Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Nhất Quỷ Nhì Ma Thứ Ba Học Trò

      Trong cuộc đời mỗi người chúng ta đều mang ít nhiều kỷ niệm, vui, buồn cũng có phải không các bạn?  Nhưng đẹp nhất là kỷ niệm của tuổi học trò, ngây thơ, trong sáng.
      Ngôi trường Trung học Tống Phước Hiệp  khang trang, thơ mộng. Nơi đây bắt đầu cho tôi những ngày tháng đẹp, bên cạnh thầy cô và bạn hữu. Năm 1969 bước chân vào Đệ Thất 6/8, chúng tôi học môn toán với thầy Đinh văn Quân, thầy cũng là giáo sư hướng dẫn lớp, thầy rất trang nghiêm, hiếm khi thầy cười. Học trò sợ thầy lắm! Không bao giờ dám lơ là trong việc học, thầy có lối trả bài khác với bất cứ những thầy khác, thình lình thầy gọi đứng lên  hỏi định lý, định luật, bất cứ lúc nào, trả bài trước rồi mới hỏi tên sau.
     Nhưng các bạn ơi!" Nhất Quỷ,Nhì  Ma ,Thứ Ba Học Trò".


      Tuy là con gái mà chúng tôi thành lập một đội banh, gồm mười đứa, Lê Thi Hoa Phượng, Nguyễn Thi Thu Thủy, Hoàng thị Vĩnh(tự Vĩnh Lùn), Nguyễn Thi Ánh Tuyết (tự Tuyếgarçon), Đ Thu Hằng, Huỳnh Thi Mỹ Yến, Lưu Thi Nguyệt Thanh, Nguyễn Phương Thanh, Nguyễn Thi Vĩnh (tự Vĩnh Ú), Lê Thi Kim Oanh.Tôi ốm thì yếu chạy không nổi, chúng cho tôi làm thủ môn. Còn Vĩnh Ú thi .. ú chạy cũng không nổi nên cũng là  Thủ môn luôn. Sở  dĩ  Tuyết có biệt danh là garçon vì tất cả đội banh đều tóc ngắn trừ Tuyết, tóc thật dài, ai bảo mi tóc dài chi nên mi là “con trai” đó !!!
     Sân banh của chúng tôi ở dưới dốc Cầu Lầu, nơi bán vật liệu xây cất, chúng tôi thường đá banh vào những giờ thời khóa biểu trống, hoặc là thầy cô nghỉ  bệnh bất ngờ, chúng tôi cột hai vạt áo dài vào nhau và đá say mê, có hôm phá giấc ngủ  trưa của bà chủ (dì của Hoa Phượng), bà rượt chúng tôi chạy. Rất vui!

(Thầy Đinh Văn Quân)

      Thầy Đinh Văn Quân thi không bao giờ nghỉ một ngày dạy nào. Bỗng một hôm chờ hoài mà thầy không đến, chúng tôi mừng khấp khởi, cô gíám thị Phạm Thi Yêm xuất hiện và bảo:
         - Các em im lặng  ngồi chờ nếu 20 phút, thầy không đến thì các em được  nghỉ  2 giờ.
    Trời ơi! Chúng tôi mừng quá, hôm nay đội banh này được ra sân rồi. Thế là hai con bạn Vĩnh Lùn và Tuyết Garçon đã  lẻn  ra khỏi lớp tự bao giờ, bằng ngõ sau của canteen (vì đó là nhà của Mỹ Yến).Hai đứa mua về một nải chuối, đặt lên bàn thầy, quỳ xuống thành khẩn xin ông Địa
         - Cầu xin ông Địa cho thầy Quân bị bể bánh xe , hay bị...bệnh đừng đi dạy hôm nay. Trời ơi đúng là học trò quỷ rồi, ác quá!

      Nhưng  hai đứa  đang khấn thì.. chúng tôi mặt mày xanh như tàu lá, im lặng đến một con muỗi bay qua cũng nghe, thầy đã xuất hiện  đứng sau lưng hai đứa, thầy ra hiệu cho bọn tôi im lặng, chờ khấn xong, thầy mỉm cười hỏi:
         - Sao cho ông Địa ăn chuối được chưa? Hai đứa xoay lưng và lạy thầy xì xụp, mặt  tái mét mếu máo
         - Thầy ơi, tha lỗi cho em,Thầy ơi tại em....và nói không ra lời. .. mếu máo khóc...
    Chúng tôi  cố nín cười, đến một lúc  không còn nhịn được, thầy và cả lớp đều bật cười ...và cười thật to,vỡ cả lớp.Từ giây phút đó thầy và lớp 6/8 không còn một hàng rào ngăn cách nữa.Thầy đã có nụ cười thật tươi, thân ái, khoan dung… và chúng tôi có một năm học thật vui vẻ, hồn nhiên. Không biết giờ này nơi quê nhà thầy có được đọc những dòng kỷ niệm này không, và có còn nhớ đám học trò quỷ quái của thầy không? Giờ đây chúng em cũng khấn cầu. Nhưng lời khấn cầu tốt lành nhất cho sức khỏe của Thầy .
         Kính gửi thầy  và các bạn lớp 6/8 một kỷ niệm thân ái khó quên. 

*** 

      Môt năm trôi qua, chúng tôi lên lớp Đệ Lục 7/8, năm đầu đã biết phá năm nay đâu còn gi là bỡ ngỡ, đội banh vẫn chiếm vị thế chỗ ngồi hai bàn nhất và hai đưa ngồi đầu bàn nhì. Ngày tựu trường  mới 6 giờ sáng  chúng tôi đi vào cửa sau nhà Yến lẻn vào lớp để cặp dành chỗ ngồi.Tiếng trống báo hiệu, cứ thong thả  đi vào là an nhiên tự tại. Năm nay  chúng tôi học rất hăng say cũng đùa không kém.
     Trước giờ học hay giờ ra chơi  chúng tôi đã có mặt trên sân thể thao, cột hai tà áo dài  nhảy dây, bắn ô môi, đánh đũa, bit mắt bắt dê.
     Ôi thôi! cũng vì trò chơi  bắt dê đâu không thấy mà mười đứa, áo đứa nào cũng bị rách vạt áo sau.Về nhà Mẹ hỏi.. thi bảo là “áo kẹt vào bánh xe.” Thời này còn nhỏ xí..u , chưa biết nói dối “ qua cầu gió bay” đâu nhé .

      Nói là “chúng tôi”, thật ra chỉ  là “chúng” thôi, chúng phá ghê gớm, còn “tôi”thì chỉ phá “ngầm”,  tôi hay ngồi nhìn chúng phá, hưởng ứng sau, thấy chỗ nào phá thiếu thi tôi vội .. điền vào chỗ trống…chỗ nào phá thừa thì can chúng bớt đi. Có lẽ cũng nhờ điểm này mà ký ức tôi có giờ ghi chép nhanh nhiều kỷ niệm.
     Quy luật  của đội banh là:
         - Phá thầy cô, nhưng không được vô  lễ, hạnh kiểm phải giữ tốt tối đa.
         - Đùa chơi thỏa thích, nhưng phải học hết mình, giúp lẫn nhau  khi gặp khó khăn. Mỗi sáng Chúa Nhật họp ở nhà Hoa Phượng ôn bài, hoàn tất bài cho Thứ Hai, để chiều đạp xe đi vườn trái cây hay đi ăn hàng rong.
         - Bàn viết thầy cô lúc nào cũng phủ nắp bàn thật sạch  sẽ,
         - Bàn thầy cô mỗi ngày phải có hoa tươi, nhưng hoa không được mua mà là hoa hái trộm. Những đóa hoa tươi đẹp như một lời cám ơn thầy cô đã vất vã một ngày vì lũ học trò phá phách này. Khi thầy cô vào lớp, nhìn bình hoa cho một lời khen:
         - Cảm ơn các em hôm nay hoa đẹp quá! Thế là  lòng chúng tôi mang cả một mùa xuân sung sướng vui tươi.
   Các bạn có biết, trải  khăn bàn có hai mục đích đấy.
         - Thứ nhất, làm đẹp mắt thầy cô, thầy  cô sẽ cảm thấy vui, mà vui  mình cũng nhẹ lo âu…lắm lắm !!!
         - Thứ nhì, cứu bồ mấy nhỏ bạn không thuộc bài, chúng tôi để tập dưới gầm bàn, tha hồ đọc ro ro…   Cái khăn bàn đồng lõa  che khuất tầm nhìn của thầy cô.
   Xin thầy cô tha thứ cho tính lí lắc của chúng em nhe!!!

      Riêng cá nhân tôi có một kỷ niệm vui và cũng khá buồn.
     Các bạn thường gọi tôi là con mọt sách, hàng ngày tôi đều vào thư viện đọc sách, mà luật thư viện chỉ mượn hai quyển, có ngày sách trả về rất hay, mình không mượn được hơn, tôi bèn  len lén mang sách giấu vào phía trong kệ, hôm sau có mà đọc.
     Thầy Phan Văn Chín phụ trách thư viện, thầy đã để ý việc làm của tôi, có lẽ lâu rồi mà tôi không hay biết. Bỗng một hôm, tôi vào thư viện, lui cui tìm sách đã giấu hôm qua, tìm hơài không thấy đâu cứ lục lọi, thầy Chín đứng sau lưng tôi tự bao giờ, thầy đưa ra hai quyển sách và mỉm cười hỏi:
         -  Có phải Tuyết Oanh tìm sách này không?
Tôi thật xấu hổ vô cùng, lí nhí:
         - Dạ thưa phải, cám ơn thầy.
Thôi thế là Thầy đã biết tẩy tôi ăn gian. Khi đến bàn đóng dấu mượn sách, tôi đính chánh:
         - Thưa thầy tên em không phải là Tuyết Oanh.
Thây cười bảo:
         - Học trò tên Oanh rất nhiều, khó nhớ, em là học trò trắng nhất tôi gọi là Tuyết Oanh.
     Đó là cái tên cũng dễ thương thầy gọi tôi, và cũng nhờ cái tên này mà từ lúc ấy tôi có thể mượn mỗi lần bốn quyển sách.

      Sang năm lên lớp Đệ Ngũ 8/8  thầy phụ trách môn Toán, thầy rất hiền hoà, vui tính, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, cách dạy của thầy giúp tôi tiến xa hơn môn này từ năm đó.
      Mùa Hè lại đến, chúng tôi chia tay,  tưởng chỉ ba tháng Hè rồi gặp lại nhưng định mệnh quái ác, căn bệnh nan y đã mang thầy ra đi vĩnh viễn. Thầy đã xa tất cả, ngôi trường, thư viện, lớp học, đồng nghiêp và học trò  của thầy. Nhưng trong lòng của chúng tôi thầy mãi mãi rất gần.
     Kính Thầy! tuy em không gửi được những dòng kỷ niệm này đến thầy, nhưng em nghĩ bên kia thế giới thầy cũng đọc được lòng em. Kính hương linh Thầy một kỷ niệm không phai.
         Mùa Hè 1972.
*** 
      Năm Đệ Tứ 9/8, đây là một năm phá nhất của chúng tôi, vì  sang năm sẽ chọn ban, chúng tôi không còn chung lớp, đội banh cũng sẽ tan rã.
      Những lần phá chúng tôi đã treo bán xe Honda Dame của Thầy Lê Thượng Hiền, lấy xe về thầy chỉ nhẹ lắc đầu và cười trừ, từ xa bọn tôi thì cười thích chí.
     Xe của thầy Huỳnh Hữu Trí chúng tôi treo bản đấu giá - 300 đồng. Thầy cũng chỉ cười và để y như thế chạy, bọn tôi tưởng thầy không thấy đành gọi:
         - Thầy, thầy cái giấy ..
Thầy dừng xe lại, rồi nói
         - Lần sau đấu giá cao một chút chia cho thầy với nhé.
Thế là bể mánh hết trơn!!!
      Có lần chúng tôi leo lên nóc canteen để trộm xoài nhà cô Hiệu Trưởng.Vừa với được trái xoài chưa kịp hái, thì  cậu con trai của cô bắt quả tang, cậu bé định chạy vào nhà mét cô, nhỏ Vĩnh Lùn nhanh trí “Ê, em bé chị cho kẹo nè”, cậu nghe “kẹo” chạy lại cười toe toét, thế là cậu còn lấy cho các chị cây để thọc xoài dể hơn, và các chị cũng cười toe toét  y như cậu bé. Cám ơn cậu bé ngày xưa nhé, giờ có lẽ cậu đã trở thành một thanh niên tuấn tú rồi nhỉ!

      Năm nay nhà trường  tổ chức một cuộc thi đua làm Bích Báo, thế là chúng tôi cũng ra quân, thi đua cùng các bậc đàn anh đàn chị trước khi Bích Báo được triển lãm, tất cả các lớp được quyền quảng cáo báo lớp mình, các quảng cáo được dán vào những gốc cây. Chiều sân trường không còn bóng ai, chúng tôi lẻn vào nhà của Yến, mười đứa chia nhau đi gỡ hết quảng cáo của lớp khác, sau đó thì  dán báo của  lớp mình.
     Sáng Thứ Hai, sân trường chỉ còn lại một tờ Bích Báo lớp 9/8 duy nhất mà thôi.Trước giờ học cô giám thị Lê Thị Hồng Hạnh và giáo sư hướng dẫn thầy Phan Minh Phụng  vào “giũa”cho một trận nên thân, cả lớp im lặng cười trừ.

( Thầy Phan Minh Phụng)

       Giờ Pháp Văn của thầy Phan Minh Phụng, chúng tôi ăn vụng trong lớp, nhỏ Vĩnh Ú gọt đu đủ, ai ngờ mủ trơn quá, trái đu đủ  vè..o.. bay ngay góc bục gỗ  của thầy, cũng may thầy hơi …thấp người, nên chưa thấy.Trời ơi! Làm thế nào đây? Còn đang suy tính,  không ngờ nhỏ Vĩnh nhanh trí.
         - Thầy em bôi bảng cho thầy nhe, miệng nói, nó đi  nhanh lên bảng, tay bôi bảng, chân đá trái đu đủ trở về. Đúng là cầu thủ đội banh có khác!
     Thầy, cô bảo đây là một lớp phá di truyền và cũng là lớp học giỏi di truyền, đàn chị  mấy năm 9/8 trước cũng thế. Nên thầy cô rất thông cảm và thương lắm.

     Có hôm giờ toán thầy Nguyễn An Tập, chúng tôi thật dại dột, ăn vụn bò biá, bọc tương đậu phụng vừa mở ra, mùi thơm phưng phức lan tỏa ..Thầy đang viết bảng vừa khẽ nói:
         - Các em sắp đến giờ ra chơi rồi nhé! Giọng thầy nhẹ nhàng, từ tốn làm chúng tôi… dừng bước.. ăn vụng ngay.
      
Năm nay chúng tôi cũng có một kỷ niệm thật vui với cô dạy Việt Văn, cô Dương Vương Thị Tùng.Tôi là cô bé được lớn lên ở miền quê, với giọng Nam thì tên tôi gọi bình thường lắm.Nhưng lần đầu vào lớp điểm danh, khi cô gọi tên tôi với giọng Miền Bắc, tôi rất ngỡ ngàng và hân hoan,
         - Ồ, sao tên mình cũng hay thế này! Cô gọi thật êm tai.
     Một ngày đẹp trời, gọi trả bài cô đã khai sinh hết tên bọn tôi thật ngộ nghĩnh, cô bảo tên cha mẹ chọn, đầy ý nghĩa, ai mà không hiểu thì biết tay cô.
Phản xạ tự nhiên phải biết tên mình khi cô gọi lên trả bài
         - Lê thị Mùa Hè (tức Lê thị Hoa Phượng)
         - Nguyễn thị Dòng sông Xanh (Nguyễn thị Thanh Thủy)
         - Nguyễn thị Nước mùa Thu (Nguyễn thị Thu Thủy)
         - Lê thị Vàng Anh (tên của một loài chim Lê thị Kim Oanh  )
         - Đỗ Trung Thu (Đỗ thu Hằng)….v…v

(Cô Dương Vương Thị Tùng) 

     Cô là người đầu tiên đem thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Nguyên Sa, âm nhạc, mẫu chuyện ngắn, đưa vào giảng Kiều, Chinh Phụ Ngâm cho chúng tôi thích thú, dễ nhớ, và tỉnh ngủ vì học văn bọn tôi thường “nhắm mắt chỉ  thấy một chân trời tím ngắt”. Có hôm đang giảng  “Nách mo cơm nếp” nghĩa là gì? Thầy Nguyễn Thành Đô đi ngang  nách quyển sách, trộm nhìn vào lớp, thế là cô chọn thầy làm đề tài giảng ngay,
      Cô bảo: “ hôm nay đi ra đồng làm ruộng mà thầy Đô nách mo cơm nếp như nách quyển sách, thôi chắc hổng dám ăn”. Cả lớp cười vui vẻ, cô nháy mắt đồng tình với học trò, làm thầy Đô đi như chạy.

      Phần nhiều sau mỗi giờ học, chúng  tôi đã thuộc hai phần ba bài thơ. Đó là biệt tài của cô, vì lẽ này mà chúng tôi nuốt môn Văn dễ dàng hơn. Nhất là tôi, một đứa học trò rất dở và ngán văn chương, thế mà đã thích văn thơ từ đấy.
     Cuối năm cô còn bói Kiều cho chúng tôi để xem vận mệnh, rất vui. Trong Truyện Kiều chỉ cần nói trang mấy, chúng tôi được nghe cô đọc vanh vách và thật êm tai. Cô trẻ  trung, nghịch phá cũng không thua học trò của cô, điểm này làm chúng tôi rất gần và thương cô nhiều lắm.
        Xin thương gửi đến Cô và lớp 9/8 một kỷ niệm đẹp, và em luôn cảm ơn cô đã cho chúng em một đời học trò đẹp như những dòng thơ, và những áng văn hay.
* * * 
 (Thầy Nguyễn Văn Năm)

        Niên khóa 1973-1974. Môn Sử Địa cũng là một môn ngán như ăn cơm nếp, học phải nhớ từng chi tiết nhỏ, trả bài quên một chữ là quên cả câu. Nhưng rất may năm này học với Thầy Nguyễn Văn Năm.
     Thầy cũng biết điều này, nên thầy cho thuyết trình. Rất lạ! Vì chỉ có môn Văn mới thuyết trình thôi. Đề tài ra là “Danh nhân thế giới từ năm …”
      Ngày thuyết trình bắt đầu, chúng tôi sửa đề tài, dán tài liệu sưu tầm lên bảng, viết tựa đề, “Giai nhân thế giới từ năm..” những hình ảnh giai nhân thật đẹp.Thầy bàng hoàng, sửng sốt !!!
         - Các em làm gì vậy? Ai cho các em đề tài này?
         - Dạ thầy cho mà, chúng  em ghi rõ  ràng mà thầy. Chúng tôi biết thầy đang cười trong lòng như chúng tôi vậy. Nhưng thầy cố làm nghiêm, thầy biết chúng tôi tinh nghịch, nhưng chỉ biết lắc đầu, mỉm cười và chịu thua.
         - Thôi tài liệu cũng đẹp lắm. Nhưng các em bị phạt! Và phạt!

     Đề tài phạt là “Tôn giáo từ thời….”, chúng tôi chọn “Thiên Chúa Giáo”. Đúng lắm! Thầy cho chúng tôi “xưng tội” đây. Thời gian  hai tuần lễ ngắn ngủi, môt phen chạy hụt hơi, mỗi đứa chia nhau đến nhà thờ, đến các Cha, các Soeur, những người đạo dòng tìm tài liệu.
     Và chính nơi đây chúng tôi mới hiểu được những tấm lòng nhân ái của các soeur, đã hy sinh tuổi xuân nuôi dưỡng các em sơ sinh, mồ côi tại một chủng viện, đường lên nhà thờ Fatima. Và  từ dạo ấy, mỗi sáng Chúa Nhật Phương Thanh, Thu Cúc và tôi sau giờ sinh hoạt Hướng Đạo, đạp xe lên đó để giúp các soeur một tay, chăm sóc các em.
    Riêng tôi say mê công việc này từ bao giờ, có lần tôi ngỏ ý muốn đi tu nhưng Soeur nhìn tôi mỉm cười nhân hậu, Soeur bảo:
         - Con có thất tình không? Nếu có thì nơi đây con không thể quên được tình yêu, mà con hãy cầu nguyện. Nếu con muốn giúp đời, con về học cho thật giỏi, bao giờ con thành tài, con muốn trở lại đây Soeur sẵn sàng dang rộng vòng tay đón con.
      Câu nói ấy như đánh thức lòng tôi.Con xin cám ơn Soeur đã cho con một niềm tin và kiến thức hôm nay.

      Em xin cám ơn Thầy, đã giúp cho em thấu hiểu một tấm lòng nhân ái, và một đức tin mãnh liệt, nhờ đức tin này đã đưa em đến được bến bờ Tự Do hôm nay.
    Sau buổi thuyết trình ấy, chiều tối chúng tôi lén đến nhà thầy để vào cửa sổ nhà thầy tất cả những tấm hình của “Giai nhân thế giới” tặng thầy làm kỷ niệm…
    Ngày xưa em là con chiên ngoại đạo. Giờ đây em là con chiên ngoan đạo rồi. Không biết giờ Thầy ở nơi đâu? Có khi nào thầy đọc được dòng  kỷ niệm này không? Nếu có dip gặp thầy, em không còn phá nữa, vì  em đã biết xưng tội rồi thầy ạ. Amen!
         Thương gửi về thầy và lớp 10A4 kỷ niệm  lém lĩnh không phai nhòa.

***
 (Thầy Lê Thượng Hiền)

       Năm Đệ Tam là một bước rẽ khác cho chúng tôi, chọn ban để định đoạt cho tương lai ngành nghề nào? Thế là bọn tôi tạm chia tay. Buồn lắm! Đội banh tan rã những giờ ra chơi không còn thấy nhóm này nhảy dây, đánh đũa, bắn hạt ô môi trong sân trường nữa. Vì sao các bạn biết không?
Làm người lớn! Biết e thẹn và bâng khuâng.
     Tuy đá banh, trò chơi con nít không có, chúng tôi chơi vũ cầu thay thế,và đặc biệt không bao giờ rời sân mỗi dịp được xem các trận thể thao của đội nhà, của các thầy. Chúng tôi luôn là những ủng hộ viên nhiệt tình nhất.
     Đội banh đứa chọn Ban C, Ban B. Ban A. Trong nhóm còn lại Thu Hằng và tôi. Chúng tôi  có thêm hai cô bạn mới là Diệp Thị Thu Cúc, Trần Ngọc Hương, nhỏ Hương từ trường Sương Nguyệt Anh ở Saigon về, lần đầu ra mắt cả lớp, nhỏ e dè, khép nép trông mà tội nghiệp, không ai nhường chỗ ngồi, tôi và Hằng cảm thấy thương nên rủ nhỏ ngồi chung. Sau nhở ra mới rõ nhỏ Hương là chúa quỷ hơn bọn tôi.
Đời bỗng dưng vui! Bàn nhất có một ban Tứ Quý hay Tứ Quỷ không chừng !?

        Năm nay cũng là năm găng nhất, có thêm một sinh ngữ thứ hai đó là môn Anh Văn do Thầy Lê Thượng Hìền phụ trách. Các bạn cũng dư biết thời đi học, đầu  tháng học tà tà, giữa tháng cắm đầu cắm cổ mà học, kẽo không thầy cô mà rà cây viết lên bảng phong thần thì bụng sẽ đánh lô tô, ngoài ra sẽ có làm bài kiểm tra nữa nhé!
Hôm ấy, một ngày đẹp trời.Thầy bước vào chào hỏi xong. Bỗng  nhiên thầy bảo:
         - Các em lấy một tờ giấy trắng ra, điền tên, lớp vào góc giấy.
Trời ơi! Thôi chết rồi thầy bắt đúng yếu điểm của bọn tôi chăng?  Cả lớp nhao nhao:
         - Phản đối thầy.
Vẫn ôn tồn  thầy bảo:
         -  Các em im lặng, lấy giấy viết ra.
Như đàn ong vỡ  tổ. không ai chịu nghe lời thầy, cả lớp nhao nhao
- Kỳ vậy thầy, chưa cuối tháng mà, chưa ôn bài  thầy ơi, phản đối thầy.
- Hôm nay trời đẹp mà thầy!
Không đứa nào tuân lời thầy.
Thế là phạt, phạt.. vì tội lớn tiếng, mất trật tự , không học bài, không tuân lời, chống đối…v…v…
Nhưng vẫn một giọng ôn tồn, nhỏ nhẹ thầy bảo:
     - Hôm nay trời đẹp lắm, các em không học bài thì ra sân hóng nắng, và xuống giọng một chút thầy  tiếp:
     - Hôm nay cho dù có xài nước cơm, cũng không trắng nổi, thầy vừa nghiêm vừa mỉm mỉm cười.

     Bọn con gái chúng tôi thì cũng vừa cười vừa thẹn.Trời ơi! Sao thầy rành tâm lý con gái dữ vậy, có mỗi cái làm điệu mà thầy cũng lật tẩy luôn.Thế là buổi đẹp trời hôm ấy chúng tôi đã cùng thầy ra sân hong nắng!
     Thầy nói thế thôi chứ cũng không nỡ lòng, thầy cho đứng dưới hàng cây điệp gần ngôi mộ, nắng chỉ đủ soi qua  kẽ lá, gió nhẹ mơn man, chúng tôi cười lý thú, đây là hóng gíó thôi chứ đâu hóng nắng  như thầy bảo đâu nè..Nắng hanh, gíó mát, có đứa ngẩu hứng làm thơ, có đứa mơ màng thả mộng.Thôi không uổng công mình xài nước cơm rửa mặt và có lẽ thầy cũng thông cảm bọn con gái xài nước cơm rửa mặt để làm đẹp hở thầy!?
Thầy lên phòng giáo sư, phút chốc trở lại:
         - Mời các em vào lớp.
Chết nữa rồi, run rồi đây, tại vì chữ “Mời”của thầy nghe sao mà trang trọng quá.
Vừa vào lớp
         - “Mời” các em ngồi xuống!
Lần này im lặng như tờ, muỗi bay cũng nghe. Rất chậm rãi thầy bảo
         - Các em lấy giấy trắng ra, điền tên, lớp vào góc giấy. Không ai nói lời nào, cả lớp nhìn nhau ái ngại.
     Thôi học kỳ này xem như chiếc lá trôi sông!
     Ai nấy đều phập phồng chờ đợi lo âu, thầm bảo: “Thầy ơi, đừng cho bài khó nhe thầy!”
     Thầy thì cứ mỉm mỉm cười, lòng học trò thì ức lắm, mình thì rầu trong dạ, mà thầy thản nhiên cười cười…
Giây phút hồi hộp cũng đến, vừa bảo thầy vừa viết lên bảng đen “Cố gắng học hành, từ nay không làm ồn trong lớp”.
         -  Các em viết vào giấy một trăm câu.
     Cả lớp đồng thanh la lên một tiếng “th..ầ……y”…Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm, nụ cười nở trên môi, thầy lẫn trò đều vui, chan hòa một tình thương êm ái.Trong giây phút đó chúng tôi mới cảm được thế nào là tình thầy trò thân ái, một kỷ niệm khó quên trong đời chúng tôi.
    Giờ đây sau 30 năm, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy như  mới hôm qua. Cho dù ngày nay tất cả thầy trò người một phương trời cách biệt. Ai còn, ai mất ? Nhưng tôi tin rằng thầy và chúng tôi vẫn mãi mãi gần nhau, trong kỷ niệm đẹp này.
         Thương gửi thầy và các bạn lớp 10A4 kỷ niệm hồn nhiên thương mến.

*** 
       Niên khóa 1974-1975, thêm một năm mới, mấy cô bé ngày nào giờ đã lớn, đã đổi thay nhưng có lẽ cái tính ăn hàng không bao giờ thay đổi trong chúng tôi, mặc dù là đàn chị, nhưng các bạn xem, ăn hàng không biên giới mà các bạn nhỉ! Cửa chính lớp chúng tôi từ trên lầu nhìn xuống là cột cờ, nhìn xuống cửa sổ là một con đường nhỏ, dãy nhà của Tiểu Khu, mà nay tôi đã không nhớ tên. Nhưng Chú Tàu Lai bán bánh Tét tôi không bao giờ quên.Trước giờ ra chơi, chú chạy chiếc xe đạp phía sau là  giỏ bánh tét, với ging rao bánh bỏ dấu theo cách phát âm của chú, khi nghe là cả lớp cười khúc khích  “ Tẹt.. tẹt,..tẹt...” và chú dừng chân nơi cuối đường để chờ chúng tôi. Giờ ra chơi đã điểm, chúng tôi vội chạy ùa ra cửa sổ, tiền được gói vào trong giấy học trò và ném xuống đường cho chú, chú ném bánh tét (Người Hoa gói nhỏ khoảng một gang tay, không cột dây) qua cửa sổ cho chúng tôi. 
     
*** 
 (Thầy Quách Hữu Phước)

       Ôi! Thật ngon, không gì thích và vui cho bằng,được ăn lén thầy giám thị Quách Hữu Phước, vì thầy đi thanh tra chúng tôi kỹ  lắm.
      Môt hôm cũng điệp khúc này tái diển, chú Tàu ném đòn bánh lên cửa sổ thì vèo…chiếc bánh bay thẳng ra ngoài cửa lớp, chúng tôi bắt hụt, có lẽ lâu ngày không đá banh chăng, cho nên chiếc bánh đã rơi vào tay người khác? Hốt hoảng vội chạy ra…Thì hởi ơi! Người bắt chiếc bánh không ai khác hơn là thầy Huỳnh Hữu Trí. Cả bọn gãi đầu năn nỉ :
         - Thầy cho em xin, cám ơn thầy.
Đã không trả lại mà thầy còn bỏ vào túi áo, cười tươi lắm thầy bảo:
         - Cám ơn các em từ sáng giờ, thầy chưa ăn sáng.
Thầy tỉnh bơ bỏ đi với chiếc bánh của chúng tôi.
         - Thầy, thầy trả lại….Thầy quay lại vẫy chào ….và đi luôn.

      Đành chịu thua thầy! Cũng từ lúc ấy thầy biết bọn tôi ăn hàng trong lớp, nhưng thầy rất thông cảm, im lặng bao che cho lũ học trò nghịch ngợm này, bí mật này thầy giám thị không bao giờ khám phá ra.
      Thầy ơi! Giờ này ở Việt Nam mỗi độ Xuân về thầy ăn bánh tét, thầy có còn nhớ đến chúng em không? Và biết đến bao giờ lớp11A4 được cùng thầy ăn bánh tét không thầy nhỉ?
     Trong giờ toán thầy bảo:
         -  Các em xem Ban C người ta nhu mì, nhỏ nhẹ.
     Cả lớp hỏi:
         -  Ban B thì sao thầy?
         -  Ban B thì cứng cỏi, thông minh. Ban A các em thì…
     Chưa kịp để thầy nói hết câu, chúng tôi đồng thanh nói:
         - Ban A thì tổng hợp cả hai ban, nhu mì, nhỏ nhẹ, cứng cỏi, thông minh, thế thì hết chỗ để nói và cũng hết chỗ để chê phải không thầy?  Thầy chỉ biết lắc đầu cười chấp nhận. Khi vào lớp, thầy luôn nhìn bình hoa tươi bảo:
         - Cảm ơn các em hoa hôm nay đẹp lắm!
     Cả lớp:
         -  Hoa đẹp là hoa quý lắm đó thầy !
     Thầy gật đầu:
         - Đúng, rất quý nhưng các em coi chừng chó dữ nhé!
     Cả lớp rộ cười, thì ra thầy đã biết đấy là hoa ăn cắp!!!
         Thương gửi về thầy Huỳnh Hữu Trí và lớp Đệ Nhị - 11A4  một thời ăn hàng lý thú, một kỷ niệm thật đẹp khó quên.


 (Thầy Huỳnh Hữu Trí)
  
       Một thời thiếu nữ sắp chia xa, năm nay là năm cuối cùng trong ngôi trường thân yêu đầy kỷ niệm, chắt chiu cho đầy tình nghĩa để làm hành trang vào đời.
      Nhưng rồi biến cố 1975 xảy ra mỗi người một lý tưởng, một nỗi buồn đến với tất cả thầy cô, bạn bè. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc sống nơi mái trường này cho đến năm cuối. Có nhiều điều thay đổi. Nhưng tình thầy trò tình bằng hữu không bao giờ thay đổi trong chúng tôi.

       Thầy Lâm Văn Sang là giáo sư hướng dẫn,  thầy bảo chúng tôi phải có một ban văn nghệ, miễn công tác thủy lợi xa, còn gì hơn, thế là ban văn nghệ ra đời. Thanh Loan, Kim Loan,Tùng Thu,Thu Ba, Ngọc Anh, Ngọc Hương, Thu Cúc, Kim Oanh con trai Tấn, Đệ, Kiệt, Song, Hóa, Nhã, Hải(Sau 1975 trường Bán Công, Tư Thục bị giải thể và sáp nhập vào trường Công nên có Nam sinh học chung). Thầy và đám con trai đàn và con gái  thì trở thành ca sĩ bất đắc dĩ. Thầy rất hiền ít nói  đàn hay, ca cũng hay. Tại học trò dành nói cả rồi thầy nhỉ? Chúng tôi thường lén đàn hát những bản nhạc thời xưa, cảm ơn thầy lắm, đã cho chúng  em nghe những lời nhạc để quên đi một cuộc sống khó khăn thời ấy. Để tiếp tục đi nốt niên học cuối cùng  nơi ngôi trường Tống Phước Hiệp thương yêu. 


       Năm này có con trai  từ trường Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trường Tộ chuyển sang học chung. Nên bộ bốn,Thu Hằng bị đổi lớp, chỉ còn lại Hương, Cúc, Oanh.Tam cô nương cũng tiếp tục đóng đô bàn nhất, có con trai  thì có rắc rối. Nhưng bộ ba nhất định vui, buồn đều chia sẻ cho nhau, cùng nhau sát cánh.
      Một anh chàng tên Hoàng. viết thư tán tỉnh nhỏ Hương để vào hộc bàn “ Bé Hương đọc xong nhớ trả lời”, ba đứa đọc xong, không trả lời, mà trả lại vị trí cũ.
Hôm sau, lá thư được sao y bản chính tán tỉnh “Bé Oanh đọc xong nhớ trả lời”, ba đứa đọc xong, không trả lời, vẫn trả lại.
     Hôm sau, lá thư đó được đổi tên cho Cúc. Đọc xong cười ngất! Và cả ba cùng ký tên cuối lá thư, trả lại cho khổ chủ.
     Từ sau hôm ấy, anh chàng ta đi học không bao giờ dám vào cửa chính vì ba cô nàng ngồi bàn nhất nhìn anh ta cười ..cười ..Thế là anh ta vào lớp bằng cửa sổ mà thôi. Anh ta có ngờ đâu, chúng tôi tuy ba là một.

     Trong ban nhạc ghẹo tên tắt ba đứa tôi ghép lại là ba con “CHÓ”
     Không được, có dịp sẽ  “trả thù ” cho biết tay!!!
    Con gái cái tính ăn hàng không bỏ. Một buổi trưa Chúa Nhật, ba đứa đi ăn bún riêu Bà Cả ở Cầu Cái Cá, không học trò nào ăn hàng mà có thể quên được. Một tô bún đầy riêu cua, gạch cua vàng ánh, một đĩa rau ghém, một lọ mắm tôm, một đĩa chanh, ớt.. Chao ôi ngon tuyệt!!!  Ba đứa đang ăn, anh trưởng lớp Trần Ngọc Tấn đi ngang, thấy  ba đứa và cùng vào ngồi ăn.
      Ăn xong anh ta dành trả tiền, con trai  mà, muốn ga lăng. Ba đứa cười không nói nhiều, để yên cho anh ta trả. Có dịp “trả thù” rồi đây. Phá  anh ta một lần cho biết. Nhưng anh vào rồi không thấy trở ra..lắng nghe anh ta đang năn nỉ Bà Cả xin cho thiếu nợ. Ba đứa cười khúc khích..cho anh chờ lâu chút nữa, ba đứa vào.. thì ra anh không đủ tiền để trả tất cả mười tô!!!
Mặt anh mếu xệu:
         - Trời ơi! Ba cô ơi, ăn gì dữ vậy? Tôi tưởng bốn người, bốn tô thôi. Ai ngờ ba cô ăn đến tô thứ ba rồi…
    Chúng tôi cười  thỏa thích …và tha cho anh.
    Thật sự tôi cũng không biết bao tử của bọn tôi là bao tử gì? Có lẽ vui quá ăn quên thôi. Ba đứa ra về trong vui vẻ nhưng… không quên ghé ngang cổng trường Nguyễn Trường Tộ, tráng miệng một ly chè đậu đỏ bánh lọt (nói khe khẽ thôi, kẻo thiên hạ cười chết đấy!).

     Thân gửi đến anh lớp trưởng Trần ngọc Tấn một kỷ niệm để đời, để nhớ !
Và giờ đây bộ ba chúng tôi ở ba phương trời cách biệt Việt Nam, Mỹ, Úc nhưng ba đứa vẫn là một tâm hồn.. “ ăn uống!”.
     Ta gửi về hai nhỏ bạn, Hương, Cúc thương yêu nhất của ta một thời để thương để nhớ.
    Thương gửi đến các bạn lớp 12D8 (Ban A thời Cộng Hoà) một kỷ niệm chưa bao giờ các bạn được nghe.Vì ai cũng xấu hổ nên cùng nhau im lặng

      "Vẳng đâu đây đó tiếng cười giòn tan
        Mộng mơ bỏ chuyện thế gian
       Cho lòng ấm lại cười thầm mình ta
       Bạn xưa một lũ ta bà
       Phá thầy ghẹo bạn đậm đà tình thương
       Đố ai quên được một lần”
       Chu
i ngày thơ dại có ngần ấy thôi”
                          (Không nhớ  tên tác giả)

     Kính gửi đến thầy cô, các bạn, tất cả vui, buồn dưới mái trường xưa Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long. Văn chương em không đủ để viết những lời hoa mỹ. Nhưng em xin ghi lại cảm xúc của em bằng một con tim. Thầy cô tuổi đã cao và em không còn trẻ nữa..Em không ngại gì, em chỉ ngại là không được nói tiếng thương yêu những tháng năm dài em ấp ủ.
     Và sau 29 năm xa cách, một tin vui nhất đời, tôi tìm được đội banh năm nào, Nguyệt Thanh ở Mỹ, tôi ở Úc, các bạn còn lại Việt Nam, tuy đời sống khó khăn, nhưng đội banh vẫn thủy chung, các bạn họp mặt trong tình thương yêu, đậm đà.
     Tất cả thương yêu xin gửi về các bạn,  kỷ niệm một thời áo trắng của chúng ta. Hẹn một ngày về nhé “Đội banh Tống phước Hiệp.”!

(Đội banh ngày xưa hội ngộ: Lê Thị Hoa Phượng, Nguyễn Thị Thu Thủy, Diệp Thị Thu Cúc, Lê Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Vĩnh(Tự Vĩnh Lùn)

Kim Oanh - Niên khoá 1969-1976
Australia 16-3-2004
***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét