Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Lá Thư Hậu Phương

Vĩnh Long, ngày… tháng … năm 1972

        Anh Chiến Sĩ thân mến.

       Hôm nay trời bên ngoài đang dịu mát vì mùa Tết sắp về, vạn vật cũng nở nụ cười chuẩn bị đón Xuân sang. Học trò cũng vừa thở phào nhẹ nhõm vì vừa chấm dứt kỳ thi Lục Cá Nguyệt.
Hai giờ Việt Văn hôm nay có tin sét đánh, đấy là viết thơ cho các anh chiến sĩ. Đúng là sét ngang tai với nhỏ đấy, vì nhỏ là con bé dở môn Văn, chuyên môn đội sổ trong lớp đó, anh có biết không?
       Theo đề nghị từ văn phòng đưa xuống, bảo rằng: bổn phận em gái hậu phương là an ủi và động viên tinh thần các anh nơi tiền tuyến. Các anh đang lặn lội gió sương, nằm gai nếm mật… Nhỏ không biết anh khổ sở cỡ nào, nhưng anh có biết là nhỏ đang đau khổ dường nào chăng? Không dễ gì viết thơ cho một người mà nhỏ chưa bao giờ biết mặt, biết tên?
       Hai con nhỏ bạn ngồi cạnh, đã hoá phép thần thông thì lá thư đã đầy chữ. Còn nhỏ thì ngồi cắn bút suy tư...
       Anh Chiến Sĩ ơi! Thôi thì nhỏ cố gắng tìm những gì vui nhất của học trò kể cho anh nghe nhé, và hy vọng là tiếng cười của lớp học này sẽ theo gió ngược miền đến tận rừng xanh, nơi đó anh sẽ cảm thấy lòng nhẹ đi nỗi âu lo, quên giây phút nhớ nhà, và tìm được những yên lành trong mảnh thư xanh.
       
    
      Xin tự giới thiệu với anh tên nhỏ là.... À mà không được viết tên riêng, chỉ ghi lớp và trường mà thôi. Lệnh mà anh! Nhỏ đang học lớp Đệ Tứ 8, nữ học sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp, một ngôi trường cổ kính, rất nên thơ, từ cổng trường đi vào hai hàng cây phượng vàng rợp bóng, buổi tan trường những tà áo trắng tung bay như đàn chim vỡ tổ.Vĩnh Long là một tỉnh lỵ hiền hoà, người dân mộc mạc dễ thương… Thôi nhỏ không dài dòng văn tự nữa đâu, để nhỏ kể anh nghe chuyện vừa mới xảy ra anh nhé.
       Trong giờ Sử Địa, là một môn ngán như ăn cơm nếp, học phải nhớ từng chi tiết nhỏ, trả bài quên một chữ là quên cả câu. Nhưng rất may năm này nhỏ học với một vị thầy, tên thầy Nguyễn Văn Năm. Thầy cũng biết điều này, nên thầy cho thuyết trình. Rất lạ! Vì chỉ có môn Văn mới thuyết trình thôi. Đề tài ra là “Danh nhân thế giới từ năm …”

       Ngày thuyết trình bắt đầu, toán của nhỏ sửa đề tài, dán tài liệu sưu tầm lên bảng, viết tựa đề, “Giai nhân thế giới từ năm..” những hình ảnh giai nhân thật đẹp.Thầy bàng hoàng, sửng sốt !!!
- Các em làm gì vậy? Ai cho các em đề tài này?
- Dạ thầy cho mà, chúng em ghi rõ ràng mà thầy.
       Biết thầy đang cười trong lòng như bọn nhỏ vậy. Nhưng thầy cố làm nghiêm, thầy biết học trò tinh nghịch, nhưng chỉ biết lắc đầu, mỉm cười và chịu thua. Thầy xuống giọng:
- Thôi tài liệu cũng đẹp lắm. Nhưng các em bị phạt! Và phạt!
Cả lớp cười xòa và một tình cảm thầy trò gắn bó thật dễ thương.
       Anh chiến sĩ biết không, sau buổi thuyết trình ấy, chiều tối toán nhỏ lén đến nhà thầy để vào cửa sổ nhà thầy tất cả những tấm hình của “Giai nhân thế giới” tặng thầy làm kỷ niệm…hi..hi.... vui anh nhỉ?


     Anh Chiến sĩ thương mến, không biết vì sao, và từ lúc nào… khi vừa kể xong câu chuyện này, nhỏ ngỡ mình như đã biết anh, một gần gũi nhẹ nhàng, chia sẻ tâm tư, chung vui ngọt ngào của một thời thơ mộng, hồn nhiên của con gái tỉnh lỵ hiền hoà.
Còn anh? Trước khi bước vào đời lính chắc hẳn anh cũng một thời ôm ấp mộng thư sinh? Anh có mơ ước gì chăng sau khi cuộc chiến an bình? Anh có vui buồn gì trong những đêm một mình bên tay súng chăng? Hy vọng lá thư này sẽ làm anh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và can đảm dấn thân trong những cuộc hành quân, vì ít ra cũng có một người em gái hậu phương chân thành kể chuyện cho anh vui, và cùng lần bước chân mình đến tận rừng sâu.

Lần đầu em tập viết thư
Gửi anh Chiến Sĩ trăng mơ quê nhà
Đến người lính trận miền xa
Thư xanh tình đậm làm quà viễn chinh.


       Thôi cho nhỏ ngừng vì đến giờ nộp thư cho cô giáo rồi. Mến chúc anh cùng những người bạn đang sát cánh bên anh luôn an lành trong ân Chúa và hưởng một mùa Xuân bên cạnh những đồng đội thương yêu.

Em Hậu Phương.
Lớp Đệ Tứ 8
Trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp - Tỉnh Vĩnh Long. “Cô Bé Đội Sổ Văn”


  ***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét