Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Thư Tiền Tuyến

Phố Núi Pleiku, Ngày …tháng… năm 1972

Em gái “Đội Sổ Việt Văn” thân mến!

Lần đầu tiên anh nhận được một lá thư hậu phương vô cùng ngộ nghĩnh và cũng rất thành thật.
Làm anh cứ cười thầm mãi.
Anh cười vì khi em gái nghe tin nhà trường yêu cầu viết thư cho lính mà em ngỡ rằng sét đánh ngang tai.
Giữa nắng Xuân ấm áp, rực rỡ thế này, thì sấm sét ở đâu ra cơ chứ?

Mai vàng rực rỡ trên cành.
Nắng chan hòa nắng, trời xanh ngắt trời.
Dập dìu én liệng nơi nơi.
Mùa Xuân tươi đẹp, cho đời thêm Xuân.


       Có chăng… chính em đã đem mùa Xuân và đưa cả tiếng sét đến cho người nhận thư là anh đây nè. 
Mà em biết tiếng sét gì hông dậy? 
Nếu em nói trúng thì khi được về phép, anh sẽ bao em một chầu Sâm Bửu Lượng, cộng thêm ly đậu đỏ bánh lọt, chịu hôn? 
Ủa! Mà anh nói vậy chứ, có biết em là ai đâu mà đến đón, đặng bao em há! 
Một cái tên “Cô bé đội sổ Việt Văn” rất mơ hồ, có lẽ đây là bút hiệu hổng chừng, giữa một ngôi trường toàn nữ sinh, khác nào anh đi mò kim đáy biển… 
Mà ngày giờ đi phép của lính, nhất là những người lính tác chiến, luôn đối diện hiểm nguy, chết chóc như anh, quý giá biết chừng nào em biết hông? 
Hổng lẽ ngày về phép, anh đeo một tấm bảng to tổ chảng trước ngực ghi hàng chữ: TÌM TRẺ LẠC: CÔ BÉ ĐỘI SỔ VIỆT VĂN, đến trước cổng Trường Tống Phước Hiệp để tìm em? 
Chừng đó, nếu có thấy anh, em cũng chạy tét há! 
Nói đùa chút cho vui, để quên nỗi buồn xa nhà trong những ngày tết thiêng liêng của dân tộc. 
Chứ anh hiểu rằng, tuổi các em còn quá ngây thơ trong trắng để biết về những tàn phá của chiến tranh, về bao gian khổ của người lính, và hiểu được nỗi lòng của người trai thời tao loạn. 
Hãy cứ trọn vui với cuộc đời học sinh thơ ngây vô tư lự đi em ạ! Hãy tận hưởng những phút giây an bình cùng những hoài bão cao đẹp đi nhé em, kẻo mai kia, khi va chạm phải sự khốc liệt của cuộc chiến này, các em sẽ hối tiếc vì đã để tuổi xuân sớm vướng bận những biển dâu cuộc đời.

    Em gái thân mến! 
    Các em cũng lý lắc thiệt đó nghe. Thầy giáo đưa đề tài là Danh Nhân Thế Giới, mà các em dám sửa lại thành Giai Nhân Thế Giới. 
Ôi! Cái tuổi học sinh sao mà đẹp đẽ và hồn nhiên đến thế. 
Làm anh nhớ lại một kỷ niệm thiệt vui hồi còn ngồi ghế nhà trường. 
Hôm đó là giờ Thế Giới Sử, thầy giáo nói chuyện miên man về các dân tộc, và những đặc tính riêng… 
Bỗng thầy ngừng giảng và gọi to: 
- Em Thụy! 
Lúc đó anh đang mắc bận… làm thơ, nên có nghe được chữ nào đâu… 
- Dạ có em đây th​ầy… 
- Em hãy cho thầy biết, sắc dân nào trong vùng châu Á là có chiều cao khiêm tốn nhất. 
Lẽ ra câu trả lời là Nhật Bản, thì anh lại bị thằng bạn ngồi kế bên chơi trác, nên anh mạnh dạn trả lời, theo lời nhắc của nó: 
- Dạ thưa thầy đó là dân tộc Mông Cổ ạ! 
Cả lớp ồ lên, ngạc nhiên vì câu trả lời của anh, thầy vẫn bình tĩnh hỏi tiếp: 
- Em hãy cho thầy một lời giải thích… 
Lúc đó anh tá hỏa tam tinh, nhưng cũng nhanh trí nghĩ ngay ra một câu trả lời đáng được thưởng hai con zéro: 
- Dạ thưa thầy …vì họ chỉ có Mông và Cổ…nên họ hổng có cao… 
Hậu quả là anh lãnh hai trứng vịt …ung, vì tội lo ra, hổng nghe thầy giảng bài… 
Cũng từ đó, cả lớp gọi anh là Thụy Mông Cổ. 
Tuy vậy, anh cũng chẳng bao giờ oán hận thằng bạn mắc dịch ấy cả, bởi vì sau đó, nó và anh cùng xếp bút nghiên lên đường làm bổn phận người trai thời binh lửa và ở chung một đơn vị, nên đã từng chia sẻ với nhau biết bao ngọt bùi, gian khổ trên chiến trường. 
Thấm thoát mà anh đã rời ghế nhà trường hơn bốn năm rồi. 
Thời gian ấy không dài đối với mọi người, nhưng với bọn anh, thì quả thật rất đáng kể. 
Vì đối với người lính tác chiến, tất cả có thể thay đổi chỉ bằng đường đi của một viên đạn vô tình, hay của một quả pháo kích. 
Nhưng mà: 

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, 
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa Hồng Mao.
(Chinh Phụ Ngâm)

 
    Nên đối với bọn anh sự lạc quan yêu đời không hề thiếu vắng... 
    Thôi anh không nói những gì chẳng vui trong ngày đầu Xuân nữa, mà sẽ nói về ước mơ của anh khi quê hương không còn chinh chiến. 
Ngày ấy, anh sẽ về lại vùng quê hương xa xôi mà kỷ niệm vẫn chưa mờ phai trong ký ức, và tiếp tục cắp sách đến trường để trau dồi thêm kiến thức. 
Rồi một ngày nào đẹp trời nào đó, anh sẽ tìm đến ngôi trường cổ kính nên thơ Tống Phước Hiệp với hy vọng gặp được người em gái "đội sổ Việt văn" để cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm của tuổi hoa niên vô tư, đầy ắp những ước mơ và nghịch ngợm. 
Dẫu rằng lúc ấy có thể em đã tay bế, tay bồng còn anh thì: 

Công danh sự nghiệp nửa vời. 
Soi gương đã thấy da mồi tóc sương. 

    Dù sao đi nữa, cũng xin cám ơn các em, những tấm lòng hậu phương đáng quý, còn nghĩ đến người  tiền tuyến. 
    Lá thư của em là một an ủi rất lớn đối với anh, trong mùa Xuân năm nay. 
Anh sẽ đón Xuân bằng những lời chúc tốt lành của em, và với một hy vọng sẽ nhận được câu trả lời đúng nhất, qua trang Tiền Tuyến Hậu Phương của báo KBC, để anh có dịp bao em một chầu Sâm Bửu Lượng… 
    Chúc em và gia quyến một mùa Xuân thật an bình. 
    Người Anh Tiền Tuyến mới quen. 

Bùi Đình Thụy 
Đại Đội 3-Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân 
KBC 4047

 Xem Lá Thư Gửi Đi: Thư Hậu Phương

 ***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links



2 nhận xét:

  1. Văn thơ hay như thế mà làm sao "Đội Sổ Việt Văn" cho nổi, có nước bạn học phải đội cô nàng thì có. Bây giờ thì trình bày trang blog quá tuyệt vời, khó có ai sánh kịp. Mình cũng có một trang blog mà xin chào thua. Chắc mình phải nhờ cô nàng chỉ dẫn design lại trang blog cho hoản chỉnh hơn. Xin tôn sư.
    Ký tên: Một tên lính già cùng đơn vị với Locphuc.

    Trả lờiXóa
  2. Dạ không dám anh Lục ơi, để hôm nào đăng thành tích biểu ngày xưa anh sẽ thấy KimOanh nói không sai đâu. Cám ơn anh đã ghé thăm vườn thơ nhỏ. Kính chúc anh mùa Xân an vui nha.

    Trả lờiXóa