mắt nhỏ sáng như nắng, môi nhỏ hồng trong suốt như sương, Nắng dịu dàng từng giọt lấp lánh sắc màu chào đón xuân sang.

Các cô bé áo trắng từ trường Tống Phước Hiệp đến bán Báo Xuân. Sau khi trình thơ giới thiệu với Thầy. Một nhỏ dạn dĩ giới thiệu về quyển báo, bốn nhỏ kia đi từng bàn mời xem báo trước khi mua. Chúng bạn Hoàng câu giờ để được hạch sách các cô bé “trả thù” mấy hôm trước trường Kỹ Thuật sang bán báo cũng bị các cô bé quay tơi bời … xanh máu mặt. Vậy mà hôm nay nhỏ nào nhỏ nấy trông cũng “ hiền” ghê.

Cả lớp như đàn ong vỡ tổ, huýt sáo, trêu cợt các nàng… và yêu sách các cô bé phải ký tên vào tờ Báo Xuân. Hoàng giả vờ lật tới lật lui xem mãi để được nhỏ đứng cạnh bàn, tận hưởng cái hồi họp lẫn xuyến xao. Thật tội cho nhỏ phải chịu cực hình chờ đợi nhưng nhỏ có thấu lòng Hoàng cũng đã lên tận đầu đài chờ nhỏ, mà không bao giờ biết mình bị xử thế nào không?

Hàng mi đen mượt khép nhẹ khi nhỏ cúi xuống viết lên trang báo, mái tóc tém không che hết phần thanh tú, trắng hồng của gương mặt, đôi tay trắng loáng dưới tia nắng ngoài hành lang xuyên vào lớp, thoang thoát viết đề tặng và ký tên, nét chữ phăng ngang, múa dọc như đôi chim uốn lượn. Ký xong nhỏ trả cây viết lại, Hoàng vội lấy xoay xoay trong tay mình mà ngỡ như cầm được tay ai.

Các cô bé cáo từ ra về với lời cám ơn dễ thương. Bỗng thằng bạn trong lớp đứng lên dõng dạc đề nghị. 
“ yêu cầu các bạn, mỗi người hát một bài thì chúng tôi bao hết số báo hôm nay”. Lời đề nghị được hưởng ứng lập tức, cả lớp vỗ tay tán thưởng bạn mình "mày ăn gì mà hôm nay thông minh dữ vậy!”. Nó càng vênh mặt ra vẻ ta đây “ thông minh từ tiền kiếp mà”.

Năm cô bé nhìn nhau cười bằng mắt và ưng thuận. Lần đầu tiên nàng cười, nụ cười tươi nhất, hồn nhiên nhất trước mặt Hoàng và chiếc răng khểnh đã cắn ngay quả tim làm Hoàng gục ngã vô điều kiện.
Bốn cô bé có những giọng hát lúc bổng lúc trầm, làm những gương mặt mấy tên con trai ngớ ra, hồn lạc phách bay… Đến phiên nhỏ, đôi tay đan vào nhau như cố thu hết can đảm, cố gắng bình tỉnh trước đám đông, giọng hát trầm ấm cất lên… Hoàng hết sức bất ngờ.

Màu nắng hay là màu mắt em, mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng nắng bóng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên…..
…………………………………
Chiều đã đi vào vườn mắt em, mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng, để nắng đi vào trong mắt em
Và nắng bây giờ trong mắt em… (**)

Lúc chấm dứt bài hát, đôi mắt nhỏ lướt nhẹ và kín đáo dừng lại mắt Hoàng. Hoàng choáng ngợp, không còn hơi để thở, đôi tay không còn sức để vổ hoan nghênh tiếng hát nàng. Bất giác Hoàng cười dịu êm, lòng lâng lâng sung sướng.

Tiếng hoan hô nồng nhiệt, thầy im lặng từ phút đầu, nhẹ nhắc nhở “ các em nhỏ tiếng cho lớp kế bên học”. Nhỏ trưởng nhóm xoay người “cám ơn thầy và cám ơn các bạn đã ủng hộ báo nhiệt tình …” . Bỗng nhiên các cô bé khệ nệ bưng nguyên thùng báo để ở ngoài cửa vào… Thầy bậc cười thành tiếng, lớp học la “ Trời…!”, một đám xây lố cố đè đầu thằng bạn đã dại dột đề nghị mua hết số báo hôm nay…..“ cho mầy chết…cho mày chết… đồ ngu tiền kiếp nè….” Hoàng nhìn nhỏ lắc đầu cười …nhỏ cười cười đắc ý…. Lời nói như đóng đinh vào cột, cả lớp đành móc túi …gom hết hầu bao để chứng tỏ đấng nam nhi…lỡ dại một lần và … tới già …vẫn còn tái diễn không chừng.

Nhỏ xoay lưng ra về mang theo hồn Hoàng nhưng nhỏ bỏ quên lại ánh mắt. Hoàng bắt đầu biết cuộc đời mình quan trọng kể từ đây. Ánh mắt lung linh trong suốt như thủy tinh của nhỏ đã khoác lên người Hoàng chiếc áo mùa xuân mới tinh anh. Mùa Xuân thay áo!

Em chợt đến mùa xuân thay áo
Lá đâm chồi xanh biếc tình ta
Gió đầu mùa trên cánh môi hoa
Chim khẽ hát tình ca dào dạt.
***
   Một buổi sáng thứ Bảy, Hoàng gặp nhỏ đi học. Nhỏ dắt xe lên giữa đoạn Cầu Lầu ung dung đổ dốc. Hoàng kè lại làm quen. Nhỏ thắng xe… run giọng bảo: “Không thích anh theo thế này, nếu được mời anh đến nhà trò chuyện.” Hoàng chới với, cứ ngỡ nhỏ mắng cho một trận nhưng kết quả đẹp không ngờ. 

   Năm năm trời ôm ấp một mối tình, tuy biết nhiều người con gái nhưng nhỏ là một mối tình si đậm nhất. Sau lưng nhỏ cũng có khối cây si nhưng hình như nhỏ vẫn còn là con chim sẻ líu lo chuyền cành hát ngu ngơ trong vườn xuân. Không bỏ lỡ cơ hội, sáng Chúa Nhật, Hoàng đến thăm … 

Nhỏ như ốc tiêu thế mà không hiểu vì sao Hoàng run, lo sợ khi bên cạnh nhỏ. Nhỏ cũng rụt rè tiếp đón Hoàng, cảm giác bồi hồi lẫn e thẹn làm hai đứa không nói được gì chỉ mỉm cười vu vơ… 

Tình Hoàng vẫn là bài toán nhân theo cấp số, tiếp tục theo đuổi, ấm mộng xây mơ cho đến khi Hoàng rời mái trường tỉnh lỵ vào Đại học Sài Gòn. Mỗi khi về lại Vĩnh Long không kịp về nhà, Hoàng co giò chạy nhanh đến nhỏ. 

Tám năm trôi qua, Nhỏ vẫn đón Hoàng với nụ cười tươi, tình đằm thắm nhưng hai đứa chưa bao giờ nói tiếng yêu, chưa một lần dạo phố, chưa một cái chạm tay. Mối tình của hai đứa nhìn nhau thay lời nói. Tại sao? Tại Hoàng nhát hay tại sợ nói ra sẽ mất nhỏ? Bởi lẽ nhỏ quá thánh thiện, Hoàng không dám quấy đọng tâm hồn thơ ngây của nhỏ. Chờ thôi nhỏ nhé! Chờ bao giờ có một tương lai sáng lạng Hoàng sẽ mang nhỏ về với tất cả trân quý thương yêu. 

Sau năm 1975, thời cuộc đã chôn vùi bao kỷ niệm, cuộc đời đã cuốn mất tuổi mộng mơ, hoàn cảnh đổi thay cuốn theo người con gái năm xưa đi mất dạng. Người con gái mà Hoàng gọi mãi một tên riêng “Cô Làng Văn Thánh” thật dễ thương, để ghi lại tên một con đường, một căn nhà mà Hoàng đi mòn lối. Nhưng giờ đây Hoàng không dám đi lại con đường xưa, không dám nhìn vào khung cửa sổ mà bao đêm ôm ấp tuổi mông mơ... Hoàng đã để mười năm yêu nhỏ ra đi trong lặng lẽ, quạnh hiu. 

Hoàng cũng trôi nổi theo dòng người ra đi. Nhịp sống mới không còn cơ hội cho Hoàng nói tiếng yêu, khi tình cờ cả hai gặp lại trong một tiệc cưới người bạn nơi xứ người, và nhỏ đi bên cạnh chồng. Cả hai nói với nhau bằng tim và mừng nhau bằng mắt… Hoàn cảnh này Hoàng như người đi chổng đầu xuống đất và đôi mắt xa xăm năm nào cũng đang ngược xuống bám mãi không thôi. 

  Từ nhà hàng bước ra về, đêm khuya náo nhiệt nơi đất khách. Hoàng đi trong âm thầm mang cảm giác vắng lặng, cô đơn, tuyệt vọng, đôi tay buông xuôi rã rời. Tuy không nói nhưng đôi mắt u uẩn chiều này của nhỏ thầm trách móc… Bao nhiêu dĩ vãng của khoảng thời học trò ùa về mang theo dáng nhỏ, gương mặt hồn nhiên, ánh mắt dịu dàng đã in sâu vào tâm khảm… Trong nuối tiếc, Hoàng cảm thấy mình có lỗi không thể phân bày. 

Cơn mưa cuối mùa đổ xuống… Mùi âm ẩm của mặt đường bốc lên quen thuộc như hôm nào làm tâm hồn rát buốt, ngước mặt lên trời Hoàng hét to, nghẹn ngào nước mắt hoà theo mưa.. . Đau nhói cả lòng, xót xa cho cuộc tình đã mất. 

Hôm sau Hoàng lại một lần âm thầm rời xa thành phố, nơi nàng đang sống để trốn chạy lòng và tự khoác cho mình chiếc áo bạc màu xanh.   
      
                       

Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm
Bài hát bâng khuâng, bài hát mang bao kỷ niệm, những ngày đã qua … (***)

Sáng nay vừa thức dậy, nắng bên ngoài cửa sổ ùa vào, lung linh soi vào tim Hoàng một giọt nắng đầu ngày. Tiếng hát của ca sĩ Thùy Dương từ chiếc máy hát phát ra nhè nhẹ, nhừa nhựa chạm lòng, đã bới lên đóng tro kỷ niệm, tiếng ca của Nhỏ trong lớp học năm nào cũng chất chứa chất nhựa đậm đặc đã quện vào tim Hoàng không tẩy xoá được dù thời gian lạnh lùng trôi.

Bài hát rêu phong, bài hát viết không nên lời đã vội lãng quên
Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng giờ bình yên
Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên
Trả lại cho tôi trả lại cho em trả về hư không giọt nắng bên thềm. (***)

Thấm thoát Hoàng đã sống hơn ba mươi mùa xuân trên đất khách. Mỗi khi Tết về, nơi đây không có gió đầu mùa, không có nắng nhạt vàng bao phủ khung trời chiều Ba Mươi Tết ở quê mình. Tất cả mất hút… Riêng hình bóng nhỏ vẫn là mùa xuân, kỷ niệm mãi ngự trị trong ký ức Hoàng đậm nét. Hoàng mang ký ức xưa ra đánh bóng, trang hoàng như ở Việt Nam chuẩn bị đón Xuân.

Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng giờ bình yên
Bài hát tìm trong mắt biếc từng chiều hoàng hôn
Còn lại trong tôi còn lại trong em chỉ là lung linh.. giọt nắng bên thềm. (***)

Tiếng hát như tiếng gọi mơ hồ… lại khoác cho Hoàng chiếc áo Xuân xưa. Gom nắng nhốt hồn mắt nhỏ, nụ cười hồn nhiên rạng rỡ của nhỏ, vẫn lung linh trong nắng còn sót lại bên thềm, trong nỗi nhớ của ngày Ba Mươi Tết!

(*) Nhạc phẩm Cỏ Hồng của Nhạc sĩ Phạm Duy
(**) Nhạc phẩm Nắng Thủy Tinh của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
(***) Nhạc phẩm Giọt Nắng Bên Thềm của Nhạc sĩ Thanh Tùng

Kim Oanh
Mùa Xuân Canh Dần 2010

 
 ***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links







Quốc Việt Chúc Xuân Giáp Ngọ


Thơ Tranh: Gọi Thầm


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Những Màu Áo Mùa Xuân




Mùng ba em mặc áo xanh ...
Chùm hoa đào thắm trên cành chào xuân
Hàng cây dài nỗi bâng khuâng
Như ta ...vẫn mãi ngại ngần lời yêu

Mùng bốn em áo xanh rêu
Trái tim vẫn có nhiều điều thiết tha
Đưa tay hái nụ qùynh hoa
Trao em kỷ niệm món qùa yêu thương

Mùng năm áo tím vấn vương
Vàng tươi mai mở rợp đường nhà ai
Ừ thì xuân bất tái lai
Quên đi ngọn gió u hoài cuối đông

Mùng sáu áo đỏ sang sông
Em cô dâu giữa pháo hồng vương bay
Thế là xuân tận từ đây
Tình như sương khói tháng ngày yêu em ....

Khiếu Long


Câu Đối: Xuân Giáp Ngọ - Huỳnh Hữu Đức


Câu Đối: Huỳng Hữu Đức
Trình Bày: KimOanh

Anh Tuấn Chị Yến Chúc Xuân 2014

Anh Tuấn Chị Yến

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Tặng Phẩm Mừng Xuân Từ Gia Nghĩa - Đài Loan



CHÚC MỪNG NĂM MỚI

      Cha Peter Dương Bá Hoạt và Cecilia Huang (Thư ký của Cha và Thư Ký Tòa Giám Mục Giáo Phận Đài Trung)
      Xin gởi đến các bạn như một Tặng Phẩm Mùa Xuân từ Gia Nghĩa, Đài Loan.
      Những tấm thiệp Xuân hơn 40 năm trước
      Chúc Mừng Năm Mới đến Quý Cha, Quý Tu Sĩ và toàn thể Giáo Dân,
      Đặc biệt đến Quý Bạn cùng lớp Xuân Bích Vĩnh Long 72

     Tấm thiệp Xuân này do Sr Marie Kim Hạnh (dòng Trinh Vương, em ruột LM Nguyễn Kim Ngôn, địa phận Đà Lạt 
      Sr Hạnh, Cử Nhân Toán, dạy học và trông coi cư xá Sinh Viên tại đồi Mai Anh) gởi cho nghĩa đệ Peter Hoạt ngày 30-03-1975. Và hoàn toàn mất liên lạc từ đó đến nay.





Thiệp Xuân: Sr Marie Kim Hạnh
Lưu Giữ: LM.Peter Dương Bá Hoạt
Chuyển: Cô Cecilia Huang
(Thư ký của Cha và Thư Ký Tòa Giám Mục Giáo Phận Đài Trung - Gia Nghĩa Đài Loan)

* * * 
      Cha kính mến.
      Con chân thành cảm ơn Cha Peter  Dương Bá Hoạt, lớp Xuân Bích Vĩnh Long,  đã lưu giữ được những hình ảnh của hơn 40 năm về trước. Một món quà Xuân vô giá.
      Nhân dịp Năm Mới Giáp Ngọ về, con kính chúc Cha và gia đình cô Cecilia Huang hưởng một Mùa Xuân An Lành, nhiều sức khoẻ.

      Kính Cha
      Con Lê Thị Kim Oanh

Mộng Chiều Xuân - Nhạc Sĩ Ngọc Bích - Ca Sĩ Loan Châu



Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Nhạc Sĩ: Ngọc Bích
Ca Sĩ: Loan Châu
Thực Hiện: 0ocatbuio0

Trăng Rụng Xuống Cầu


      Sau ba tháng học hè ở Sài Gòn, chuyến xe đò Nhan Nhựt đưa nàng trở lại Vĩnh Long, đến bến Mỹ Thuận, nàng thích làm kẻ bộ hành lang thang cuốc bộ qua phà chờ xe. Đúng lúc có đoàn công binh cũng sang sông thì thời gian chờ đợi dài thêm. 
      Thế là nàng có thời gian quan sát người qua lại, người vội vã tức mình cau có, người đi chơi bình thản nhìn xa, nghĩ gì, tìm gì? Chắc là mỗi tâm trạng khác nhau!.

      Từ trong cái ồn ào náo nhiệt đó, len lỏi và gây sự chú ý của nàng là tiếng hát trong trẻo người vợ hòa với tiếng trầm ấm của chồng cộng thêm ngón đàn réo rắc của ông. Nàng quay về hướng ấy thì bắt gặp dáng dấp yếu đuối của ông dẫn đường cho bà, họ tìm kế sinh nhai trên chuyến phà. Tiếng hát ấy đã quá quen thuộc trong những chuyến đi, cho nàng một thoáng nhẹ nhàng khi chờ đợi, dìu nàng vào một cuộc sống bình an, một sức sống trổi dậy. Trong túi tiền hẹp té của nàng, nàng cũng không quên cảm ơn người đã đem tiếng hát thanh thoát làm vui cho kẻ lạ, nhẹ cho vào chiếc lon vài đồng xin hậu tạ. Ông cất tiếng: 
- Cám ơn cô.
      Uyên tự hỏi “Ông bà là ai, con cháu có không? Không ai rõ về họ, hay chẳng mấy ai để mắt quan tâm?" Nàng cảm nhận một điều, người chồng là đôi mắt của vợ, hình ảnh này biểu hiện lòng thủy chung và nương tựa lẫn nhau. Lời ông thốt tiếng “cảm ơn cô” đã để lại nét thanh cao trong cuộc sống bần hàn của họ.
Chuyến phà chiều nay về quá muộn, trời chạng vạng tối, lại gặp ông bà, cũng từ hôm ấy nàng thầm gọi ông bà là đôi danh ca Ngọc Cẫm và Nguyễn Hữu Thiết, tiếng ca mang về một khung trời thanh bình trong chiến cuộc hôm naỵ.

Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái
Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài
Mái chèo khoang thai, trên sông hai màu
Con thuyền về đâu
Ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu
Vì đâụ? Ô hay, sao trăng rụng xuống cầu (*)




      Nhìn dòng sông Mỹ Thuận, cánh hoa lục bình tim tím lững lờ trôi, ánh trăng bắt đầu len vào ráng chiều soi làn nước lóng lánh sắc màu, trên dòng nước ngà như một cơ thể sống, lan nhẹ vào lòng. Nàng, một cô bé chưa va chạm với đời, chưa biết gian nan thử thách, chỉ biết nhìn trời mây nước bao la rồi thả tâm tình mơ mộng miên man, hòa theo lời ca tiếng nhạc.

Đêm nay bao con thuyền về ngang bến vắng
Cô em hát lên rằng dừng chân hỡi chàng
Hỡi chàng chiến đấu!
Nắng mưa dãi dầu
Đừng vội về đâu
Trăng vui nên trăng rụng xuống cầu
Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu (* )


      Bài hát chưa kịp hết, phà đã gần bờ, nàng vội cho vào lon vài đồng để tỏ lòng biết ơn của người cho và người nhận. Chiếc lon hôm nay vang lên hai tiếng vọng, nàng ngẩng đầu nhìn vội xem người đồng cảm ấy là ai?
Trong bộ quân phục hoa rừng, chiếc ba lô trên vai của người lính, trông anh oai hùng làm sao, gương mặt trẻ măng như một thư sinh, trên tay cây đàn cũng nghệ sĩ vô cùng.
      Ngạc nhiên hơn, hôm nay nàng nhận thêm được ba tiếng “ cảm ơn cô ” từ người đồng cảm. Kèm theo ánh mắt rộn ràng làm nàng lúng túng. Rồi líu ríu đáp lời “cảm ơn chú”.
Nàng rảo bước rời phà… người ấy rảo theo. 
- Cô bé nè, bộ tôi già lắm sao?
Trời ơi, hỏi chi mà khó trả lời, chẳng lẽ khen người ta trẻ. Nàng nhẹ lắc đầu.
- Vậy sao gọi tôi là chú?.
- Dạ, tại má ở nhà hay gọi “chú lính”.
      Trong tiếng cười người ta làm nàng thẹn đỏ mặt, có gì sai đâu nè. Lên xe, nàng thở phào nhẹ nhỏm “ thoát nạn không phải bị hạch hỏi lôi thôi…”
      Xe lăn bánh, bỗng nàng nghe tiếng xin đổi chổ với người ngồi cạnh , thì ra là “chú”. Trời ơi, mặt trời đã khuất từ lâu, sao vẫn chiếu… cố thế này.
- Xin phép cô bé nhé!
Nàng nói thầm “đã ngồi rồi còn xin với xỏ gì nữa”.
- Cô bé nè, ở nhà má gọi “chú” đấy là “chú em”.
- Vậy bây giờ Uyên gọi “chú anh” vậỵ
- À Uyên! Xin hân hạnh làm quen với Uyên, tên đẹp quá!
      Nàng không dám mất lịch sự, thầm bảo lòng “xạo quá chú ơi”. Nàng cũng chả hiểu vì sao lại buột miệng xưng tên, có lẽ nào… người ta đã tạo được niềm tin nhanh đến thế sao?
- Xin giới thiệu anh tên Huấn. Được nghỉ phép về thăm quê ngoại. 
      Trên đoạn đường ngắn trò chuyện ngượng ngùng, xa lạ…từ từ nhường chỗ cho thân quen và gần gũi. Anh bắt đầu kể về đời sống nhà trường, quân trường, chiến trường, những ước vọng cho quê hương, tương lai trong cuộc đời chiến binh bình dị.
Nàng cũng huyên thuyên kể chuyện học đường, chuyện thường tình của con gái sáng nắng chiều mưa, không biết lúc nào cả hai đã trao đổi những mẩu chuyện ngộ nghĩnh, nhịp nhàng mang đến niềm vui.

(Bến xe Vĩnh Long trước 1975)

      Xe đỗ bến Vĩnh Long, nàng nghe tiếng anh thở dài, một chút luyến tiếc, nàng ái ngại nhìn, lần đầu bất chợt rùng mình vì ánh mắt chạm nhau, và cũng run run nhip tim… man mác buồn vui lẫn lộn. Nàng không dám hỏi anh về đâu, nhà Ngoại anh ở chỗ nào nhưng lòng rất muốn. Nàng ngại ngần vì là… con gái. Con gái thì sao nhỉ? Anh mang hành lý hộ nàng, vẫy gọi cho chiếc xe lôi để về nhà.
- Uyên muốn xe về đâu?
- Về Kho Dầu Cũ.
Bác phu xe hỏi:
- Kho Dầu Cũ mà khúc nào cô?
- Dạ, ngang nhà xe Vĩnh An đó bác.

      Chào tạm biệt, xe đi rồi nàng nuối tiếc ngẩn ngơ, vì cái điểm kỳ lạ của con gái.. Giả vờ, vô tình hay mắc cở? Còn cơ hội gặp lại anh chăng? Nghiêng người nhìn lại anh đứng tiễn nàng, ánh mắt dịu dàng, nụ cười hiền hậu, bất chợt nàng cảm nhận hình như có điều gì thay đổi trong tâm tư, cái thơ ngây, vô tư hình như đã nhuộm màu…lưu luyến.
Đêm nay ánh trăng treo trong vắt, tự nhiên cái êm ái, ngọt ngào… nàng tự hỏi lòng “Con thuyền về đâu? Ô hay, vì sao tim em rụng xuống cầu có phải chăng!?"
*** 
      Đêm qua, cuộc hội ngộ đầu tiên như đã thôi miên, nàng ngủ no say… Sáng nay mắt nhắm mắt mở nàng tưởng vẫn còn mơ, trong phòng khách kế bên, nghe tiếng má nàng trò chuyện, vui vẻ, cởi mở, rồi tiếng nói quen thuộc làm nàng vừa lo sợ vừa reo vui. “ Chú ấy”
      Lắng nghe những mẩu đối thoại của má và người ta. Nàng bỗng bật cười, thầm nói “đáng đời hôm qua làm bảnh tra hỏi người ta, hôm nay bị má thẩm vấn cho biết”.
Nàng sửa soạn tỏ ra nhàn nhã, nhưng cũng không kém phần vội vã gặp anh và cố tình gây tiếng động.
- Chắc nó thức rồi, cháu ngồi chơi. 
Tiếng chân má bước gần đến gõ cửa phòng. 
- Uyên ơi,con có bạn đến tìm.
Nàng mở cửa phòng, giọng nói vờ như ngái ngủ.
- Dạ,bạn con đến lúc nào, sao má không đánh thức con?
- Bạn con muốn để con ngủ, má trò chuyện cho biết gia đình cậu ấy,

      Đấy là chiến thuật của má, mỗi khi nàng có bạn trai đến nhà, má là người đầu tiên tiếp đón, má rất tôn trọng con cái, là tuýp người xưa nhưng tâm hồn rất trẻ trung, hoà nhã với tất cả bạn bè của con. Sau mỗi lần điều tra khéo léo, nếu ai yếu bóng viá thì chạy mất. Má nàng không bao giờ ngăn cấm con quen biết bạn trai nhưng phải mời về nhà trò chuyện đàng hoàng, để má dễ kiểm soát đấy mà, sau khi má tiếp xúc thì thể nào cũng có đôi điều ý kiến về phong cách của bạn con, rồi tùy con quyết định. Nhưng kết quả thì muôn lần ý kiến má vẫn thu phục được con. 
Nàng ra tiếp chuyện, tủm tỉm cười:
- Anh khác hôm qua nhiều quá.
- Khác gì cơ?
- Hết là chú rồi.
Anh cười :
- Cảm ơn Uyên.
- Sao anh biết nhà Uyên?
- Uyên cho ông chạy xe lôi địa chỉ tối qua mà.
- Anh …quá quắt!
- Lính mà em!
- Lính thì sao?
- Anh ranh mãnh “lính tính liền” không mất thời gian.
- Nàng nũng nịu “anh chế nhạo người ta!” 
- Anh mặc màu áo học sinh, trông anh ai bảo là chiếc sĩ lặn lội với gió sương.
- Anh sợ em gọi anh là “chú ” nên giả dạng thường dân đấỵ.


      Thế là ngày nào anh cũng ghé thăm nàng, vì thời gian về phép không nhiều với hai tâm hồn cùng một hướng đi. Má nàng rất quý anh, vì anh dễ thương hay vì anh là lính chiến trường? Vâng cả hai đều đúng! 
      Anh xin phép đưa nàng về thăm Ngoại ở Cổ Chiên, vườn cây xanh ngát, không khí trong lành. Đêm nóng nhưng gió mát từ sông thổi lên làm tan dịu đi cái oi bức, ngồi tựa vai nhau nhìn ra dòng nước, trăng đang soi mình trên con nước, lóng lánh chập chờn, anh nhịp nhàng đánh đàn, cất tiếng hát. Chất giọng ấm nồng, nàng lạc vào một vùng trời thanh bình, lòng lâng lâng, hạnh phúc chan hoà. 

……Hỡi bao con đò!
Đêm nay trăng soi trên sông lờ đờ
Mang theo bóng cờ
Ngày về chiến thắng ánh trăng làm thơ
Hỡi! Trăng mơ màng
Sao trăng êm soi trên con thuyền chàng?
Trăng rơi đầu làng.
Đợi thuyền chiến thắng sóng tách đôi hàng
Hò khoan! Hò huê! (*)


      Ước mơ ấy có phải là ước mơ của bao người lính chiến, cùng là mơ ước của những người yêu của lính? Tiếng đàn vừa ngưng thì cái tĩnh lặng bao trùm lên hai tâm hồn, nàng biết mình sắp làm người chờ đợi bước chân anh. Còn anh trên vai mang nặng tình quê hương, chiếc ba lô chứa thêm một khối tình và một kỷ niệm nhớ đời trên chuyến phà. Chuyến phà ân tình phải không anh!?. Xa xa dòng nước yên ả trôi... nhưng đôi lòng dường như dậy sóng.

***
      Sau những ngày hạnh phúc quen nhau, yêu nhau, anh khăn gói lên đường, làm tròn bổn phận người con của Tổ Quốc. Một chuyến đi xa …xa biệt, những cánh thư từ chiến trường về là động lực giúp nàng mài miệt với bài vở, những đêm khuya chiếc radio với chương trình Dạ Lan, nàng âm thầm rơi nước mắt…nhớ anh nhớ quá đi thôi. Rồi lo sợ …rất sợ khi nghe “Ngày mai đi nhận xác chồng, quay đi để thấy mình không là mình…”. Sau mỗi đêm học xong, nàng không quên viết cho anh một lá thư dày, nén nỗi buồn để kể chuyện vui, cho anh quên đi ngày tháng xa nhau, xoa bớt những âu lo cho vận mệnh nước nhà.

      Thư từ chiến trường càng ngày thưa …thưa dần …khi chiến cuộc ngày càng leo thang. Ruột gan nàng nôn nao, cồn cào…lo lắng. Đêm thâu ngồi học bài, bất chợt nàng lo nghĩ xa xôi… nhưng cố tìm một chút gì gần gũi bên anh qua ánh sáng của hỏa châu. Nhưng tư tưởng lại nhanh chóng tan nhanh như ánh sáng ấy … từ từ rơi và tắt lịm trong màn đêm.
Rồi cái ngày nàng thấp thỏm lo âu cũng đến, khi hay tin những địa danh Miền Trung từ từ bị mất, nàng như kẻ vô hồn, tình hình diễn tiến càng lúc như trời long đất lở.

      Tháng Tư 1975 thật sự đã bặt tin anh … Những chuyến tàu từ xa xôi đổ về trên bến Bạch Đằng ở Sài Gòn đều có mặt nàng. Nhưng hỡi ơi! Nàng luôn là người cuối cùng rời bến trong thổn thức xót xa. Khốn cùng nàng hy vọng một điều dại dột, thôi thì anh trở về dù “trên đôi nạng gỗ” hay là… ít ra cũng còn thấy anh lần cuối…dù là “cỗ áo quan” …Còn đau xót nào hơn nữa không anh!
Một năm trôi qua, nàng nuốt lệ, tự oán trách mình sao chưa lần nào được đến nơi đóng quân của anh…để chia xẻ, để hưởng những mặn nồng gian khổ có nhau.

      Làm sao được, vì nàng chỉ là cô học trò nhỏ, một người yêu bé bỏng, yêu anh, nàng chấp nhận đợi chờ, chờ đợi một lời hẹn ngày anh trở về trong chiến thắng để được trọn một đêm trăng vui. Chiến thắng chẳng đến và người cũng bặt mù khơi. Có phải vì lời thề chiến thắng mà anh đã phải trốn nàng, đã không chấp nhận được cái thất hứa hôm nào? Giờ này anh ở đâu? Anh có còn đủ thời gian, nghị lực và chút riêng tư để nghĩ đến người con gái này hay không? Hay là anh đã mãi mãi ôm ý nghĩ về nàng đi qua cõi bên kia? Những câu hỏi cứ chất chồng, dày đặc mà Uyên không bao giờ tìm được câu trả lời. 
      Đêm vẫn đi qua trong cuộc đời lam lũ của người dân xứ bại chiến. Những lo âu của một ngày mới sẽ lại đè nặng lên đôi mắt mọi người. Uyên vẫn thừ người nhìn dòng đêm dần cạn. Nàng tự nhắn nhủ. “Anh ơi! Trăng không vui nên trăng rụng mất rồi .Thế là anh ra đi biền biệt. Anh ở đâu, em phải làm sao? Đã thật sự mất anh? Rồi mai đây đường đời em biết làm sao khi một mình lặng lẽ bước đi?” 

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một và không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia (1)
***

      Uyên thầm lặng bước ra đi, bỏ lại những tang tóc muộn phiền, bỏ lại những dấu chân kỷ niệm. Nàng đành ra đi với mảnh đời đơn độc. Rồi lặng lẽ một chiều trở lại lối xưa. Ba mươi năm trước cũng dòng sông này, con nước kia nhưng người xưa không còn, chiếc phà Mỹ Thuận cũng đã theo anh trôi đi biền biệt. Bỏ lại đây, thay vào chiếc cầu tân kỳ, tiện lợi, rút ngắn thời gian, thay đổi cả không gian. Cầu bắc nhịp đôi bờ cho người từ phương xa về, nhưng sao không xoay lại được thời gian, không bắt nổi một nhịp tình trên bến xưa?

      Nàng trở lại Cổ Chiên, thăm ngoại nhưng ngoại anh đã vĩnh viễn ra đi, trong xóm không ai biết gì về anh cả, mưa sụt sùi, như hờn tủi cùng nàng. Lê bước đi lòng nặng chịt, lên chuyến phà Đình Khao để tìm lại chút dư hương. Người ướt như chuột lột, mưa đầy mặt hay là nước mắt nàng tuôn!
      Dòng sông cũng nặng nề chầm chậm trôi, hạt mưa rơi tạo thành những cánh chuồn chuồn trắng xoá dòng sông. Nàng bỗng thấy bóng anh lờ mờ ẩn hiện từ những bọt vỡ toang, cũng từ tiếng bọt vỡ như là tiếng đệm đàn lướt theo giọng hát của anh. Dòng sông trôi đi và anh cũng trôi theo từ bọt sóng vỡ.


      Đêm nay là đêm cuối cùng ở Sài Gòn, nàng rời Việt Nam trở về nơi xa xôi bên kia Đại dương, tiếp tục thui thủi sống thêm những ngày tháng thầm lặng …mà những đêm chợt thức giấc nàng như bị chôn vùi vào bốn bức tường lạnh ngắt. Xua đuổi đi bi luỵ nàng tìm đến tụ điểm nghe nhạc, yêu cầu bài hát Trăng Rụng Xuống Cầu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để tìm một niềm nhớ, lấy một nỗi buồn hòa với gương mặt hiền từ, ánh mắt thiết tha trong di ảnh của anh.
      Một người nghệ sĩ với ngón đàn ngọt ngào, giọng hát lúc bổng lúc trầm, nàng chừng tỉnh táo. Có phải là anh? Chợt bàng hoàng, hình dáng người chiến sĩ ngày nào làm sao xóa được trong tim, anh hiên ngang, lịch lãm, Hôm nay hình dáng của người nghệ sĩ vóc dáng hao gầy, nhưng nét kiên cường vẫn không mất nơi anh.
“Huấn ơi! “Anh đã về từ ngục tối hay mộ sâu…” thật sự em vẫn còn anh sao???”
      Nàng lảo đảo … len lỏi qua những bàn vào bên trong, hỏi xem có đích thực là anh. Đúng là anh rồi! Tim nàng đau thắt, lòng rối như tơ vò. Đầu óc hỗn loạn. Phải làm sao, hoàn cảnh anh như thế nào, cuộc sống ra sao? Bao nhiêu câu hỏi không tài nào tháo gỡ được.
     Tiếng vỗ tay vang dội thức tỉnh nàng. Anh bước vào, nàng đứng bật dậy nhìn anh trân trối. Người chủ bảo:
- Anh Huấn có người quen tìm.
- Ai thế anh? 
      Anh, vẫn nụ cười đôn hậu, cũng giọng nói ấm nồng, nhưng ánh mắt thiết tha, linh động đã tắt, anh không còn nhận diện ra nàng. Nàng cũng không nhìn được anh vì nhoà nước mắt. Nàng không thốt nên lời, muốn ôm chầm lấy anh, nhưng hoàn cảnh anh có cho phép nàng làm điều đó hay không?
     Dường như anh cũng linh cảm và trong tư thế không thăng bằng, chao đảo. Nàng vội đưa đôi tay mình làm điểm tựa cho anh. Anh lạc giọng hỏi nhỏ :
- Uyên?
      Trong không gian này, với tiếng nhạc xập xình cũng không lấn át được tiếng đập của đôi tim. Im lặng kéo dài, cố ngăn tiếng nấc, nàng run rẩy trong tay anh.
Anh im lặng, hơi thở dồn dập, môi mím chặt hằn trên trán những đường gân nổi cộm nhưng anh lại cố kềm giọng nghẹn ngào, tay anh vỗ nhẹ tay nàng, lời tha thiết dỗ dành.
- Uyên phải không? ... Có phải là Uyên ở Vĩnh Long?
- Dạ! ... Chính em .
      Sắc mặt anh biến đổi như tươi hẳn, như âu lo. Rồi như thuở nào, anh vẫn với giọng chăm sóc êm đềm vì cảm thấy sự xúc động của Uyên trong bàn tay mình, anh nhẹ giọng.
- Bình tĩnh đi em.
      Anh khuyên nàng nhưng anh có bình tĩnh không? Vì đôi tay anh run run xúc động như đang gảy những nốt nhạc vồ dập, và lạnh toát trong tay nàng.
      Nàng không còn kềm chế, oà trong nức nở. Lòng rên rỉ, dòng máu trong người nàng cũng chợt đóng băng. Nỗi nhớ nhung, chờ đợi bao năm, bây giờ bị nỗi vui mừng và xúc động ôm quàng chặt lấy và không còn cục cựa. Để chỉ còn là tiếng thổn thức và nước mắt chảy tràn đi niềm tâm sự. Cả hai lặng đi, không biết bao lâu rồi anh lên tiếng mời Uyên về nhà.

      Theo anh về nhà, căn nhà nhỏ đơn sơ, nhưng ngăn nắp, anh sống với hai người bạn cùng là thương phế binh, đây là căn nhà của một người bạn được đi theo diện HO, thân nhân họ đã cho các anh trú ngụ. Cả đời người không dài bằng mười năm trong lao khổ, đã tàn phá một đời anh, cướp đi đôi mắt của anh. Những dấu tích của kẻ chiến bại đã thành vết sẹo triền miên trên trên đôi mắt thâm sâu một ngày nào. Uyên càng nhìn anh càng nghe lòng tan nát. Nàng hỏi:
- Sao anh trở thành nghệ sĩ? 
- Anh trở về, thì mất tin tức của em, ngoại cũng không còn, một thời gian ngắn đôi mắt anh mờ dần không chữa trị được, may anh có ngón đàn và giọng hát, những bạn bè giúp đỡ cho anh có một công việc làm để sinh nhai. Nhưng em đừng quá bận tâm. Tuy mắt anh không thấy nhưng lòng anh vẫn sáng ngời như ngày nào.Vẫn thấy được những gì mà anh đã từng quí trọng cũng theo ánh sáng mà ra đi. Người trai năm nào cũng vẫn nằm trong anh, nên anh vẫn ngưỡng mặt nhìn đời .
       Càng nói gương mặt anh càng cau sắc lại như dáng dấp của chàng trai kiêu hùng thuở nào. một người bất khuất năm xưa.

      Uyên cho anh biết là từ khi không tìm được anh và tình cảnh nhà tan cửa nát nên nàng phải ra đi. Giờ gặp nhau đây nhưng nàng phải trở về vùng đất mới, nơi mà nàng tìm được những tự do an nhiên dù phải nói bằng tiếng người. Nhớ đến mai phải trơ về, Uyên nghẹn ngào:
- Mai em đi rồi anh. Em sẽ phải làm sao?
- Em bình tĩnh và yên tâm, hãy làm như em đã làm, em đi và em sẽ về mà. Anh luôn là người chờ đợi bước chân em.
- Đấy là điều em nói trước đây.
- Đúng thế, nay chỉ thay đổi vị trí em và anh thôi mà, phải không em!? 
- Nhưng…
- Không nhưng gì cả, hạnh phúc là những giây phút còn lại này, chúng ta hãy trân quý đi em. Em đừng bận tâm.Tuy khả năng anh kém hơn xưa, nhưng bản năng anh không mất. Anh luôn cố gắng tự tạo một niềm vui để sống.
      Đúng là anh! Can đảm và hiên ngang, kiên cường trong mọi hoàn cảnh sống, sự lanh lẹ, cái tinh tế càng đậm nét trong anh.
- Uyên à, anh không ngại bất cứ chướng vật nào vì anh đã tìm lại đôi mắt mình trong trái tim em.
      Nàng yêu anh như chưa bao giờ được yêu vì nàng cũng tìm được chính mình trong trái tim anh. Ngày nay anh đem tiếng hát mình làm vui cho cuộc đời trong bóng đen tăm tối. Chung quanh tụ điểm này cũng có biết bao trái tim yêu đang thổn thức lắng nghe anh hát. Có khác gì hai người họ cũng đã sống và yêu qua tiếng hát của bà cụ mù lòa trên chuyến phà xưa. Miên man suy nghĩ, nàng chợt giật mình vì tiếng tằng hắng của anh.
- Anh bây giờ già dặn nhiều.
- Thế là từ nay em gọi bằng “chú anh” phải không? 
Hai đứa òa cười, tuổi đời chồng chất, trang sách ký ức cũng khá dày, cùng đọc cho nhau nghe cũng hồi hộp, xúc động lẫn bâng khuâng.
***
      Ba mươi năm sống trên đất tạm dung, thời gian lạnh lùng trôi. Nàng thường thở than “sao mà thời gian dài quá!”. Nhưng đêm nay nàng lại sợ thời gian ngắn ngủi. Ngồi tựa bên anh dường như cả hai không dám thở vì sợ trời sẽ xé tan màn đêm để thắp ánh mặt trời.
- Đêm nay là Rằm phải không em?
      Uyên không trả lời mà ôm chầm anh nức nở. Đôi tay rắn chắc của anh lại xoa dịu nỗi đau, vỗ về ... cả hai không nói nên lời,có lẽ sự yên lặng là hạnh phúc và cần thiết trong lúc này. 
     Bên anh, nàng cảm nhận lòng thanh thản và bình an, phong cách của anh vẫn như hôm nào tiễn nàng nơi bến xe Vĩnh Long, nụ cười đầm ấm, thiết tha, nụ cười anh thay cho bao lời muốn nói, anh truyền cho nàng một sức lực phi thường…để mạnh mẽ bước đi. 

      Trăng đêm nay treo trong vắt nhưng không như trăng của Lý Bạch hay trăng Hàn Mạc Tử. Mà sẽ là trăng của bến nước Cổ Chiên năm nào, soi sáng một dòng sông, xuyên suốt hai tâm hồn cho thuyền tình ghé lại bến mơ.

(1) Thơ của Nguyễn Trung Kiên
(*) Nhạc phẩm Trăng Rụng Xuống Cầu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Kim Oanh
Melbourne 4/2010
Sáng tác: Trăng Rụng Xuống Cầu
Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ
Tiếng Hát: Ca Sĩ Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết (Thư trước 1975)
Thực Hiện: Quách Ngọc Triều

 

 ***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links